Thứ Bảy, 21/09/2024 15:49 CH
Tính độc đáo của Di sản văn hóa đá Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 26/08/2011 07:26 SA

Cố Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học về đàn đá Việt Nam, đã từng ao ước: “Chỉ khi nào ta khai quật được đàn đá trong những điều kiện thật bảo đảm về mặt khoa học, và tới lúc nào ta gặp được những bộ đàn đá toàn vẹn ở vị trí không bị xáo trộn thì bấy giờ ta mới có đủ căn cứ để định niên đại chính xác và mới dựng lại được một cách hoàn chỉnh thang âm cơ bản của đàn đá”. Nhờ đàn đá Bình Đa mà chúng ta có thể xác định niên đại của một thời kỳ lịch sử vốn thịnh hành loại nhạc cụ này. Và cũng do đàn đá Tuy An mà chúng ta có thể bắt đầu giải đáp được ẩn số của một trong những thang âm cơ bản mà người xưa đã sử dụng.

- Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ mạnh dạn đề xuất danh từ “tiền cổ đại” để gọi thang âm đàn đá Tuy An. Nếu như thang âm cổ đại được xác lập vào khoảng các thế kỷ IV và V trước công nguyên thì giai đoạn tiền cổ đại trong âm nhạc thuộc vào vài thế kỷ trước đó. Sự trùng hợp về thời điểm lịch sử được giả định của đàn đá Tuy An, giữa khảo cổ học, địa chất học và âm nhạc học được Hội đồng khoa học nhất trí hoàn toàn.

- Bộ đàn đá Tuy An thuộc loại thang âm điệu thức gần với các loại thang âm dân tộc khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Tầm cữ của thang âm này thích hợp với tầm cữ của một giọng hát thông thường.

- Theo nhận định của Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ thì hai thanh đàn (I) và (II) ứng với hai thanh cuối (VI) và (VIII) theo quan hệ quãng 8. Nhưng vì quan hệ giữa hai bậc II-VIII đặc biệt chuẩn xác hơn, nên có thể xem bậc II là bậc cơ sở của điệu thức chính và bậc I là chủ âm của điệu thức phụ”.

Nhạc sĩ Ngô Đông Hải lại cho rằng thang âm đàn đá Tuy An rất trùng hợp với điệu thức II (tức điệu nam rất phổ biến trong dân ca của người Việt ở đồng bằng Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ).

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lại bổ sung: Trong lòng thang âm bộ đàn đá Tuy An hình như còn chứa các dạng của thang 3 âm, thang 4 âm và thang 5 âm (rộng và hẹp). Nếu như:

- Điệu thức II (Nam) thì không sử dụng thanh số VII.

- Điệu thức I (Bắc) thì không sử dụng thanh số II và số VIII.

- Điệu thức III (Xuân) thì không sử dụng thanh số VII (thanh số I và II có quan hệ quãng 8 với thanh số VI và VIII).

- Điệu thức IV (oán biến thế hẹp) thì không sử dụng thanh số III (trong trường hợp này, thanh số I và II thường ít xuất hiện).

- Quan sát kỹ toàn bộ thang âm, dường như có sự kết hợp giữa hai điệu thức: Đô II (Nam) với sol IV (oán).

Có thể vì lẽ đó mà đàn đá Tuy An như vô tình có khả năng diễn tấu một số bài dân ca, dân nhạc của một vài tộc người đã từng cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra nó còn có thể phối hợp với các loại nhạc cụ khác trình diễn một vài ca khúc hiện đại.

Kết quả bước đầu nghiên cứu về đàn đá Tuy An, góp phần làm sáng tỏ một lĩnh vực mà âm nhạc học chưa từng vươn tới, là vấn đề hình dung lại diện mạo của văn hóa âm nhạc những thời kỳ xa xưa trên vùng đất Phú Yên nói riêng và trên phần phía Nam đất nước Việt Nam nói chung. Bộ đàn đá Tuy An có tính vượt trội so các bộ đàn đá phát hiện ở các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vì còn đầy đủ, nguyên vẹn và là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất khi công bố đến thời điểm hiện nay. Độ chuẩn của hệ thống thanh âm đàn đá Tuy An đã khiến cho nhiều nghệ nhân phục chế, hình thành các bản sao theo yêu cầu của một số đơn vị, địa phương để tổ chức biểu diễn. Bộ đàn đá Tuy An có sức cuốn hút và tạo nên cảm xúc đối với nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và những người yêu âm nhạc. Và sau khi cảm nhận thang âm, điệu thức và âm sắc của bộ đàn đá Tuy An thì rất nhiều những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như: Bằng Linh, Xuân An, Huỳnh Phước Long, Nguyễn Ngọc Quang…viết cho đàn đá Tuy An đã ra đời và được biểu diễn thành công cả trong nước và ngoài nước. Đây là điểm vượt trội mà không bộ đàn đá nào của Việt Nam có được - đó là một trong những đặc trưng của Di sản văn hóa đá Phú Yên.

Thạc sĩ NGUYỄN HOÀI SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek