Thứ Bảy, 21/09/2024 12:38 CH
Di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 04/11/2011 08:19 SA

Và còn lại là sắc thần:

- Sắc vua Lê Hy Tông - niên hiệu Chính Hòa thứ 10 (1689): phong cho Tiền trấn biên Tham tướng Lương Quý Phủ là vị Thần Bảo quốc.

- Sắc vua Lê Hy Tông - niên hiệu Chính Hòa thứ 14 (1693) tặng thêm tước vị thần Bảo quốc hộ dân.

- Sắc vua Lê Ý Tông - niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) thêm chức cho Tiền trấn biên quan Tham tướng Phù Quận công Lương Quý là Thần Bảo quốc hộ dân Hựu thuận.

- Sắc vua Lê Hiển Tông - niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744): gia phong chức Thần Bảo quốc hộ dân Hựu thuận Phong công.

- Sắc vua Lê Hiển Tông - niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767): truy phong cho ông danh hiệu Thần Bảo quốc hộ dân Hựu thuận Phong công Tĩnh tiết.

Sắc vua Minh Mạng năm thứ 3 (1822): gia phong tới bậc Tráng du Cộng võ Linh ứng Thượng Đẳng thần.

- Sắc vua Thiệu Trị năm thứ 3 (phong ngày 13 tháng 08): gia tặng cho ông Tráng du Cộng võ Ling ứng Hiển hựu Thượng Đẳng thần.

- Sắc vua Thiệu Trị năm thứ 3 (phong ngày 21 tháng 09): phong Tráng du Cộng võ Ling ứng Hiển hựu Chiêu uy Thượng Đẳng thần.

- Sắc vua Tự Đức năm thứ 3 (1850) phong cho ông Tráng du Cộng võ Ling ứng Hiển hựu Chiêu uy Trác vĩ Thượng Đẳng thần.

- Sắc vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1886) phong cho ông Bảo Trung hưng Thượng Đẳng thần.

2.Các sắc của danh nhân Nguyễn Công Nhàn

Nguyễn Công Nhàn (1798 - 1872), nhập ngũ năm 1818 và xuất phát điểm từ một người lính, do có nhiều công trạng với nhân dân, triều đình, ông được bổ nhiệm ở nhiều chức vụ quan trọng dưới ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Cũng như Lương Văn Chánh, thân thế và sự nghiệp của ông cũng được nói đến trong sử sách nhưng không đầy đủ, như trong Đại Nam Thực lục chính biên đệ tam kỷ (tập 24), Quốc triều chính biên, Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, quyển hạ). Và cho đến hiện nay, vẫn chưa có công trình riêng biệt nào nghiên cứu công lao của ông đối với đất nước nói chung và các tỉnh Nam Bộ nói riêng. Vì vậy, các đạo sắc phong cho ông và người thân trong gia đình ông (bố, mẹ) là nguồn thông tin xác thực nhất góp phần làm sáng tỏ cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông đối với đất nước, đặc biệt trong thời kỳ ông tham gia chống Pháp trên vùng đất Nam Bộ (1860-1863).

Qua 14 đạo sắc hiện còn cất giữ cẩn thận trong nhà thờ họ tộc Nguyễn Công Nhàn chúng tôi có cơ sở khoa học để khẳng định ông sinh tại xã Phú Lộc, tổng Thượng, huyện Đồng Xuân (nay thuộc thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Như vậy, chúng tôi có thể tự tin khẳng định, thông tin về Nguyễn Công Nhàn sinh ra ở Biên Hòa mà trang web www. Wikipedia đề cập là không đúng sự thật. Ngoài ra, việc nghiên cứu nội dung các sắc phong của Nguyễn Công Nhàn và so sánh với sắc của các nhân vật khác, chúng ta thấy được danh phận cũng như toàn bộ sự nghiệp của ông.

Trên cơ sở 14 sắc do các vua Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị phong, còn lưu tại nhà thờ Nguyễn Công Nhàn, chúng tôi thấy có hai loại sắc: sắc phong chức tước và sắc chỉ. Trong đó có 1 sắc phong cho bố của ông là Nguyễn Công Thùy Minh nghĩa Đô úy và 1 sắc phong cho mẹ, bà Nguyễn Thị Đinh làm Chánh tứ phẩm cung nhân. Trong phần này, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu ở 12 sắc (gồm sắc phong chức tước và chiếu chỉ) có đề cập đến sự nghiệp của Nguyễn Công Nhàn.

Sắc ban chức tước:

- Sắc do vua Minh Mạng thứ 15 (1834): cấp bằng Nội vệ Nhị đội Ngoại ủy Đội trưởng Nguyễn Công Nhàn.

- Sắc vua Minh Mạng thứ 21 (1840) thăng bổ y Đội cai đội.

- Sắc Thiệu Trị thứ 7 (1847): Quảng Nam Trung kỳ Đội bảy Cai đội Nguyễn Công Nhàn trước đã có chỉ thăng trao Thành thủ úy các tỉnh tạm nhận chức Phó vệ úy. Nay bổ chuẩn trao Thành thủ úy lại thăng thự Dinh tiền phong Phấn võ Phó vệ úy suất biền binh. Nếu căn cứ nội dung trong sắc này, thì trước đó đã có sắc trao chức Phó vệ úy. Thế nhưng 14 sắc phong hiện còn ở Phú Yên không có sắc nào trước sắc Thiệu Trị thứ 7, ngày 27 tháng 2 đề cập đến nội dung trên.

- Sắc Tự Đức thứ 5 (1852) có nêu rõ vì Nguyễn Công Nhàn có tài năng, giỏi võ nghệ, lại đã chịu nhiều vất vả nên thưởng công ban tặng chức Dũng tướng quân Thần cơ doanh Tiền Vệ phó Vệ úy.

- Sắc Tự Đức thứ 10 (1857) khen thưởng tài nghệ của Nguyễn Công Nhàn nên trao ông chức Anh dũng tướng quân Thần cơ Dinh hữu vệ Vệ úy.

(Còn nữa) 

TS.ĐÀO NHẬT KIM - Th.S VÕ NGỌC HOA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek