Thứ Bảy, 21/09/2024 15:21 CH
Quan niệm âm - dương lưỡng hợp trong di sản văn hóa đá Phú Yên
Thứ Bảy, 27/08/2011 08:00 SA

Trong kho tàng di sản văn hóa đá Phú Yên, có một số loại hình thể hiện quan niệm âm - dương lưỡng hợp sâu đậm. Cặp kèn đá hay còn có tên gọi theo cách gọi của nhân dân địa phương là tù và đá, ốc hiệu hoặc cóc đá - cóc kêu - cóc thần - cóc thiêng.

Tên gọi tù và chỉ bởi âm thanh của nó khi phát ra nghe giống như tiếng tù và. Tên gọi ốc hiệu vì hình thù của nó tương tự như con ốc khổng lồ. Chỉ dừng ở đây thì người đọc, người nghe, người xem chưa thấy có sự liên hệ gì đến quan niệm âm - dương lưỡng hợp, đến tín ngưỡng phồn thực. Khi gọi cặp kèn đá hoặc cóc đá với con đực (trống) và con cái (mái) rõ ràng không phải là sự ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có chủ đích. Chủ thể văn hóa khi tác tạo di sản văn hóa đá này đã thể hiện rất rõ tư duy của cư dân nông nghiệp với triết lý âm - dương lưỡng hợp và tín ngưỡng phồn thực. Con đực = dương tính; con cái = âm tính. Người dân quan niệm: cặp là một đôi trong đó có con đực, con cái (trống – mái). Có trống thì phải có mái, có âm thì phải có dương. Cặp kèn đá, đây là một tổng thể âm – dương lưỡng hợp, dấu ấn của truyền thống văn hóa nông nghiệp khu vực (lớp văn hóa mang những truyền thống bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á cổ đại). Và một điều rất lý thú về cặp cóc đá, cóc thiêng; cóc thần mà dân gian ở địa phương vẫn lưu truyền khi nói về cặp kèn đá Tuy An; những nhà nghiên cứu về văn hóa đều hiểu: Cóc tượng trưng cho cầu mưa (mưa thuận - gió hòa), cầu mùa màng bội thu và đây chính là ước muốn của con người muốn sống hòa hợp với thiên nhiên, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc; ý nghĩa phồn thực càng thể hiện rõ trong tư duy của cư dân nông nghiệp, cho phép ta đoán định chủ nhân tác tạo ra di sản văn hóa đá này có thể đã biết làm nông nghiệp; có nhận thức về một số quy luật của tự nhiên, của xã hội và của tư duy. Đây là cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp với nghề trồng trọt và chăn nuôi.

Quan niệm âm - dương lưỡng hợp còn thể hiện qua một số di sản văn hóa đá thuộc văn hóa Chăm. Sự thể hiện quan niệm âm - dương lưỡng hợp đều rất nhất quán, bao trùm và chi phối tất cả. Quan niệm âm - dương lưỡng hợp có từ trong gốc rễ tư duy của người Chăm, vừa trừu tượng vừa cụ thể, từ đấng tạo hóa tối cao hình thành nên vũ trụ cho đến những vật thể nhỏ nhất như trang phục, lễ vật, công cụ làm lễ, động tác hành lễ và tín ngưỡng phồn thực. Biểu tượng phồn thực Linga - Yony của Shiva giáo và tín ngưỡng phồn thực của các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á cổ đại đã được người Chăm kết hợp, nâng lên đến mức bao trùm và chi phối mọi quan niệm, từ đời sống tâm linh cho đến những sự vật, hiện tượng của cuộc sống thế tục.

Quan niệm âm - dương lưỡng hợp trong di sản văn hóa đá Phú Yên còn thể hiện qua loại hình giếng đá cổ. Làng Hòa An được xây dựng trên những động cát trải dài từ tây sang đông. Trải dọc theo chiều dài của làng chỉ có 3 giếng đá cổ đều được xếp đá ong. Giếng hình vuông ở giữa, hai giếng hình tròn ở hai đầu. Một số cụ già trong làng giải thích cổ nhân xưa tạo giếng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ; giếng hình tròn tượng trưng cho hình mặt trời. Hòa khí của âm dương cho con người được hạnh phúc. Một làng có ba cái giếng là biểu tượng cho: thiên - địa - nhân. Cách tạo ba cái giếng ở Hòa An có nhiều điểm tương đồng với giếng cổ làng Việt ở làng Thượng Hội (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội). Điểm khác là giếng ở Hòa An hẹp, đường kích chỉ từ 1m-1,5m, còn giếng ở làng Thượng Hội rộng đến 30m. Rõ ràng quan niệm âm - dương lưỡng hợp mang tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước được phản ánh trong tư duy của người xưa rất sâu sắc. Nguồn nước duy trì sự sống, tạo cho con người, cảnh vật sinh sôi, nảy nở và phát triển dài lâu.

Một di sản văn hóa đá tự nhiên ở Phú Yên, cũng thể hiện rất rõ triết lý âm - dương lưỡng hợp, đó là núi Đá Bia, còn có tên gọi Lingaparvata. Ngoài nghĩa Linga - đấng đại sơn thần, là ngọn núi thiêng, hiện thân của thần Siva trong tôn giáo của người Chăm, còn thể hiện rất rõ dương tính; đối trọng với Đá Bia (Linga - đấng đại sơn thần) một bên là vịnh Vũng Rô sâu thẳm (Yony - đại hải thần); một bên là Biển Hồ (Yony - cũng được ví như đại dương). Đúng là trong dương có âm - trong âm có dương, cặp đối xứng âm - dương lưỡng hợp mà tạo hóa ban tặng không phải nơi nào cũng có được.

Ở Phú Yên còn có khá nhiều địa danh mang tên gành Bà (âm tính) đối trọng với gành Ông (dương tính). Những di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng cũng thể hiện rất rõ triết lý âm - dương lưỡng hợp với những cặp đối trọng như: Miếu Bà - Miếu Ông, Dinh Bà - Dinh Ông, Miếu Dinh Ông - Miếu Dinh Bà, Lăng Ông - Lăng Bà…Tất cả đã thể hiện quan niệm âm - dương lưỡng hợp, quan niệm tín ngưỡng phồn thực độc đáo trong lớp văn hóa bản địa và sự tiếp biến quan niệm âm - dương lưỡng hợp của văn hóa người Chăm, người Việt ở Phú Yên trong tiến trình phát triển. Di sản văn hóa đá ở Phú Yên dù là nhân tạo hay thiên tạo đều mang yếu tố bản địa của cư dân nông nghiệp thể hiện quan niệm âm - dương lưỡng hợp sâu sắc. Đây là một trong những đặc điểm của di sản văn hóa đá Phú Yên.

Thạc sĩ NGUYỄN HOÀI SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek