Thứ Bảy, 21/09/2024 14:41 CH
Hoành Lâm - làng Việt cổ ven biển (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 01/10/2011 08:28 SA

SINH HOẠT KINH TẾ

Nông nghiệp

Là những người có “gốc gác làm nông” nên cư dân Hoành Lâm xưa cũng như các thế hệ cư dân sau này có thói quen vỡ vạc đất đai để tăng gia sản xuất; diện tích ruộng đất và số hộ dân sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 80% trên tổng số diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất canh tác chủ yếu ở khu vực đồng Phú Lâm hiện nay; một số diện tích khác nằm đan xen với khu dân cư, số diện tích còn lại nằm ven hạ lưu sông Đà Rằng. Sản phẩm nông nghiệp là: lúa gạo, các cây màu và rau xanh; một số hộ còn trồng bông (hoa) cúc, vạn thọ, những năm gần đây là hoa layơn vào dịp tết. Sản phẩm từ nông nghiệp chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Một số ít dùng để mua bán, trao đổi với người dân địa phương lấy nhu yếu phẩm khác, phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Công cụ sản xuất nông nghiệp có cày, bừa, quằn, liềm, cuốc. Ngoài ra còn có thúng, mủng, đòn gánh, gióng, rổ, nia, mẹt, sàng, dần v.v... các nông cụ sản xuất phần lớn là do người dân tự làm, những thiết bị bằng sắt được mua ở chợ hoặc ở các lò rèn.

Ngư nghiệp

Với lợi thế gần sông, gần biển nên nghề đánh bắt thủy hải sản của cư dân Hoành Lâm hình thành rất sớm. Hiện tại làng biển Đông Tác (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa có gần 1.000 hộ làm nghề biển, chiếm khoảng 70% số hộ của làng. Ngư dân duy trì một số nghề đánh bắt chính gần bờ như: Lưới rùng (lưới cá), lưới trủ; lưới quát, lưới đăng, mành đèn (lưới vây); nghề lặn bắt ốc biển, câu chạy…

Khai thác khơi

Khai thác khơi còn gọi là đánh bắt xa bờ. Một số nghề khai thác khơi chính và mới phát triển gần đây như: nghề lưới cản, nghề lưới chuồn, nghề lưới rút, nghề lưới rê, nghề giã cào, nghề câu cá hố, nghề câu mực, nghề câu cá ngừ đại dương... Ngư cụ đánh bắt thường dùng là: lưới giã, lưới cản, lưới rút, lưới rê, câu. Các loại lưới này dùng đánh bắt cá ở tầm nước sâu từ chục mét đến hàng trăm mét và không dựa vào bờ hoặc đưa cá vào gần bờ để bắt. Các loại lưới chuồn, lưới cản đều có chung một cách đánh bắt là thả lưới mang những luồng cá đi để cá mắc (dính) vào lưới. Còn lưới rút thì được ngư dân dùng để bao vây những đàn cá, rồi rút đáy thành bọc đưa cá lên thuyền. Về câu, ngư dân thường dùng những đàn câu dài nhiều km với hàng trăm thẻo câu (lưỡi câu có dây cột vào dây triên) giăng trên đường cá di chuyển để bắt cá ăn mồi, tùy theo loài cá mà thả sâu hay nông. Một số nghề câu truyền thống như câu rê: thuyền câu di chuyển chậm theo gió và nước chảy, kéo rê các đàn câu đi bắt cá đáy; câu chạy: thuyền máy kéo đàn câu chạy trên mặt nước để bắt cá ăn mồi nổi; câu kiều: đàn câu có rất nhiều chùm lưỡi câu giăng dưới nước, cá chạy ngang mắc vào chùm lưỡi câu.

Công cụ đánh bắt thủy hải sản có:

- Công cụ đánh bắt bằng lưới: lưới cản, lưới sò, lưới quát, lưới ồ, lưới 3 màng, lưới rút trủ, lưới rút mùng, lưới rút thưa, lưới vây, lưới giã, lưới rê cước, lưới 1, lưới 2, lưới 3.

- Công cụ đánh bắt kết hợp giữa lưới và tre: nhá, rớ, chài, chấn, đăng, đáy.

- Đánh bắt bằng mành: mành đèn, mành trủ, mành rút, mành tè, mành tôm.

- Về câu có câu kiều, câu chạy, câu cá hố, câu mực, câu cá ngừ đại dương (nghề mới).

Ngoài ra, còn đánh bắt bằng tay như vớt sứa, lặn bắt tôm hùm, lặn bắt sò, ốc xà cừ, hàu, diệp...

Đánh bắt xa bờ ngư dân sử dụng thuyền vỏ lường có công suất từ 45CV đến 90CV; đánh bắt trong lộng ngư dân dùng loại thuyền có công suất nhỏ từ 45CV trở xuống. Ở một số vùng đánh bắt ngư dân sử dụng sõng, ghe bầu, thuyền thúng.

Nuôi trồng, chế biến thủy sản

Nuôi trồng thủy sản: Trước năm 1975, nghề này phát triển ở mức độ thấp. Năm 1967, tại Phú Lâm một trung tâm dưỡng ngư được hình thành với diện tích 8.400m2 dùng để nuôi các loại cá chép, hàng năm sản xuất được từ 200 đến 400 nghìn con. Đến năm 1993, nghề nuôi tôm sú hình thành, sau đó một số loại thủy hải sản khác được khoanh nuôi ở các ao, hồ nước mặn, nước lợ ở vùng hạ lưu sông Đà Rằng.

Với hàng trăm ha đất nằm trong vùng nước lợ ở hạ lưu sông Đà Rằng là lợi thế rất lớn để ngư dân phát triển nghề nuôi tôm sú. Ngư dân làng biển Đông Tác nuôi tôm sú từ năm 1985, ban đầu họ nuôi tôm bằng cách bao lưới trủ xung quanh ở những vùng nước lợ được chọn sẵn rồi đóng cọc, giăng lưới sát đất thả nuôi. Hình thức này không đảm bảo sự an toàn nhất là khi mùa mưa tới, nên dần dần tiến đến nuôi trong ao hồ. Thời điểm năm 1995, làng biển Đông Tác có 52ha thả nuôi tôm sú. Năm 2005, diện tích nuôi tôm sú chỉ còn lại 13ha. Nguyên nhân chính dẫn tới việc thu hẹp diện tích thả nuôi là do thiếu quy hoạch tổng thể về xử lý nguồn nước thải nên tôm nuôi thường hay dịch bệnh, dẫn tới nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ, phải chuyển qua làm nghề khác.

Chế biến mắm: là nghề khá phổ biến với nhiều loại: mắm trong, mắm đục, mắm tôm, mắm hàu, mắm ốc, mắm giắc, mắm ruốc, mắm cá thu, mắm ruột, mắm trứng, muối mặn.

Chế biến khô: ruốc, mực, cá hố, cá trích, cá liệt, cá cơm, cá chuồn, tôm... đem phơi khô làm thức ăn dự trữ, và để bán vào mùa mưa hoặc đưa đi tiêu thụ ở thị trường khác.

(Còn nữa)

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek