Thứ Bảy, 21/09/2024 15:37 CH
Tính độc đáo của Di sản văn hóa đá Phú Yên
Thứ Năm, 18/08/2011 08:00 SA

Khác với các loại hình Di sản văn hóa đá đề cập ở phần trên ít nhiều đều đã tìm thấy ở các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Phú Yên có những Di sản văn hóa đá mang giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt mà không ở đâu có. Cặp kèn đá Tuy An được xem là độc đáo trong kho tàng Di sản văn hóa đá của Phú Yên. Tính độc đáo của cặp kèn đá Tuy An thể hiện ở tính “độc nhất vô nhị”.

Nghiên cứu kèn đá dưới góc độ âm nhạc, Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, nhận định, mỗi kèn đá đều thổi được 9 âm, tuy nhiên trong đó có những âm cách nhau rất gần (1 đến 2 comma), tức bằng 1-2/10 âm, trong khi nhạc cho phép được cách nhau 2 comma trở xuống, còn 2 âm cách nhau 1 comma thì coi như đồng âm. Sau khi loại trừ các âm có khoảng cách gần dưới 2 comma thì cặp kèn đá còn lại những âm cơ bản sau:

Kèn đá lớn, ký hiệu = K1, thổi được các âm: G≠ - A≠ -B-C;

Kèn đá nhỏ, ký hiệu = K2, thổi được các âm: B-C≠ - D≠ - E;

Tổng hợp hai thanh âm của K1 và K2 ta thấy xuất hiện một thang âm tổng hợp gồm 02 âm (G≠ - A≠ và C≠ - D≠) có 04 bán âm (A≠ -B; B-C; C- C≠; D≠ - E). Qua thang âm cũng như âm sắc của K1 và K2 như trình bày trên, ta thấy một thang âm tổng hợp được hình thành, mang tính âm nhạc rất rõ và có chủ ý của chủ nhân. Từ luận cứ đó, bước đầu nhận định: Cặp kèn đá Tuy An không phải là một nhạc khí riêng lẻ, được tập hợp một cách ngẫu nhiên, mà chúng đi từng cặp, liên kết với nhau, bổ sung và làm phong phú thêm thang âm tổng hợp.

Báo cáo khoa học của Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ với tiêu đề: Cặp kèn đá tiền sử hai hiện vật lạ bằng đá ở Phú Yên dưới góc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận. Tác giả đã sử dụng kết quả đo đạc do Z.755 thực hiện làm cơ sở để phân tích từng hiện vật về tần số cơ bản; các tần số có khả năng thực hiện, tần số thấp, tần số cao từ đó xác định âm cơ bản (là âm đặc trưng của hiện vật, phát ra trước nhất, có chất lượng âm: độ ổn định, vang sang tốt nhất; xác định trật tự các âm…Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ đưa ra Kết luận thứ nhất: Mỗi hiện vật xét riêng rẽ, đều có thể xem là một nhạc khí với những tiêu chuẩn cơ bản của nhạc khí, nghĩa là:

- Nó do con người tạo tác hoặc gia công, điều chỉnh

- Nó phát ra những nhạc âm

- Nó được sử dụng để làm âm nhạc.

Khi xét tương quan của hai hiện vật với nhau, nói cách khác là tác giả thử “ghép” chúng lại với nhau; Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ đã đưa ra Kết luận thứ hai: Đây không phải là những nhạc khí riêng rẽ được tập hợp một cách ngẫu nhiên. Chúng đi thành cặp, liên kết với nhau, bổ sung và làm phong phú thêm thang âm tổng hợp, đúng như truyền thống xa xưa của dòng họ nhạc khí này, những nhạc khí miệng thổi sơ khai có tầm âm hạn chế.

Sau khi đã xác định được tư cách nhạc khí của 2 hiện vật, tác giả cũng tự đặt câu hỏi về vấn đề lai lịch, nguồn gốc, thậm chí cả niên đại những nhạc khí này. Mặc dù vấn đề này thực sự là rất khó khăn bởi vì không có một cứ liệu nào ngoài lời kể và một câu chuyện mộng mị liên quan đến nguồn gốc hai hiện vật bằng đá khi thổi phát ra âm thanh. Tuy nhiên, bằng phương pháp âm nhạc học so sánh và những định đề của nhạc khí học lý luận, Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ cho rằng vẫn có những cơ sở để rút ra những đoán định hợp lý. Đáng chú ý là tác giả đã lập bảng so sánh các âm thanh của đàn đá Tuy An và kèn đá (cũng Tuy An), qua đó có một số điểm được rút ra cụ thể như sau:

- Chỉ có thanh I của Tuy An khác với âm trầm nhất của kèn đá trên 1c (khoảng 1,7c)

- Ba thanh tiếp theo của Tuy An có thể xem gần như trùng hợp hoàn toàn với 3 âm tương ứng của kèn đá với sự vận dụng của những âm khả thi của kèn đá nhưng đã bị (tạm) gác khi nghiên cứu các cây kèn riêng rẽ. Và thanh II Tuy An mới là chủ âm của đàn đá.

- Kèn đá còn điền thêm một bậc vào khoảng cách # d-# f của thang âm đàn đá: Âm e có tỉ tần với # d và tỉ tần với # f

Như vậy, cũng như với đàn phím bình quân luật, cặp kèn đá hoàn toàn có thể đi (hòa tấu) với đàn đá Tuy An. Điều này nói lên một mối quan hệ giữa bộ đàn và cặp kèn, trừ phi ta xem đây là một trùng hợp tình cờ, điều thật sự rất khó hình dung trong sinh hoạt âm nhạc, đặc biệt ở những thời đại chưa có quan niệm và thực hành về một âm chuẩn quốc gia.

Và nếu ta chấp nhận mối quan hệ âm nhạc giữa 2 nhạc khí này nghĩa là chúng đã được điều chỉnh để có thể đi cặp với nhau thì sự điều chỉnh này chỉ có diễn ra ở một chiều: Đàn đá được điều chỉnh theo chuẩn là kèn: Người ta có thể làm tăng giảm độ cao âm thanh các thanh đá (dù là bằng cách ghè đẽo) dễ hơn rất nhiều so với việc điều chỉnh âm cơ bản của các cây kèn tự nhiên (nhất là khi nó lại là cái lỗ thủng trong một khối đá)

Từ sự phân tích trên, Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ đi đến kết luận: Kèn đá Tuy An nếu không xuất hiện đồng thời (hiểu theo nghĩa thời đại) thì nó phải xuất hiện trước đó nữa.

(Còn nữa)

ThS. NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek