Thứ Bảy, 21/09/2024 15:21 CH
Tính độc đáo của Di sản văn hóa đá Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 23/08/2011 08:11 SA

Đàn đá Tuy An được những nhạc sĩ tên tuổi nghiên cứu chuyên sâu dưới góc độ âm nhạc. Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ – Trong đề cương báo cáo khoa học so sánh dưới góc độ âm nhạc học đàn đá Tuy An với các bộ đàn đá được phát hiện: Nd2K-KS và B.A; sau khi nghiên cứu luận giải vấn đề cơ bản đối với các nhà âm nhạc học: đàn đá hay đá kêu? Một vài khái niệm cần được minh định từ đá đến đàn đá; Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ đã trình bày những nguyên tắc về phương pháp vận dụng trong việc xác lập thang âm điệu thức các bộ đàn đá, để tất cả những ai quan tâm đến vấn đề đều có thể tham khảo kiểm tra. Trong đó tập trung vào những nội dung sau:

“- Về hệ quy chiếu chúng tôi (Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ –NHS) căn cứ chủ yếu vào những định luật của thang âm cổ đại, nó gần với quy luật phát triển lịch sử của văn hóa âm nhạc hơn là, chẳng hạn, với thang âm bình quân.

- Tuy nhiên, do tính cách “tiền sử” giả định của đàn đá, chúng tôi luôn liên hệ với những quy luật của thang bội âm thiên nhiên mà những quan hệ đầu tiên, sơ giản nhất, những quan hệ về quãng 8 (2/1) và quãng 5 đúng (3/2) lại chính là tiền đề xây dựng thang âm cổ đại. Như ta đã biết, thang hòa âm (thuần luật hay Zarline) chỉ là sự phát triển của thang cổ đại bằng cách dung nạp một quan hệ mới, cũng rút ra từ thang bội âm thiên nhiên, tức là ba trưởng hòa âm (5/4).

- Như vậy việc xác lập thang âm là dựa trên các tần số và nhất là các tỉ tần giữa các thanh đá.

- Về các tần số, chúng tôi căn cứ vào các số liệu do Viện âm thanh học Pháp (Ndut Lieng Krak và Khánh Sơn) và cơ sở Z755 (Khánh Sơn, Bác Ái, Tuy An) cung cấp - Chúng tôi cho rằng những số liệu của Z755 là đáng tin cậy bởi vì qua sự đo đạc hoàn toàn riêng rẽ giữa tiến sĩ Castellengs (Pháp) và Z755 đối với các bộ Khánh Sơn, các số liệu đều trùng hợp tuyệt đối.

- Chúng tôi lấy âm chuẩn là a3 = 440 theo quy ước quốc tế. Tuy nhiên vì vấn đề chủ yếu là các tỉ tần chứ không phải các tần số tuyệt đối cho nên bản ký âm trên dòng nhạc không ghi cao độ từng bậc so với âm chuẩn (nhưng vẫn nêu rõ tương quan của bậc khởi đầu)” (1) .

Từ những nguyên tắc về phương pháp vận dụng trong việc xác lập thang âm điệu thức các bộ đàn đá như đề cập trên, Giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ bước đầu đưa ra một vài nhận xét về kết cấu thang âm điệu thức của đàn đá Tuy An như sau:

“- Nhìn chung, các thanh đá Tuy An xếp thành cung bậc âm nhạc khá chuẩn xác -Tuy nhiên chúng không theo một quy luật nhất quán, mà dung nạp nhiều loại tỉ tần khác nhau có loại là đặc trưng của thang cổ đại (32/27, 256/243) có loại là đặc trưng của thang hòa âm và bội âm thiên nhiên (5/4, 10/9. 16/15) và có loại là đặc trưng riêng cho thang bội âm (6/5).

(Còn nữa)

----------------------------

(1): Giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ - Đề cương báo cáo khoa học so sánh dưới góc độ âm nhạc học đàn đá Tuy An với các bộ đàn đá được phát hiện: NdK2 – KS và B.A- Năm 1992 (bản đánh máy).

 

ThS. NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek