Thứ Bảy, 21/09/2024 15:30 CH
Đa dạng loại hình di sản văn hóa đá Phú Yên
Thứ Sáu, 12/08/2011 08:22 SA

Di sản văn hóa đá thời tiền - sơ sử ở Phú Yên có nét tương đồng với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ -Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, là đã phát hiện được số lượng công cụ đá khá lớn thuộc thời đại đồ đá và thời đại kim khí.

Trong đó có những công cụ mang đặc điểm của văn hóa Sơn Vi, thời đá cũ phát hiện tại di tích Eo Bồng (thuộc thôn Trường Lạc, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Vấn đề này, Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII nhận định “Đặt di tích này (di tích Eo Bồng - NHS) trong bối cảnh chung của vùng Nam Trung Bộ -Tây Nguyên - Đông Nam Bộ với các phát hiện gần đây về một “thời đại hậu kỳ đá cũ” và “sơ kỳ đá mới” có thể tương đương giai đoạn văn hóa Sơn Vi - văn hóa Hòa Bình ở phía Bắc, đã cho thấy một truyền thống chung trong cách lựa chọn và sử dụng nguyên liệu đá cuội để chế tác thành công cụ lao động. Di tích Eo Bồng cùng khoảng 100 di tích khác ở Lâm Đồng (như Đồi Giàng, Tà Liêng, Tà Hin, suối Đầu Voi...), ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông đang lấp dần khoảng trống trong việc tìm kiếm dấu tích người nguyên thủy ở vùng đất phía Nam, mà trọng tâm là khu vực Trường Sơn Nam. Khu vực này nhiều khả năng trở thành “mắt xích” của truyền thống “công cụ đá cuội” ở Việt Nam từ vùng đồi phù sa cổ sông Hồng kéo dài về phía nam của dãy Trường Sơn và phổ biến khắp vùng Đông Nam Á”1 .

Liên hệ đến một nhận định khác của tác giả Tạ Chí Đại Trường - những bài dã sử Việt về dấu vết thủy lợi sử dụng chất liệu đá xếp công trình khảo sát của M.COLANI2 “…Không có bằng cớ lịch sử thì người ta dùng dân tộc học so sánh. Truyền thống - như cái tên chỉ rõ, thường được bảo lưu rất lâu nên dân tộc học có ưu thế về lý thuyết khi sử dụng để đối chiếu sinh hoạt của một số dân tộc và từ đó hy vọng tìm ra mối liên quan thân tộc. Tính chất gia tốc lịch sử càng khiến sự đối chiếu ấy có sức nặng chứng minh khi đem áp dụng cho các dân tộc tiền kĩ nghệ. Nhưng dù sao thì năm tháng chồng chất những biến đổi do tự thân của các dân tộc ấy, phối hợp với những đóng góp tiếp nhận từ các nơi khác khiến cho sự phân biệt các tầng lớp văn hóa cũng trở nên thật khó khăn. Thêm nữa, con người của quá khứ tuỳ thuộc thiên nhiên rất nhiều và tự căn bản chung của người, họ có thể có những phản ứng giống nhau trước những kích động như nhau từ bên ngoài, do đó, các tập đoàn khác nhau cũng đạt những thành quả giống nhau mà không cần phải có mối liên hệ thân thuộc…”. Colani còn cho rằng “Phú Yên đã tạo một kỹ thuật bất ngờ”, khác biệt với các tỉnh gần kề về cách sử dụng đá.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý là những loại hình hiện vật như rìu - bôn, cuốc đá phát hiện ở miền Tây Phú Yên có nhiều nét tương đồng với những hiện vật cùng thời ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở các tỉnh Tây Nguyên người ta đã phát hiện được hàng chục di tích thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới - sơ kỳ thời đại đồ sắt. Qua các đợt khảo sát và khai quật đã thu được hàng vạn hiện vật. Từ sưu tập phong phú đó các nhà nghiên cứu đã phân lập được các văn hóa khảo cổ cho từng khu vực như văn hoá Buôn Triết ở Đắk Lắk, văn hóa Biển Hồ ở Gia Lai, văn hóa Lung Leng ở Kon Tum. Về loại hình hiện vật rìu - bôn trong các di tích trên cũng đã có hàng ngàn tiêu bản. Những rìu - bôn trong các di tích ở Tây Nguyên có những đặc điểm chung là đều được mài toàn thân, bao gồm hai loại hình có vai và không có vai. Nhưng tùy thuộc theo từng văn hóa khảo cổ mà tỷ lệ có sự thay đổi. Ở các di tích thuộc văn hóa Biển Hồ và văn hóa Lung Leng rìu - bôn có vai chiếm tỷ lệ vượt trội so với rìu bôn không có vai. Ngược lại, tại các di tích thuộc văn hóa Buôn Triết tỷ lệ rìu - bôn không vai lại chiếm tỷ lệ vượt trội so với rìu bôn có vai.

Về loại hình cuốc đá phát hiện ở phía Tây Phú Yên có 15 hiện vật; tại các di tích ở Tây Nguyên đã tìm thấy hơn 500 hiện vật. Trong đó ở Kon Tum tìm thấy 410 hiện vật, ở Gia Lai 37 hiện vật, ở Đắk Lắk và Đắk Nông 74 hiện vật và ở Lâm Đồng 11 hiện vật.

Sự phân bố về loại hình cuốc đá có vai và cuốc đá không vai ở trong các văn hóa cũng tương tự như loại hình rìu - bôn, có nghĩa là trong các di tích thuộc văn hóa Biển Hồ và văn hóa Lung Leng cuốc có vai nhiều hơn cuốc không có vai; còn trong các di tích thuộc văn hóa Buôn Triết cuốc không vai nhiều hơn cuốc có vai. Giải thích về sự khác nhau đó các nhà khảo cổ cho rằng do điều kiện đất đai ở mỗi nơi khác nhau. Ngoài ra một yếu tố quan trọng khác là do tập quán canh tác của từng tộc người. Phạm vi phân bố của những di tích mà rìu - bôn và cuốc không có vai chiếm ưu thế cũng là địa bàn sinh sống của người ÊĐê.

Những hiện vật chất liệu đá tìm thấy trong các di tích ở Phú Yên có nhiều điểm gần gũi với hiện vật chất liệu đá trong các di tích thuộc văn hóa Buôn Triết ở Đắk Lắk. Điều đó trùng hợp với địa bàn sinh sống của người ÊĐê ở Phú Yên trong đó có huyện Sơn Hòa và huyện Sông Hinh. Sự phong phú về số lượng rìu - bôn và cuốc đá cộng thêm một địa bàn phân bố rộng rãi của những loại hình hiện vật trên đã chứng tỏ ngay cuối thời đại đồ đá mới đầu thời đại kim khí trên địa bàn Tây Nguyên, bao gồm một phần phía tây Phú Yên đã có một nền nông nghiệp rất phát triển.

(Còn nữa)

1. Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII), tr.21.

2. Tạ Chí Đại Trường - Những bài dã sử Việt. Về dấu vết thủy lợi sử dụng chất liệu đá xếp công trình khảo sát của M.COLANI - Nxb. Trí Thức, 2009, tr.115

 

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek