Thứ Bảy, 21/09/2024 15:43 CH
Đào Tấn Thâm - nhà nho yêu nước ở Phú Yên đầu thế kỷ XX (Tiếp theo và hết)
Thứ Tư, 17/08/2011 08:20 SA

Đầu năm 1947, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn quốc. Theo chủ trương của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, ta tiến hành việc tiêu thổ kháng chiến, phá hoại các công trình văn hóa, lịch sử, nhà cửa, đường sá để địch không chiếm làm nơi đóng quân.

Tuy vậy, một số địa phương căn cứ vào tình hình tiến quân của địch đã bố trí lực lượng dân quân du kích, bộ đội địa phương chặn đánh địch bảo vệ làng xóm, bảo vệ nhiều công trình văn hóa, lịch sử có giá trị. Tại xã Hòa Thắng (10), quân Pháp chiếm Phong Niên, đóng quân ở Lù Trầm thôn Mỹ Thành trên quốc lộ 25, nhưng vấp phải sức kháng cự của du kích không thể càn quét vào các thôn Mỹ Thành, Mỹ Hòa. Tại lẫm làng Mỹ Thành - nơi thờ Tiền hiền họ Đào và nhà thờ họ Đào ở thôn Mỹ Thành do Đào Tấn Thâm chỉ đạo, đã lập đội tự vệ, trang bị giáo mác ngày đêm canh giữ, sẵn sàng đương đầu với quân Pháp. Một số người trong làng sợ quân Pháp có súng to, hỏa lực mạnh muốn đốt phá các công trình văn hóa này để rút đi. Ông Thâm lớn tiếng tuyên bố: “Thằng Pháp nào muốn vào phá lẫm, phá nhà thờ phải bước qua xác của tôi đã” (11). Nhờ tinh thần gan dạ, kiên cường của ông đã khích lệ dân quân tự vệ bám làng, bám đất đánh bại các cuộc càn quét của địch, bảo vệ nhân dân và các công trình văn hóa để ngày nay hậu thế có nơi thờ tự và trở về vào những dịp làng mở hội xuân kỳ thu tế hàng năm.

Ngoài hoạt động tham gia việc làng, việc nước, trong gần suốt cuộc đời của mình, nhà Nho Đào Tấn Thâm rất chú trọng việc dạy dỗ con cháu về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng- những đức tính cao đẹp của đạo thánh hiền. Đức tính quý nhất mà ông truyền lại cho thế hệ con cháu là tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, tinh thần phản kháng chống lại những bất công để đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà. Nối tiếp truyền thống gia đình, các con của ông về sau đã tham gia hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống Pháp, chống Mỹ. Có người đã ngã xuống như Đào Tấn Côn, Đào Tấn Lôn, có người cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc không mệt mỏi như Đào Tấn Ngoạn (12). Các cháu của ông như Đào Thái Hữu, Đào Tấn Huề hy sinh trong chống Mỹ cứu nước, Đào Tư Huỡn là thương binh, Đào Tấn Lộc tham gia phong trào đấu tranh của học sinh-sinh viên chống Mỹ và chế độ Sài Gòn (13). Thế hệ con, cháu của ông đã viết tiếp trang sử truyền thống của một gia đình, dòng tộc yêu nước. Năm 1980, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng Bảng Gia đình vẻ vang cho gia đình ông. Vào một ngày đầu Thu năm Đinh Dậu (1957), Đào Tấn Thâm thanh thản ra đi ở tuổi 80 tại quê nhà sau gần thế kỷ cống hiến sức mình cho quê hương đất nước.

(Bài viết nhân kỷ niệm 76 năm ngày mất của nhà Nho yêu nước Đào Tấn Thâm (Mùng 2 tháng Bảy năm Đinh Dậu (1957) - Mùng 2 tháng Bảy năm Tân Mão (2011)).

------------------

(10) Sau 1945, các làng Tây Phú, Phong Niên, Phú Lộc, Đông Lộc nhập lại và tổ chức thành đơn vị hành chính mới là xã Hòa Thắng.

(11) Tài liệu do Đào Tấn Anh, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa cung cấp.

(12) Ông Đào Tấn Ngoạn là con út ông Đào Tấn Thâm, tham gia trong suốt 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc từ 1945-1975 và từng giữ các chức vụ Bí thư huyện ủy Tuy Hòa 2 (1947), Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, Bí thư B ủy B5 (tức tỉnh Đắc Nông ngày nay). Ông về hưu năm 1981 và mất năm 2001 tại Tuy Hòa.

(13) Ông Đào Tấn Lộc, cháu nội ông Đào Tấn Thâm, con ông Đào Tấn Ngoạn, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X,XI, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

TS. ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek