Thứ Bảy, 21/09/2024 14:46 CH
Phụng Các - làng cổ 400 năm bên dòng sông Ba (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 14/09/2011 08:00 SA

Dọc tuyến đường DH liên huyện tại các khu vực Núi Sầm, Quán Hạnh nhiều hộ dân phát triển kinh tế dịch vụ và cơ sở công nghiệp tạo nên một diện mạo kinh tế đa dạng nơi đây.

Trên địa bàn làng cổ Phụng Các tọa lạc một ngôi trường cấp 3 bề thế và một trường cấp 2, hai trường tiểu học tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong làng học hành mở mang văn hoá, đặt nền tảng nâng cao dân trí góp phần vào sự phát triển kinh tế văn hóa - xã hội. Tại xóm Lẫm một đội tuồng cổ (hát bội và dân ca) do ông Lê Hữu Phước lập ra phục vụ nhu cầu bà con trong làng vào những dịp lễ hội. Ngày nay trên các nẻo đường vào từng ngõ, nhà các xóm, thôn ở làng cổ Phụng Các đường sá được bê tông hóa sạch sẽ, phẳng lì tạo nên bộ mặt của làng mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa khác hẳn xưa kia.

Làng cổ Phụng Các hiện nay được chia thành 3 thôn trên cơ sở tình hình dân số của làng: thôn Long Phụng (Long Tường và Phụng Nguyên sáp nhập), Phụng Tường I và Phụng Tường II. Cơ quan hành chính xã Hòa Trị đặt tại núi Sầm-khu vực trung tâm của làng, tạo điều kiện cho làng cổ Phụng Các tiếp tục phát triển đi lên trong xu thế hiện đại, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa cổ của một làng có bề dày lịch sử 400 năm.

III.Đời sống văn hóa vật chất

1. Ăn, uống, ở và trang phục

Trong cách ăn, uống, người dân làng cổ Phụng Các quan niệm đơn giản. Trong bữa cơm thường ngày, thành phần chính là rau dưa, canh, cá đánh bắt ở đầm, bàu trong vùng. Bữa ăn trong những ngày mưa lụt tháng 10 ngoài nồi canh chua cá trê ngút khói còn có cá nhét kho lá gừng, cá rô xỏ que nướng chấm rau luộc trông hấp dẫn. Vào dịp giỗ chạp thì bày tiệc thết đãi thịnh soạn có thịt heo, giết gà và chế biến nhiều món. Thức uống của người dân Phụng Các là nước trà vào dịp lễ lạt, tết, hoặc khi nhà có khách, còn thường ngày đa phần đều dùng nước lạnh lấy từ giếng. Người nông dân đi làm ngoài đồng thích dùng nước lạnh đựng trong các bình mang theo. Theo thói quen họ cho rằng như thế mới đã cơn khát. Vào những ngày giỗ chạp, cưới hỏi thì dùng rượu đế tự nấu, mang hương vị cây nhà lá vườn.

Nhà ở của người dân làng cổ Phụng Các thời kỳ trước 1945 thường là nhà lá mái hoặc mái lá lợp tranh hoặc rạ, vách đất, rất ít nhà lợp ngói, tường gạch. Nhà lá mái gồm có giàn trò xuyên, trính, cột, kèo vững chắc bằng gỗ tốt, bên trên áp mái có đan vỉ tre trét đất rồi đến hệ thống rui, lách để lợp tranh đan dày. Do vậy, nhà lá mái vào mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, chỉ có người khá giả mới làm nhà kiểu này. Còn nhà mái lá thì đơn giản hơn, ngoài cột, kèo, xuyên, trính chủ yếu là tre, nếu là gỗ thì cây nhỏ, bên trên mái thì lợp tranh hoặc rạ đánh thành tấm. Xóm Ao Vuông là vùng đất thấp, hàng năm thường ngập lụt nên nhà được đổ nền cao và vườn được tôn cao so với mặt ruộng. Ngày nay nhà ở của cư dân các thôn, xóm ở làng cổ Phụng Các đa phần được xây gạch, lợp ngói, nhiều nhà tầng rất khang trang, đẹp, đường sá được bê tông xi măng sạch sẽ không còn lầy lội như trước đây.

Về trang phục, người dân làng cổ Phụng Các có sự thay đổi theo thời gian. Thời kỳ trước 1945, lễ phục nam giới là chiếc áo dài, chiếc khăn đen kèm chiếc quần lụa trắng và đôi guốc mộc. Khi dự đình đám, yến tiệc, giỗ, cưới và khi tiếp khách đều phải mặc lễ phục. Thường phục hàng ngày của nam giới là bộ bà ba. Người lao động mặc áo bà ba bằng vải nhuộm nâu hoặc ở trần, quần đóng bầu lươn. Những người đứng tuổi thích mặc áo trắng quần đen. Người già thường bịt khăn quấn quanh đầu, đi chân đất không giày dép. Gần đây khá nhiều người chấp nhận bộ veston là lễ phục. Hàng ngày thanh niên vận âu phục: áo sơ mi, quần tây, mang giày.

Nữ giới trong các gia đình ở Phụng Các ngày trước mặc lễ phục hay thường phục đều là chiếc áo dài, quần, bằng vải lụa. Trẻ em nữ đi học cũng mặc áo dài, chị em lớn tuổi đi chợ cũng mặc áo dài. Còn chiếc áo ngắn chỉ mặc trong những giờ nóng nực, hay khi làm việc kín đáo trong nhà sau. Người giàu thì mặc áo dài bằng tơ lụa, người nghèo thì mặc áo dài bằng vải. Người dân ở đây thường đi chân đất, không giày dép, chỉ trường hợp những nhà giàu, phụ nữ mới dùng hài hoặc guốc gỗ. Ngày nay, hàng ngày phụ nữ thích mặc âu phục, áo quần bà ba, và chỉ mặc áo dài vào những lúc quan trọng, đòi hỏi phải mặc y phục lịch sự.

2 .Di tích lịch sử, văn hóa

a.Di tích đền thờ và mộ Lương Văn Chánh

Lương Văn Chánh là người khai sáng ra vùng đất Phú Yên. Công lao của ông có thể sánh bằng các vị công huân của triều Nguyễn như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Công Trứ. Khi mất, hậu thế xây dựng mộ và đền thờ tại làng Phụng Các để ghi nhớ những đóng góp lớn lao của ông.

Đền thờ Lương Văn Chánh được xây dựng vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XVII dưới thời tướng Nguyễn Phúc Vinh làm Trấn thủ ở Phú Yên. Đền nằm về phía bắc làng Phụng Các. Đến năm 1822, vua Minh Mạng ra lệnh trùng tu và xây dựng lớn, cắt cử 14 người trông coi chăm sóc đền và cấp ruộng để cúng tế.

(Còn nữa)

TS. ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek