Thứ Bảy, 21/09/2024 12:47 CH
Di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 06/11/2011 08:26 SA

Chính vì vậy, khi ông mất, các vua triều Nguyễn đã phong thần cho ông với những tước hiệu cao nhất trong thứ bậc của thần linh. Còn đối với hậu thế, ông được xem là vị Thành hoàng đất Phú Yên mà trong bất kỳ bài văn tế nào của các làng xã ở các địa phương đều nhắc đến. Tuy không đóng góp nhiều cho quê hương, nhưng Dương Văn Khoa và Nguyễn Công Nhàn đã có công trạng ở những địa phương khác như Quảng Nam, Bình Thuận, vùng Nam Bộ và được các vua Nguyễn công nhận bằng các sắc phong chức tước, phẩm hàm và phong thưởng. Họ làm cho chúng ta tự hào về những người con đất Phú đã làm rạng danh trong lịch sử dân tộc. Nhưng thực tế, ở Phú Yên, hai nhân vật này ít được biết đến, sử sách có ghi chép lại cũng sơ lược. Vì vậy, sắc phong mà các vua triều Nguyễn ban tặng cho hai ông là nguồn tư liệu quý giá, bổ sung cho những thiếu sót mà tiền nhân đã viết về các ông. Và đây là trách nhiệm của hậu thế chúng ta.

III. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh phát triển và hội nhập

Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán Nôm sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu các lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa ở địa phương.

Việc nghiên cứu di sản Hán Nôm tại các di tích lịch sử văn hóa giúp chúng ta hiểu được lịch sử hình thành và quá trình phát triển của các di tích, thân thế, sự nghiệp của các nhân vật được thờ tại di tích, lịch sử hình thành và phát triển của các làng xã có di tích. Nghiên cứu di sản Hán Nôm, chúng ta hiểu biết phong tục tập quán của các làng xã qua các thời kỳ lịch sử. Nhiều năm qua, tư liệu Hán Nôm hiện có trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu thân thế và sự nghiệp các danh nhân ở địa phương. Dựa vào các tư liệu Hán Nôm hiện còn ở Phú Yên như gia phả, tộc phả, thần phả, các sắc phong hiện còn lưu giữ trong nhà thờ họ tộc, chúng ta mới có những thông tin chính xác về quá trình mở đất Phú Yên của Lương Văn Chánh hay sự nghiệp của Phó lãnh binh Dương Văn Khoa, Thống chế Nguyễn Công Nhàn. Cũng nhờ những tư liệu về Đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành mà con cháu đời sau như chúng ta biết công lao một trong số hậu duệ của Lương Văn Chánh.

Bên cạnh đó, rất nhiều tư liệu Hán Nôm ở Phú Yên như loại hình sắc phong, tộc phả, gia phả chưa được khai thác. Chúng được xem là vật báu, vật thiêng mang nhiều yếu tố tâm linh được lưu giữ rất cẩn thận trong các đình, chùa, miếu, lăng, nhà thờ họ tộc hoặc tư gia, nên khi đóng mở sắc phải có sự đồng ý của ban tế tự và phải theo nghi lễ. Do vậy, nhiều di sản Hán Nôm chưa được công bố rộng rãi đến công chúng, dẫn đến tình trạng chưa phát huy vai trò trong việc cung cấp tư liệu để nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở địa phương.

Trong thực tế, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn di sản Hán Nôm ở Phú Yên chưa được bảo tồn và khai thác đúng mực phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của địa phương. Các cơ quan quản lý văn hóa như Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thư viện Hải Phú chưa chú ý đến việc sưu tầm một cách có hệ thống, cũng như chưa có kế hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy vốn di sản này. Nguồn tư liệu Hán Nôm ở Phú Yên đang tồn tại chủ yếu trong dân gian, một số được lưu giữ tại các đình, chùa, các nhà sưu tập tư nhân và đang đứng trước nguy cơ biến mất nhiều tài liệu quý hiếm nếu không đẩy nhanh tiến trình sưu tầm, bảo quản.

Chúng ta có thể tìm thấy rải rác trong một số công trình đã xuất bản ở Phú Yên như Lược sử Phật giáo và các chùa ở Phú Yên (1995) của tác giả Nguyễn Đình Chúc; sách Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn (2007) của tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa có thống kê các bảng tự, chuông đồng, liễn đối hiện còn ở các chùa, các di tích lịch sử văn hóa ở Phú Yên và có đề cập di sản Hán Nôm. Tuy nhiên, tư liệu liên quan đến Hán Nôm trong các công trình này cũng chưa phản ánh một cách đầy đủ, có hệ thống và cụ thể về số lượng cũng như thể loại của di sản Hán Nôm ở Phú Yên.

Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hán Nôm trên địa bàn Phú Yên trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đầu tiên, phải tiến hành nghiên cứu, thống kê chi tiết và toàn bộ di sản Hán Nôm ở Phú Yên. Tiếp tục sưu tầm di sản Hán Nôm trong dân gian để phân loại, xếp hạng, nhận diện loại hình nào có nguy cơ mất mát, hư hỏng, kịp thời đề ra cách thức bảo tồn và phát huy, qua đó có cái nhìn toàn diện về bức tranh di sản Hán Nôm ở Phú Yên hiện nay. Các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa những di sản Hán Nôm đủ tiêu chí vào diện cần bảo tồn. Thực tế trong những năm qua công việc này diễn ra rất chậm. Một số gia đình, cá nhân lưu giữ nhiều tư liệu quý về Hán Nôm (đặc biệt là sắc phong) đang trông đợi kế hoạch phối hợp của các ngành quản lý văn hóa trong việc bảo quản để tránh hư hỏng, mất mát. (Còn nữa)

 

TS.Đào NHậT KIm - Th.S Võ Ngọc Hoa

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek