Thứ Bảy, 21/09/2024 15:20 CH
Tính độc đáo của Di sản văn hóa đá Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 19/08/2011 08:16 SA

Ở một nghiên cứu khác, sau khi xác định được tư cách nhạc khí của 2 hiện vật (cặp kèn đá Tuy An - NHS) và bằng phương pháp âm nhạc học so sánh dựa trên những định đề của nhạc khí học lý luận, Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ đã rút ra những đoán định hợp lý:

“Trước hết, những đối tượng mà ta nghiên cứu chỉ có thể là những nhạc khí thổi hơi loại không dăm hay còn gọi là dăm môi theo cách phân loại của các nhà dân tộc nhạc học. Đại diện đương thời của loại này chính là những chiếc kèn đồng được sử dụng rộng rãi ở dàn nhạc giao hưởng cũng như giàn nhạc “gia” (Jazz) Âu - Mỹ. Các nhà nghiên cứu âm nhạc châu Âu đều thống nhất cho rằng tổ tiên của chúng chính là cái kèn sừng thú mà điển hình là loại dùng sừng của một giống bò hoang nay đã tuyệt tích là con Ôrôch (Aurocho). Tên xưa của nó là cái kèn co ôrôch (cor d’aurochs). Không ai xác định rõ được nguồn gốc niên đại của kèn co ôrôch. Điều chắc chắn là đến thời trung cổ nó được cải tiến, làm bằng ngà voi với cái tên Ôliphăng (Oliphant)…

Cũng theo Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ, ở phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, tương đương với kèn co ôrôch chính là cái tù và sừng trâu. Nhưng ngoài tù và sừng trâu, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á, Đông Nam Á, do địa lý nằm trên vùng biển, lại còn chiếc tù và ốc biển.

Tù và sừng và tù và ốc (biển) có cái tên chung ở nước ta là những cái kèn (thổi kèn tù và…). Theo một vài nhà nghiên cứu âm nhạc, chúng đã xuất hiện từ thời đại các vua Hùng, được sử dụng trong lễ nhạc các triều đại phong kiến. Những đại biểu cuối cùng trong âm nhạc chính thống loại này hẳn phải là bộ câu dốc 4 chiếc (kèn sừng) và bộ hải loa (kèn ốc biển) 3 chiếc, trong dàn cổ xúy đại nhạc dưới triều nhà Nguyễn. Chúng còn có những hậu duệ dân gian như cái ốc ở vùng biển Thái Bình, Nam Hà…của người Việt”(1).

Hoặc giả cái T’nuốt của người Bahnar (Tây Nguyên) mà theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, là “cả một cái sừng trâu dài đến 50 - 60cm, có độ vang xa và thổi được một số âm trong hệ bồi âm”(2).

Từ sự dẫn giải trên Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ, nói tóm tắt “kèn đá là dạng thô sơ của kèn sừng và như vậy: Nó phải có trước kèn sừng, kèn ốc và khi những loại này xuất hiện và phổ biến đại trà, nó phải nhường chỗ trong đời sống âm nhạc cho chúng, đúng theo quy luật của tiến hóa và văn minh trong lĩnh vực phát minh, sáng chế, cải tiến các nhạc khí từ xưa đến nay”(3).

Để giải đáp vấn đề: Kèn đá Tuy An được sử dụng ra sao với mục đích gì và trong hoàn cảnh nào? đây là điểm cuối cùng về yêu cầu của nhạc khí học lý luận là xác định chức năng của nhạc khí. Về nội dung này Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ, có vài ý kiến dựa trên hai yếu tố:

“Thứ nhất, tính năng hay “nhạc tính” của kèn đá.

Thứ hai, những chức năng mà những hậu duệ của chúng đã từng đảm nhiệm trong lịch sử.

Về điểm thứ nhất, Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ nhắc lại những hiệu quả trong quá khứ mà loại nhạc khí đã gây ấn tượng cho các nhà thơ, hai hiệu quả có tính chất gần như đối nghịch:

+ Tính chất trầm lặng, êm đềm, sâu lắng khi kèn được thổi với cường độ nhẹ: “Tiếng ốc thổi nghe chừng đồng vọng” đó là những âm thanh phù hợp với yêu cầu tín ngưỡng tôn giáo.

+ Tính chất hùng tráng, thôi thúc khi kèn được thổi với cường độ mạnh, nhịp điệu gấp gáp, khi người ta “rúc” tù và: “Dốc thanh vạn lý khê sơn nguyệt”

Từ tính năng đó, chúng ta lại thấy kèn đá hay những hậu duệ của kèn đá: tù và, ốc, kèn hiệu đã được vận dụng trong hai chức năng chủ yếu:

- Tạo những âm thanh gây bối cảnh trong lễ nghi tín ngưỡng, điều mà chính các kèn đá cũng đã làm trong những ngôi chùa Tuy An đã phát hiện ra chúng.

- Những âm thanh hiệu triệu, thôi thúc trong quân nhạc mà trước đó là những cuộc hội săn bắn của con người và những xã hội phong kiến xa xưa…”(4).

Mặc dù có ý kiến như trên nhưng Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ, cũng nhấn mạnh: “nói như vậy không có nghĩa là kèn đá cũng có thể đảm nhiệm những chức năng mà hậu duệ của nó đã thực hiện. Với trọng lượng và dáng hình chắc chắn kèn đá không thể tham gia trực tiếp vào cuộc săn hay trường chinh chiến. Nó không có thể di chuyển và điều khiển dễ dàng. Được bố trí và hoạt động trong tư thế tĩnh tại, chúng tôi cho rằng chức năng chủ yếu xưa kia là những âm thanh hiệu triệu, tập họp; nó vang lên trong các nghi thức tín ngưỡng, trong lễ hội của những cư dân cổ xưa đã từng sống trên mảnh đất này”.

(Còn nữa)

 

(1),(73) Gs-Ns Tô Vũ - (1996) Cặp kèn đá “tiền sử” Hai “hiện vật lạ” bằng đá ở Phú Yên dưới góc độ âm thanh nhạc học và khí học lý luận - Báo cáo các chuyên đề, Tr31-44.

(2) GSTSKH Tô Ngọc Thanh “Nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam” - Nxb Văn nghệ Trung tâm VHDT TP.HCm.1995.

(4) và (75) Gs-Ns Tô Vũ - (1996) Cặp kèn đá “tiền sử” Hai “hiện vật lạ” bằng đá ở Phú Yên dưới góc độ âm thanh nhạc học và khí học lý luận - Báo cáo các chuyên đề, Tr 31-44

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek