Thứ Bảy, 21/09/2024 14:27 CH
Phụng Các - làng cổ 400 năm bên dòng sông Ba (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 13/09/2011 08:29 SA

Các hoạt động đánh bắt thủy hải sản ở các đầm, ao cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm các hộ gia đình trong giai đoạn này ở Phụng Các tiếp tục duy trì. Hoạt động thương mại được đẩy mạnh với sự hình thành các chợ Núi Sầm, chợ Quy Hậu nhằm để trao đổi sản vật trong vùng. Chợ Núi Sầm được thành lập những năm đầu thế kỷ XX dưới thời lý trưởng Nguyễn Hoàng (còn có tên là Nguyễn Nên). Vị trí chợ lúc này nằm sát đường liên xã Hòa Trị - Hòa Quang để nhân dân tiện việc đi lại và mua bán. Núi Sầm là chợ lớn của tổng Hòa Tường họp vào các ngày phiên cố định trong tháng là 1-6-9-11-16-19-21-26-29. Hàng hóa trao đổi mua bán tại chợ ngoài nông sản và hàng thủ công còn có các mặt hàng đặc trưng như cau khô, heo con, gà, vịt, gốm.(*)

5 . Giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đưa đến sự ra đời nước Việt Nam độc lập, nhưng chẳng bao lâu thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, nhân dân ta phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954) chống Pháp. Trong thời kỳ này làng cổ Phụng Các cũng như tỉnh Phú Yên là vùng tự do nhưng nằm trong vòng vây phong tỏa của thực dân Pháp, mọi ngành nghề đều phải tự cấp tự túc và thường xuyên đối phó những cuộc càn quét của địch từ Khánh Hòa đánh ra hoặc đổ bộ từ biển lên.

Đầu năm 1946, theo chủ trương của Tỉnh ủy Phú Yên, các đơn vị hành chính thời Pháp thuộc như làng, tổng, phủ bị xóa bỏ thay bằng xã, huyện. Các làng Phụng Tường, Phụng Nguyên, Long Tường được sáp nhập thành xã Nam Tường. Đến tháng 7/1947 xã Nam Tường và xã Quy Khánh sáp nhập lấy tên xã Hòa Trị cho đến ngày nay.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, làng cổ Phụng Các được Liên khu 5 chọn làm nơi trú đóng bệnh viện của Liên khu 5. Nhân dân ở đây cùng với đội ngũ y, bác sĩ tận tình cứu chữa thương bệnh binh, đồng bào bị thương trong chiến tranh hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Công ty Việt Thắng chuyên sản xuất giấy nội hóa Nam Trung đóng tại xóm Lẫm thôn Phụng Tường ngày đêm cung cấp cho các đơn vị, cơ quan, trường học ở Liên khu 5; cơ sở hoạt động kinh tài Tỉnh ủy Phú Yên cũng đóng trên địa bàn Phụng Các… làm cho các hoạt động kinh tế- xã hội của làng thêm phần sôi nổi, trở thành vùng trung tâm của tỉnh Phú Yên thời kỳ chống Pháp. Năm 1952, máy bay Pháp đánh phá hệ thống kênh mương phía bắc của hệ thống thủy nông Đông Cam làm sập cầu Máng (Hòa Định) khiến cho ruộng đồng vùng tả ngạn sông Đà Rằng bị khô héo. Vì vậy kinh tế nông nghiệp thời kỳ này ở Phụng Các gặp nhiều khó khăn, nhân dân phải đào ao, vét giếng để tưới đồng ruộng. Chợ Núi Sầm cũng phải dời vào chân núi Sầm họp dưới tán cây da cổ thụ tránh việc máy bay Pháp phát hiện bắn phá gây thương vong cho nhân dân.

Trong thời kỳ 1954-1975, làng Phụng Các do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Tại đây chúng thiết lập đồn Núi Sầm để đàn áp, khủng bố nhân dân trong làng với các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”. Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Phụng Các tích cực tham các cuộc đấu tranh chính trị, vũ trang làm cho bộ máy kiềm kẹp tề ngụy rệu rã tạo điều kiện cho các phong trào đấu tranh khu vực Tuy Hòa 2 (tả ngạn sông Đà Rằng) lên cao. Cuối năm 1967, do yêu cầu của cuộc kháng chiến xã Hòa Trị được tách ra làm hai: xã Hòa Trị Tây gồm 3 thôn Phụng Tường, Long Tường và Phụng Nguyên và xã Hòa Trị Đông gồm thôn Quy Hậu và Phước Khánh. Đến tháng 10/1974 thì sáp nhập hai xã Hòa Trị Tây và Hòa Trị Đông trở lại xã Hòa Trị như cũ.

Ngày 1/4/1975 cũng như cả tỉnh Phú Yên, làng Phụng Các được giải phóng, mở ra một thời kỳ mới: thời kỳ đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Phụng Các khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng làng quê tươi đẹp hơn.

6. Phụng Các trong giai đoạn xây dựng CNXH (1975-nay)

Phát huy truyền thống yêu nước và lao động cần cù trải qua nhiều thế hệ, sau khi hòa bình lập lại, nhân dân làng cổ Phụng Các bắt tay vào việc kiến thiết quê hương. Đây cũng là giai đoạn vùng đất này có điều kiện ổn định để phát triển mọi mặt từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Đặc biệt, từ sau công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, làng cổ Phụng Các nhanh chóng vươn lên phát huy thế mạnh của một vùng quê có truyền thống canh tác nông nghiệp, dẫn đầu là làng đạt năng suất lúa cao nhất Phú Yên 147,5tạ/ha. Một số ngành nghề truyền thống được phục hồi và phát triển như nấu rượu, nghề gốm ở Phụng Tường, Phụng Nguyên.

(Còn nữa)

.......................

(*) Nguyễn Đình Đầu, Phú Yên hình thành và phát triển, tr.29

TS. ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek