Thứ Bảy, 21/09/2024 12:40 CH
Di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập
Thứ Hai, 31/10/2011 09:30 SA

Là vùng đất được khai phá cách đây 400 năm (từ năm 1611), di sản Hán Nôm ở Phú Yên có thể không phong phú về số lượng cũng như đa dạng về thể loại bằng các địa phương thuộc Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ, nhưng là tư liệu quý cung cấp thông tin xác thực về quá trình hình thành vùng đất Phú Yên trong tiến trình mở mang xứ Đàng Trong của họ Nguyễn. Di sản Hán Nôm hiện có trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu các lĩnh vực tôn giáo, kinh tế xã hội, lịch sử, văn học dân gian, văn hóa ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn di sản văn hóa phi vật thể này hiện vẫn chưa được khai thác và phát huy triệt để. Theo dòng chảy thời gian, một phần không nhỏ đang lưu lạc trong dân gian hoặc bảo lưu trong các di tích (đình, đền, chùa, miếu…) dưới dạng sách, ghi chép hay trên các hoành phi, liễn đối, chuông ... chưa kịp khai thác đã mai một, hoặc đã được bảo tồn nhưng để ngủ quên trong các di tích hoặc bảo tàng, thư viện mà không phát huy được giá trị vốn có của chúng. Do đó, việc sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu Hán - Nôm hiện còn ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung là việc làm cần thiết để thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền bối, đồng thời cũng là để chúng ta phát huy hoặc điều chỉnh hay cách tân những giá trị sẵn có trong vốn di sản ấy sao cho phù hợp với những biến đổi của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

 

Trong bài viết này, chúng tôi khái quát toàn cảnh bức tranh di sản văn hóa Hán Nôm ở Phú Yên để làm cơ sở khoa học đề ra những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp với bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay của đất nước.

 

I. Di sản Hán - Nôm ở Phú Yên phong phú về số lượng và đa dạng về thể loại

 

Như đã nói trên, có thể vốn di sản Hán Nôm ở Phú Yên không nhiều về thể loại cũng như số lượng như ở một số địa phương có bề dày lịch sử khác. Nhưng qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi thấy còn khá nhiều loại và không ít loại hiện còn số lượng lớn như sắc phong, gia phả, liễn đối, chuông, hoàng phi... được lưu giữ chủ yếu trong một số chùa, nhà thờ tộc, đền, miếu, đình làng, lăng hoặc tư gia. Cụ thể:

 

1. Sắc phong: Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có đủ ba loại sắc: sắc phong chức tước, sắc chỉ và sắc phong thần, cụ thể:

 

1.1. Loại sắc phong chức tước:

 

Là loại sắc do hoàng đế các triều đại phong kiến dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người đã có công khai khẩn, mở làng lập ấp hay bảo vệ đất nước. Loại này, theo chúng tôi được biết, hiện còn khoảng trên 100 sắc nguyên bản, được cất giữ cẩn thận ở đình, đền và chủ yếu là ở gia đình họ tộc, như: Đình Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa) có 6 sắc của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định phong thần Thành hoàng làng Nguyệt Lãng Lê Văn Xuyến. Ở đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) có 1 (trong tổng số 14 sắc hiện còn) của vua Lê Thế Tông phong cho Lương Văn Chánh là Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản công việc quân vụ của 4 vệ Thần vũ, tước Phù Nghĩa hầu Trụ quốc trung trật. Nhà thờ tộc họ Dương (thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) còn giữ 12 (trong tổng số 14 sắc) sắc do các vua Gia Long, Minh Mạng phong tước Dương Văn Khoa. Nhà thờ họ tộc Nguyễn Công Nhàn (thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) hiện lưu giữ 14 sắc phong do các vua từ Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức ban tặng Thống chế Nguyễn Công Nhàn và bố, mẹ ruột của ông. Gia đình bà Nguyễn Thị Miết (huyện Đông Hòa) giữ một sắc do vua Khải Định năm thứ 9 phong Hậu hiền Lê Trung Khiết. Gia đình ông Lương Do (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) hiện đang giữ một sắc phong của vua Tự Đức truy tặng Đội trưởng Lương Văn Thành (hậu duệ của Lương Văn Chánh). Gia tộc họ Tô ở làng Thọ Vức (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) lưu giữ sắc vua Khải Định năm thứ 10 phong tặng giáo sư Tô Bính (tổng Hòa Bình, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bậc Văn cửu phẩm và sắc vua Khải Định năm thứ 10 phong tú tài Tô Quế (tổng Hòa Bình, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chức Hàn Lâm viện đãi chiếu.

 

1.2. Sắc phong thần:

 

Là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần, do vua các triều đại phong kiến phong cho các vị thần được dân gian thờ cúng trong các đình làng, miếu, lăng. Hiện ở Phú Yên, theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, có khoảng trên 100 sắc phong, sắc chỉ nguyên bản nằm rải rác trong các đình, chùa, lăng, miếu, nhà thờ họ tộc, điển hình: Ở đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Đông Hòa) có 10 sắc phong do vua Lê Hy Tông, Lê Ý Tông, Lê Hiển Tông, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh phong cho vị thần Thành hoàng Phú Yên từ Thần Bảo quốc đến Dực bảo Trung hưng Thượng Đẳng thần là danh hiệu gia phong sau hết cho người có công khai phá đất Phú Yên. Đình An Tịnh (TP Tuy Hòa) còn 4 sắc phong, trong đó 2 sắc phong Thành hoàng (1 sắc do Tự Đức năm thứ 5 tặng, 1 sắc do Khải Định năm thứ 9 tặng), 2 sắc phong cho Thiên - Y - A - Na Diễn Ngọc Phi (1 sắc do Tự Đức năm thứ 5 tặng, một sắc do Khải Định năm thứ 9 tặng).

 

(Còn nữa)

TS. ĐÀO NHT KIM - TH.S VÕ NGỌC HOA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek