Thứ Bảy, 21/09/2024 14:39 CH
Hoành Lâm - Làng Việt cổ ven biển (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 03/10/2011 10:25 SA

* Hò chèo thuyền, kéo lưới, vãi chài

 

Ở làng biển Đông Tác cùng với hò bả trạo, còn tìm thấy nhiều loại hò xuất phát từ lao động và nghề nghiệp khác như: hò chèo thuyền, hò vãi chài, hò đan vá lưới, hò đi rẩu (đi chợ).

 

ho-ba-trao111007.jpg

Đội hò bá trạo trong một lễ hội cầu ngư ở Phú Yên. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Tuy được phân chia nhiều thể loại hò, song các loại hò trên phương thức trình diễn vẫn là hò đối đáp nam – nữ. Phần lời hò đều được lấy từ ca dao, dân ca và hò khoan, nên lời thơ êm dịu, uyển chuyển, ví như câu hò chèo thuyền sau đây:

 

Hò…thuyền ai ba, bốn chiếc nghinh ngang

Chiếc nào dư để quá giang đi nhờ

Để làm chi, lững đững lỡ đò

Kẻ đi không dứt, người ngồi chờ nhân duyên

Gá lời kêu, nậu ở dưới thuyền,

Đưa ta qua đó ăn nhiêu tiền trả cho

Làm người đừng có so đo,

Ta chưa trốn chợ, lật đò gì đâu

Bạn chèo thuyền sang rước mau mau

Đừng để thục nữ ngồi lâu mất lòng

 

Lời bên kia sông là lời của người nữ gọi thuyền, pha giọng trách móc, hờn dỗi, người nam - chủ thuyền vừa đưa thuyền qua đón khách vừa thanh minh rằng do trở ngại về thời tiết, gió bão nguy hiểm nên có việc chậm trễ, ở đây tình người là trọng còn tiền bạc có chi để nói:

 

Thuyền anh ba chiếc, bốn bề

Chiếc ra Bình Định, chiếc về Nha Trang

Còn dư một chiếc đưa nàng,

Khuyên nàng bước xuống, cho chàng gầy duyên

Hơn thua chi chuyện bạc tiền,

Chữ tình thâm thúy, chữ duyên nặng nề

Buồm ra sông vịnh buồm bê

Buồm dong, gió chuộng nhiều bề gian nan.

 

Ở một ngữ cảnh khác, lời hò còn mở đầu cho sự giao tiếp, làm quen giữa những đôi trai gái và nhiều khi còn để thử khả năng, tài ứng khẩu đối đáp. Thử nghe cô gái mở lời hò trước với vẻ khiêu khích thị thường:

 

Lên xe rồi lại xuống xe

Hai bên lẳng lặng mà nghe tôi chào

Trước tôi chào nữ tú nam thanh

Ai đem đờn mà gảy lạnh tanh như chùa

Rừng còi sao chim nhạn không đua?

Ngai vàng rực rỡ hỏi sao vua không ngồi?

Chàng trai cũng chẳng phải vừa

Lên xe xuống kiệu nghiêng mình

Bạn chào ai không biết tưởng tình ta dưng

Đôi vầng nhật nguyệt đương xuân

Tối tăm cụm liễu sáng trưng vườn đào

Bạn nghiêng tai nghe tiếng ta chào

Dở hay mặc ý, đừng trách sao ta bạc tình.

 

Nếu như lời hô chèo thuyền trên mang tính nhẹ nhàng, êm dịu; phần từ ngữ và nhạc điệu mang tính chất trao tình, làm quen thì ở hò kéo lưới tính chất nặng nhọc của lao động được thể hiện quá rõ qua từ ngữ, âm điệu:

 

Hò dô kéo lên, hò dô kéo lên

Kéo lên, kéo lên, kéo lên…

 

Ngoài ra dân làng Hoành Lâm còn có lối hát rập mà môi trường diễn xướng là trên đồng ruộng, hoặc ở trước sân nhà; hát lý ngư diễn xướng trên đầm vịnh, trên biển; hô bài chòi vào những đêm trăng sáng, trong các sinh hoạt tập thể, hát ru dùng để ru em hay ru con ngủ…

 

* Vè các lái

 

Tại làng biển Đông Tác, ngư dân làm nghề biển còn lưu truyền những bài vè mang đậm tính chất nghề nghiệp, đó là vè các lái, vè các loài cá, loài tôm.

 

Vè các lái có nơi gọi là “hò các lái” hay “vè thủy trình”. Đây là những sáng tạo dân gian độc đáo, mang đậm tính nghề nghiệp; được ví như một bản hải đồ đi biển của ngư dân miền biển nói chung trong đó có ngư dân vùng biển Phú Yên. Nội dung vè các lái gồm hai bài: “vè các lái hát vô” và “vè các lái hát ra”. Thời điểm vè các lái ra đời là thời kỳ ngư dân dùng ghe bầu để đi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền dọc theo ven biển. Vì là loại hình sáng tác dân gian nên không có một tác giả cụ thể và hình thức phổ biến cũng là truyền khẩu. Trước nhất là những người trong gia đình, dòng họ rồi sau đó là đến những bạn chài đi ghe bầu đều phải thuộc vè các lái. Bởi nó gắn liền những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế miền sông nước, giúp ngư dân tránh được những rủi ro trong hành trình trên biển. Nội dung bài vè đề cập đến các địa danh làng xã, đảo, vũng, vịnh trên con đường biển từ Nam ra Huế và ngược lại.

Đây là một đoạn của bài vè các lái từ Đà Nẵng đến Phan Rang, trích dẫn phần từ Phú Yên đi khánh Hòa:

 

“...Vũng Mú1 trong vịnh ngoài gành

Cù Mông, Vũng Trích2 ăn quanh đất liền

Gành Bà3 ai khéo đặt tên

Cảnh Dương, Gành Móm nối liền Vũng La4

Ngay chừng Vũng Lắm5 băng qua

Xuân Đài, Mũi Yến chạy qua Bãi Tràn6

Mái Nhà7, cát xối liền nhau

Sơn thủy sắc màu như gấm kim quy

Gành Hùm8 ta dựa một khi

Vũng Bầu9, Mây Nứt, Ma Liên10, Chớp Chài11

Cửa Dinh12 có tháp xây đài

Chạy khỏi Bãi Dài13 tới cửa Đà Nông14

Ngoài khơi có Lố15 chập chồng

Trong bờ có Mũi16, ngoài dòng có kinh17

Bãi Tiên, Bãi Xép18 xinh xinh

Anh em đồng tình, củi nước nghỉ ngơi

Mũi Nạy19 có Đá Bia20 xanh

Bãi Môn21 nằm kề thân trước Mò O22

Ô Rô núi tựa như đồ

Nồm Nam, Bắc chướng biết vô ngõ nào

Hòn Nưa23 không thấp không cao

Ta sẽ đi vào Bãi Dỏ24 sóng ngang...”

 

* Đánh bài chòi

 

Trò chơi “Đánh bài chòi” phổ biến trong các làng quê xưa ở một số tỉnh Nam Trung Bộ tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hoặc các kỳ hội hè được ngư dân Hoành Lâm yêu thích. Những năm gần đây tại Phú Lâm, Đông Tác vào dịp Tết Nguyên đán trò chơi “Đánh bài chòi” được tổ chức đều đặn đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vui chơi giải trí.

 

* Múa siêu

 

Trong các hình thức diễn xướng dân gian múa siêu và múa bả trạo là hai loại múa mang đậm nét văn hóa vùng sông nước được dùng nhiều nhất.

 

Đội múa siêu có từ 5 đến 7 người, trong đó có một người chấp lệnh cầm trống hoặc sanh gõ chỉ huy và từ 4 đến 6 quân hầu cầm siêu múa theo nhạc lệnh. Đạo cụ múa là những cây siêu dài độ 1,2m đến 1,5m.

Trong phong tục thờ cúng cá Ông múa siêu gồm có 2 bài; một bài dùng trong đám tang cá Ông và một bài dùng trong lễ cầu ngư.

 

* Múa bả trạo

 

Đội múa bả trạo có từ 12 đến 16 người, ngoài ra còn có tổng mũi, tổng lái và tổng khoan. Trang phục múa là những trang phục theo kiểu lính lệ thời phong kiến, ống chân quấn xà cạp. Đạo cụ múa là những mái chèo gồm 2 phần: phần cán sơn màu đỏ, phần mái thường sơn màu trắng. Động tác múa được mô phỏng theo động tác chèo thuyền, rất uyển chuyển, sinh động.

 

Múa siêu và múa bả trạo luôn giữ vị trí chủ đạo trong lễ cầu ngư được tổ chức hàng năm ở làng biển Đông Tác.

 

Kết luận: Hoành Lâm – làng Việt cổ ven biển là vùng đất có quá trình hình thành và phát triển liên tục, là nơi cư trú của nhiều tộc người, trong đó người Việt cư trú ở miền đất này đã gần 400 năm. Về di sản văn hóa vật thể, Hoành Lâm có gần 20 di tích, bao gồm đình, chùa, lăng, mộ, miếu, nhà thờ, phế tích tháp Chăm, các nhà thờ họ..., trong đó có một số di tích đã được lập hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.

 

Hoành Lâm bảo lưu được nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu là lễ hội cầu ngư, hội đánh bài chòi, lễ tá thổ, đồng thời bảo lưu được nhiều nghề truyền thống đặc sắc như: nghề đóng thuyền, nghề đan lưới, nghề chế biến mắm và hải sản. Bên cạnh đó là kho tàng văn học dân gian như: truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ, những tri thức dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ; văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian; những nghi thức theo vòng đời; những phong tục tập quán trong văn hóa tín ngưỡng dân gian đều chứa đựng sâu sắc giá trị văn hóa của người Việt ở đây, cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại; góp phần xây dựng và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

 

(1) Thuộc đèo Cù Mông địa phận Phú Yên; 2 nằm ở gần đèo Cù Mông; 3,4,5,6,7 đều thuộc địa phận thị xã Sông Cầu; 8 ghe vào đậu nghỉ ở gành này thuộc cửa An Hải (huyện Tuy An); 9 hòn đảo; 10 tên vùng đất;11 núi ở thành phố Tuy Hòa; 12 cửa Đà Rằng; 13 bãi ở phường 6 TP Tuy Hòa; 14 cửa sông Bàn Thạch; 15 hòn có đá kê chất cao; 16 mũi ở Phú Lạc (h.Đông Hòa); 17 đường ghe chạy; 18 hai bãi ở thôn Phú Lạc (Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa); 19,20,21,22 đều thuộc xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa); 24 bãi Đại Lãnh.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek