Thứ Bảy, 21/09/2024 15:21 CH
Đa dạng loại hình di sản văn hóa đá Phú Yên
Thứ Bảy, 13/08/2011 16:15 CH

Bên cạnh những điểm tương đồng, Di sản văn hóa đá thời tiền – sơ sử ở Phú Yên có những điểm khác biệt. Các di vật phát hiện tại di tích Eo Bồng cho thấy chủ nhân của nó có quá trình định cư sinh tồn liên tục theo thời gian từ hậu kỳ đá cũ, đến sơ kỳ đá mới và kéo dài đến hậu kỳ đá mới; khác với sự ngắt quãng về thời gian trong quá trình cư trú của cư dân tại một số di tích ở Tây Nguyên và một số di tích khảo cổ học phát hiện tại các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Từ những hiện vật ở di tích Eo Bồng – di tích có niên đại từ thời đá cũ duy nhất phát hiện được ở Phú Yên đến thời điểm hiện nay; và nhiều công cụ đá thuộc thời đại đá mới; thời đại kim khí cũng được phát hiện ở các di tích trên hầu khắp địa bàn tỉnh Phú Yên từ miền núi phía bắc, miền núi phía tây đến vùng cồn cát ven biển, có thể nêu lên mấy nhận xét bước đầu như sau:

- Cách ngày nay khoảng từ 20.000 năm đến 3.500 năm con người đã cư trú rải rác ở nhiều nơi trên miền đất thuộc địa phận tỉnh Phú Yên hiện nay.

- Để tồn tại, phương thức kiếm sống của cư dân đã có sự kết hợp săn bắt, hái lượm với trồng trọt, chăn nuôi.

- Về mặt xã hội học, kết cấu phổ biến là cộng đồng người, hình thành những nhóm địa phương với một số gia đình. Không còn hiện tượng tạp hôn. Hình thái bộ tộc, liên bộ tộc đã phát triển mạnh…

- Về mặt văn hóa, những cư dân đã tác tạo ra các công cụ đá – Di sản văn hóa đá đầu tiên ở miền đất thuộc địa phận tỉnh Phú Yên hiện nay chính là cư dân bản địa. Họ là chủ thể văn hóa thuộc nhiều tộc người khác nhau và cư trú trên địa bàn phân bổ văn hóa cổ Sa Huỳnh ở duyên hải miền Trung, mà Phú Yên nằm giữa khu vực địa lý - lịch sử đó, sau này đã tồn tại và phát triển vương quốc Chămpa…

Di sản văn hóa đá thuộc văn hóa Chămpa tìm thấy trên địa bàn Phú Yên khá đa dạng, phong phú. Căn cứ vào hình thức thể hiện và công năng sử dụng có thể tạm thời chia Di sản văn hóa đá thuộc văn hóa Chăm thành các nhóm: bi ký, tượng người, tượng động vật, đài thờ, các chi tiết trang trí kiến trúc.

- Nhóm bi ký Chăm phát hiện được ba tấm nhưng chỉ có một tấm bia khá nổi tiếng đó là bia Chợ Dinh (thuộc địa phận phường 1, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên). Tấm bia này do vị vua người Chăm tên là Bhadravarman (Phạm Hồ Đạt) tạo dựng vào khoảng thế kỷ IV. Xét về hình thức thể hiện thì bia Chợ Dinh cùng loại với các bia Đá Nẻ ở Ninh Thuận và bia Hòn Cục ở Quảng Nam, đây đều là những bia được khắc tạc trên các phiến đá tự nhiên. Nhưng xét về niên đại bia Chợ Dinh xếp cùng với các bia Hòn Cục, bia Chiêm Sơn và bia Mỹ Sơn I ở Quảng Nam. Cả bốn bia này đều do vua Bhadravarman tạo dựng. Đây là những bia Chăm có niên đại sớm, chỉ xếp sau bia Võ Cạnh (thế kỷ II) mà thôi. Nội dung văn bia Chợ Dinh cũng như các bia do Bhadravarman dựng chứa đựng những giá trị quan trọng. Thông qua những bi ký này cùng nhiều nguồn tài liệu lịch sử (di vật nghệ thuật tạo hình, văn hóa dân gian…) có thể tìm hiểu được những nội dung có liên quan đến lãnh thổ, tôn giáo, tín ngưỡng của vương quốc Chămpa thế kỷ thứ IV.

Về lãnh thổ của vương quốc Chămpa. Vào thời kỳ lập quốc, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, trên vùng đất của người Chăm cư trú, tuy cùng ngôn ngữ nhưng có nhiều bộ lạc, lớn nhất là bộ lạc Cau và bộ lạc Dừa. Bộ lạc Dừa, phân bố cư trú từ phía bắc đèo Cù Mông trở ra, trên vùng đất các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay. Còn bộ lạc Cau, ở từ đèo Cù Mông trở vào, trên vùng đất các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay.

Trước tiên, bộ lạc Cau thành lập một tiểu quốc của riêng mình ở phía mam đèo Cù Mông. Nó tiếp tục phát triển một cách độc lập trong vài ba thế kỷ, rồi sau đó ngày càng có quan hệ với các tiểu quốc láng giềng, nhất là với tiểu quốc thân tộc của bộ lạc Dừa ở phía bắc đèo Cù Mông. Tiểu quốc của bộ lạc Cau có tài liệu gọi là “Nam Chăm”, về sau có tên là Panduranga gồm hai xứ Panran và Kauthara. Còn tiểu quốc của bộ lạc Dừa là “Bắc Chăm”. Vương quốc Chămpa ra đời từ hai tiểu quốc đó, lúc thì phía Nam Chăm mạnh hơn, khi thì Bắc Chăm chiếm ưu thế. Các biên niên sử Trung Quốc vào các thời điểm khác nhau đã chép tên quốc gia này là Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành…

Liên quan đến sự hiện diện của các bi ký do Bhadravarman tạo dựng trên một phạm vi rộng lớn và qua sự dẫn giải trên, bước đầu đoán định vào thế kỷ thứ IV có thể Bhadravarman đã cai trị trên toàn bộ lãnh thổ Chămpa, bao gồm cả hai tiểu quốc Nam Chăm và Bắc Chăm. Hoặc có thể do lúc Bắc Chăm chiếm ưu thế mà có sự tranh chấp chăng? Nếu đúng thì việc Bhadravarman cho khắc bia Chợ Dinh là để khẳng định vùng đất này đã thuộc về tiểu quốc Bắc Chăm? Cũng không loại trừ giả thuyết vào thế kỷ thứ IV tiểu quốc phía bắc kéo dài đến tận vùng đất Phú Yên.

Về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Bia Chăm có niên đại sớm nhất là bia Võ Cạnh mang những nội dung về Phật giáo cho thấy đạo Phật đã hiện diện trên lãnh thổ của vương quốc Chămpa ngay thế kỷ khi vương quốc Chămpa được thành lập. Nhưng văn bia Chợ Dinh và những bia do Bhadravarman dựng lại mang những nội dung về Siva giáo. Lời thỉnh cầu của nhà vua tới thần Siva được phản ảnh trong nội dung bia Chợ Dinh cho thấy sự kết hợp tín ngưỡng vua - thần để thành một dạng thần chủ. Bia Mỹ Sơn I đề cập đến việc thờ thần Bhadresvaravarmin, một hình thức biểu hiện của thần Siva. Có thể thấy rằng vào thế kỷ thứ IV Bà-la-môn giáo đã có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm, ít nhất cũng trên vùng đất phía bắc từ địa phận thuộc Phú Yên hiện nay trở ra.

(Còn nữa)

Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek