Thứ Bảy, 21/09/2024 12:49 CH
Tính cách người Việt ở Phú Yên phác họa qua một số tác phẩm lịch sử (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 25/10/2011 08:46 SA

Laborde đã nhận xét về đặc tính của người Việt ở Phú Yên thông qua sự so sánh với người Việt ở Bình Định trong việc lý giải tại sao các phong trào đấu tranh diễn ra ở đây.

Ông viết: “Ở Bình Định dân chúng do di truyền luôn có tư tưởng tiên tiến hơn rất nhiều dân chúng ở Phú Yên, nơi đây, trừ một vài ngoại lệ người ta không bao giờ lưu tâm đến các vấn đề chính trị; ở Phú Yên có nhiều nông dân và địa chủ hơn là nhà nho, và vì thế mọi người lo lắng cho tương lai của riêng mình hơn là các ý đồ chính trị mà họ không sẵn sàng để hiểu. Nếu Phú Yên có đôi khi xáo trộn, thì theo ý tôi đó chỉ là kẻ a dua bị người nơi khác thúc đẩy lôi kéo họ trong những cuộc nổi dậy không quan trọng và qua mau”1.

Tính cách người Việt ở Phú Yên mà Laborde hướng đến là thiếu tính linh hoạt không cương quyết, bảo thủ. Quan điểm của Laborde về tính cách người Việt ở Phú Yên dựa trên cơ sở những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử và văn hóa của vùng đất này. Ông cũng đề xuất một số giải pháp để khắc phục đặc điểm trên, nhưng chủ yếu phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Dẫu sao, những đề nghị của ông cũng để lại những luận điểm khoa học mà chúng ta phải suy nghĩ, đó là ông phản đối việc sáp nhập hành chính giữa tỉnh Phú Yên với Bình Định, ông viết: “Từ đó nó (tỉnh Phú Yên) đã lấy lại quyền hạn trọn vẹn của mình và rất hợp lý khi nó bảo toàn được những quyền hạn đó, bởi vì do các biên giới tự nhiên của nó (đèo Cù Mông và đèo Varella) cũng như do tính chất khác biệt của dân chúng, tỉnh này không thể được cai quản hoàn toàn giống với cách ở tỉnh Bình Định”2.

Về phía tác giả người Việt phải kể đến tác phẩm Địa dư tỉnh Phú Yên của hai tác giả Trần Sĩ và Nguyễn Đình Cầm, Phú Yên kháng chiến của Hoàng Việt Sinh, Nguyễn Đình Tư với tác phẩm Non nước Phú Yên đã đề cập sâu sắc đến đặc điểm con người và vùng đất Phú Yên. Ngoài ra, có thể kể thêm một số tác phẩm khác có đề cập đến đặc tính người Việt ở Phú Yên như Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Phú Yên của Nguyễn Đình Đầu, Du ký Chuyến xuyên Việt (Giang sơn gấm vóc) của Nguyễn Duy Nhường và Nguyễn Ngọc Hiền.

Tác phẩm Địa dư tỉnh Phú Yên vừa là bộ giáo trình dạy cho các học sinh ở trường Tiểu học Pháp-Việt, vừa là tác phẩm có giá trị lịch sử giai đoạn Pháp thuộc ở Phú Yên.

Tác phẩm này đã phản ánh đầy đủ các vấn đề về khí hậu, địa hình, dân cư, kinh tế và xã hội ở Phú Yên trong những năm 30 thế kỷ XX. Tác phẩm đặt vấn đề trong ba khung sườn điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội nên đã phần nào phản ánh nhiều nét đặc trưng về kinh tế, xã hội ở Phú Yên thời Pháp thuộc. Tác phẩm đã mô tả về đặc điểm người Việt ở Phú Yên như sau: “Người Nam ở trên bờ biển, hoặc trong các đồng bằng, chăm về đánh cá làm ruộng nhưng ít chăm về buôn bán. Người bản tỉnh có tính siêng năng nhưng ít ham học”3. Bước đột phá của tác phẩm là đề cập đến những ảnh hưởng của địa lý nhân văn đến con người và sự phát triển của vùng đất Phú Yên. Hai ông viết về địa lý nhân văn Phú Yên như sau: “Phía đông giáp biển, phía tây giáp đạo Gia Lai tại sông Cà Lúi, phía bắc giáp tỉnh Bình Định tại dãy núi Cù Mông, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa tại dãy núi đèo Cả, tỉnh Phú Yên giống như một cái phòng rộng ba bề kín mít. Muốn ra bắc thì phải qua đèo Cù Mông, muốn vào Nam thì phải qua đèo Cả”4.

Bên cạnh nhấn mạnh đến tính cách cần cù, siêng năng trong công việc, hai tác giả Trần Sĩ và Nguyễn Đình Cầm đã chỉ ra đặc tính hạn chế của người Việt ở Phú Yên là ít ham học, thiếu tính cầu tiến. Những đề xuất mà hai tác giả hướng đến là sự tiện ích của dịch vụ vận chuyển, đặc biệt là việc nối ray đường sắt giúp cho sự phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu với các tỉnh khác: “Người nhà quê có thể ở tỉnh mình sang tỉnh khác để buôn bán. Nhờ đấy mà họ giàu có thêm lên và trí não được mở mang vì có ra đường mới học được khôn”5.

Ký sự Phú Yên kháng chiến của Hoàng Việt Sinh chứa đựng nhiều tư liệu về tỉnh Phú Yên trong những năm 40 thế kỷ XX. Mở đầu ký sự, Hoàng Việt Sinh thả lòng vào tính thiệt thòi của vùng đất Phú Yên “Phú Yên! Tỉnh thành xa xăm quá, mà có lẽ bé nhỏ quá cho nên ít được công chúng thủ đô biết đến”. Bản thân tác giả cũng chưa hề nghe tới Phú Yên, chính vì điều này mà tác giả tự hứa với lòng mình “Tôi viết để ghi những sự thực mà tôi được mục kích chứ không hề cố ý thêu dệt để tán tụng hay bài xích”, với mục đích giới thiệu với công chúng Hà Thành về Phú Yên. Qua ký sự, Hoàng Việt Sinh miêu tả tính cách người Việt ở Phú Yên với nhiều nét đặc biệt “Người Phú Yên rất trung thực và thẳng thắn. Vì thẳng thắn quá mà đôi khi thiếu sót ít nhiều trong câu chuyện xã giao. Tính chất người Phú Yên là tính chất của những hiệp sĩ thời trung cổ, vì nghĩa và ngay thẳng. Họ trọng lời hứa, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ những ai cần dùng đến họ. Họ rất tin mình và tin người”6. Ngoài ra, Hoàng Việt Sinh còn mô tả thêm về hình thể, y phục của người Việt ở Phú Yên “Người Phú Yên có thể nói là tượng trưng của những thần linh lực sĩ, vạm vỡ bên Hy Lạp. Nước da cháy nắng ngâm ngâm đen, chắc nịch. Khuôn mặt rắn rỏi, biểu lộ từ chàng trai đôi tám đến cụ già sáu bảy mươi tuổi. Tiếng nói sang sảng nhiều khi ta có cảm tưởng họ không thể nói thầm cùng nhau được. Ta không tìm được ở người Phú Yên một vẻ gì xa hoa, phù phiếm”7. (Còn nữa)

1 Theo Laborde.2003. La province de Phu Yen, BAVH, Tập 16, số 4, 1929. Tỉnh Phú Yên, Bản dịch Thuận Hóa, tr.395.

2 Theo Laborde.2003. La province de Phu Yen, BAVH, Tập 16, số 4, 1929. Tỉnh Phú Yên, Bản dịch Thuận Hóa, tr.394.

3 Nguyễn Đình Cầm, Trần Sĩ. 1937. Địa dư tỉnh Phú Yên. Nxb. Quy Nhơn, tr.28.

4 Nguyễn Đình Cầm, Trần Sĩ. 1937. Địa dư tỉnh Phú Yên. Nxb. Quy Nhơn, tr.4.

5 Nguyễn Đình Cầm, Trần Sĩ. 1937. Địa dư tỉnh Phú Yên. Nxb. Quy Nhơn, tr.25.

6 Hoàng Việt Sinh. 1946. Phú Yên kháng chiến (Ký sự). Hà Nội: Nxb. Hoa Lư, tr.16.

7 Hoàng Việt Sinh. 1946. Phú Yên kháng chiến (Ký sự). Hà Nội: Nxb. Hoa Lư, tr.15.

TS. ĐÀO NHẬT KIM

Ths. NGÔ MINH SANG
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek