Thứ Bảy, 21/09/2024 12:42 CH
Di sản Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh hội nhập (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 01/11/2011 08:00 SA

Đình phường 5 (TP Tuy Hòa) hiện lưu giữ 3 sắc phong thần thành hoàng Mai Tấn Hầu. Đình làng Phú Lộc (xã Phú Lộc, huyện Phú Hòa) giữ 4 sắc phong thần, gồm 2 sắc thần Thổ địa, thần Hà Bá thủy quan do vua Tự Đức ban, 2 sắc do vua Duy Tân ban. Đình làng Qui Hậu (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) giữ 9 sắc, trong đó có 3 sắc phong cho Bạch Mã Thượng Đẳng thần do các vua Tự Đức năm thứ 13, Đồng Khánh năm thứ 2 phong, 4 sắc phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần do các vua Tự Đức, Duy Tân và vua Đồng Khánh phong. Đình Phong Niên (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) có 4 sắc: Hà Bá thủy quan do vua Tự Đức phong, thần Thành hoàng do vua Tự Đức phong, Bạch Mã Thượng Đẳng thần, Hà Bá thủy quan trung đẳng thần và thần Thổ Địa do vua Đồng Khánh phong, Bạch Mã Thượng Đẳng thần, Hà Bá thủy quan Trung Đẳng thần và thần Thổ Địa do vua Duy Tân phong. Lăng Hòa Lợi (thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) hiện giữ hai sắc phong, một của vua Tự Đức và một của Đồng Khánh ban tặng Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần. Làng Minh Đức hiện còn thờ sắc cho thôn Minh Đức do vua Khải Định thứ 9 phong tặng.

 

1.3. Sắc chỉ

 

Là loại văn bản ghi mệnh lệnh của vua truyền lệnh cho cá nhân hoặc một cộng đồng người phải thực hiện theo ý chỉ. Loại này hiện còn ở địa phương với số lượng không nhiều.

 

Ở đền thờ Lương Văn Chánh có 2 sắc chỉ, một của Chúa Nguyễn Hoàng đời vua Lê - niên hiệu Quang Hưng thứ 20 dạy Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh tổ chức di dân, khai hoang lập ấp; một của Tự Đức năm thứ 33 lệnh cho xã Phụng Tường, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thờ Thượng Đẳng thần Tráng du Cộng võ Linh ứng Hiển hựu Chiêu uy Trác vĩ Trấn biên dinh Tham tướng Lương Quý Phủ;

 

Nhà thờ họ tộc Dương Văn Khoa hiện còn sắc Minh Mạng năm thứ 4 lệnh Phó tổng trấn thành Gia Định cho phép con của Dương Văn Khoa về thăm gia đình tại ấp Thuận Nghĩa, trấn Bình Định.

 

Hệ thống sắc mà chúng tôi đề cập trong bài viết này có thể là chưa đầy đủ so với lượng sắc còn đang hiện hữu rãi rác trên địa bàn mà chúng tôi và nhiều người khác chưa biết đến. Tuy nhiên những thông số trên cho thấy sự phong phú về số lượng cũng như đa dạng về loại hình sắc phong góp phần nâng tầm giá trị của vốn di sản Hán Nôm ở Phú Yên. Bởi đây là nguồn tư liệu phản ánh chính xác nhất về lịch sử, xã hội, kinh tế, tâm linh, cách tiếp ứng văn hóa của người dân ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh đối với những người đã có công với đất nước, nhân dân.

 

Dựa vào sắc phong chức tước mà chúng ta biết chính xác thân thế và sự nghiệp của các danh nhân Phú Yên cũng như biết được những đóng góp của họ đối với quê hương và những địa phương khác như danh nhân Lương Văn Chánh, Dương Văn Khoa, Nguyễn Công Nhàn...

 

Qua nội dung trong các sắc phong thần, chúng tôi nhận thấy các nhân thần được thờ cúng trong các đình, miếu, lăng ở Phú Yên là những nhân vật có thật trong lịch sử như Lương Văn Chánh, người có công lớn trong công cuộc khai khẩn vùng đất Phú Yên (với tôn hiệu được phong lần cuối là Bảo Trung hưng Thượng Đẳng thần), Minh uy Hoa đường Phu nhân, con gái của vua Lê Thánh Tôn. Và những vị thần được sinh ra từ các truyền thuyết dân gian, vốn đã được thờ cúng từ nơi gốc gác của lưu dân từ vùng Thanh Hóa như Thần Nông, thần Bạch Mã, Cao Các (Sơn Cao), thần Thổ Địa và một số vị thần tiếp nhận từ nền văn hóa Chăm như Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần. Và trong hệ thống sắc phong thần chọn để khảo sát, chúng tôi không thấy các thần vốn là những người xấu (ăn trộm, ăn mày...) hoặc các vị bất đắc kỳ tử hiển linh thành thần.

 

Sắc phong nguyên bản hiện còn ở Phú Yên có giá trị rất lớn, bởi không chỉ dừng lại ở phạm vi nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của các danh nhân (đối với sắc phong chức tước, sắc chỉ); nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian (đối với sắc phong thần) mà chúng còn được dùng để nghiên cứu địa danh, các đơn vị hành chính có niên đại cụ thể, và là cứ liệu quan trọng để nghiên cứu văn bản học, văn tự học, ấn triện.

 

2. Các loại văn bản khác

 

So với sắc phong thì các loại di sản Hán Nôm thành văn khác như cấp bằng, tờ bẩm, bằng cấp... chiếm số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, sự hiện hữu của chúng làm tăng thêm về thể loại cũng như số lượng trong vốn di sản Hán Nôm ở địa phương, đồng thời cũng góp phần làm phong phú thêm nguồn sử liệu. Chúng tôi xin được dẫn một số loại văn bản sau:

 

2.1.Cấp bằng

 

Cấp bằng cho Lương Văn Thành chức Ngũ trưởng thuộc thập Nhất, đội Ba, Hữu cơ, cấp bằng ký ngày mồng 1 tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1854); Cấp bằng cho Phó lãnh binh tỉnh Bình Định và Quản đạo Phú Yên Lương Văn Thành thăng chức Đội trưởng ngoại ủy đội Ba, Hữu cơ tỉnh Bình Định, cấp ngày 20 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859); Cấp bằng cho Đội trưởng ngoại ủy Lương Văn Thành quyền Đội trưởng đội Tám thuộc Tả cơ tỉnh Bình Định, cấp ngày mồng 8 tháng 6 năm Tự Đức thứ 15 (1862).

 

(Còn nữa)

 

TS.ĐÀO NHẬT KIM - Th.S VÕ NGỌC HOA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek