Thứ Bảy, 21/09/2024 12:34 CH
Di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 03/11/2011 08:00 SA

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, còn có loại văn khắc trên bia mộ. Loại này chiếm số lượng không nhiều và có niên đại muộn. Trong quá trình sưu tầm tài liệu để phục vụ cho bài viết này, chúng tôi phát hiện ở Đồng Xuân có bia mộ chữ Hán của ông Ngô Nãi Thuần, người huyện Văn Xương, tỉnh Quảng Đông lập năm 1900. Lúc sinh thời, ông là người lập ra chợ Đồng Dài, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên hiện nay. Nội dung ghi chép trên bia có cấu trúc đơn giản như các bia mộ hiện nay, gồm những thông tin cá nhân như họ tên, năm sinh, quê quán của người mất. Duy chỉ có bia mộ bà Phạm Gia Nhân (1927), pháp hiệu Thanh Tuyết, mẹ của ông Võ Thượng Khải (người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 ở Phú Yên) có nội dung phong phú hơn. Ngoài những thông tin cá nhân của người mất, còn có nội dung ca ngợi, biểu dương tính cách của bà và thể hiện sự tiếc thương của con cháu đối với bà.

 

Trong các loại hình di sản Hán Nôm, thì sắc phong dạng nguyên bản là tư liệu đáng tin cậy để làm rõ thân thế và sự nghiệp nhân vật được nói đến trong văn bản. Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi đi sâu vào việc phân tích nội dung của một số sắc phong tiêu biểu ở Phú Yên, để thấy được giá trị của chúng trong tình hình hiện nay.

 

II. Một số sắc phong danh nhân tiêu biểu ở Phú Yên

 

Trong thực tế, sự nghiệp và những đóng góp của các danh nhân như Lương Văn Chánh, Dương văn Khoa, Nguyễn Công Nhàn (Nguyễn Nhàn) đối với đất nước được ghi nhận qua sử sách, sắc phong, bằng cấp, các giai thoại, truyền thuyết, các tác phẩm thơ văn, câu đối…. Trong đó, nguồn thông tin được phản ánh trong sắc phong là xác thực và đầy đủ nhất. Bởi căn cứ vào nội dung của các sắc phong, chúng ta có thể biết các chức danh, nhiệm vụ và quyền hạn, cũng như thời gian đương chức, nơi nhiệm chức của người được phong sắc.

 

1. Các sắc phong của Lương Văn Chánh

 

Nhiều năm qua, tư liệu Hán Nôm có trong và ngoài tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu thân thế và sự nghiệp các danh nhân ở địa phương. Đối với nhân vật lịch sử Lương Văn Chánh, người có nhiều đóng góp quan trọng trong buổi đầu mở mang lãnh thổ về phương nam của Đại Việt, nhất là đối với khu vực thuộc tỉnh Phú Yên (từ đèo Cù Mông đến đèo Cả). Công lao của ông xứng đáng được sử sách trân trọng ghi nhận. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, tài liệu viết về ông rất ít. Như trong Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn (quyển 3, phần tiền biên) ghi: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, tổ tiên vốn là người Bắc Hà... Lương Văn Chánh là bậc công thần hồi quốc sơ, có công khai thác đất đai, mở rộng biên giới, huân nghiệp thật rõ rệt nhưng vì sự tích sưu tập muộn cho nên sách THỰC LỤC đã bỏ sót tên ông.”. Trong Đại Nam nhất thống chí (phần Phú Yên đạo): “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa. Đầu thời bản triều, Lương Văn Chánh làm chỉ huy sứ ... Khi mất, Lương Văn Chánh được truy tặng tước Quận công và phong làm phúc thần.). Chỉ có hai tư liệu cổ đề cấp đến ông quá mức ngắn gọn và có phần thông tin không rõ ràng về quê quán nên gây khó khăn cho việc nghiên cứu. Nhưng nhờ các tư liệu Hán - Nôm có đề cập đến Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh như gia phả, tộc phả, thần phả, sắc phong hiện còn ở Phú Yên, Thanh Hóa và một số địa phương khác nên thân thế và sự nghiệp của ông phần nào được sáng tỏ thêm. Qua 14 sắc phong còn lưu lại tại nhà thờ Lương Văn Chánh, chúng tôi thấy có đầy đủ ba loại sắc phong: sắc phong chức tước, sắc chỉ và sắc phong thần.

 

Sắc phong tước sớm nhất cho Lương Văn Chánh do vua Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng thứ 19 (1596) đặc tiến làm Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản công việc quân vụ của 4 vệ Thần vũ, tước Phù Nghĩa hầu Trụ quốc trung trật. Có ba sắc chỉ: Một của chúa Nguyễn Hoàng đời vua Lê niên hiệu Quang Hưng thứ 20 (1597) giao quyền hạn, nhiệm vụ cho Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh: quyền coi huyện Tuy Phong, Trấn An Biên rằng: Hãy liệu đem số người trục vào dân xã Bà Thê và các khách hộ tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng các dân khách hộ đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Đà Nông, trên từ nguồn Di, dưới tới cửa biển, thành lập địa phận gia cư, khai khẩn ruộng đất hoang tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường (Quyền vi Tuy Viễn huyện, An Biên trấn văn: Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tịch khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ nhưng suất thủ tân đáo hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Đà Nông đẳng xứ thượng chí nguyên di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận khai canh hoang nhàn điền thổ thành thục liễm thuế như lệ).

 

Sắc chỉ của vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) giao xã Phụng Tường, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thờ sắc phong Thượng Đẳng thần Tráng du Cộng vũ Linh ứng Hiển hữu Chiêu uy Trác vĩ Trấn biên dinh Tham tướng Lương Phủ quân.

 

Sắc chỉ của vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) đặc chuẩn xã Phụng Tường, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phụng thờ Tráng du Cộng võ Ling ứng Hiển hựu Chiêu uy Trác vĩ Thượng đẳng thần.

 

(Còn nữa)

 

TS.ĐÀO NHT KIM- TH.S VÕ NGỌC HOA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek