Thứ Bảy, 21/09/2024 15:31 CH
Mộ đá cổ ở Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 11/08/2011 08:00 SA

2. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học:

Căn cứ vào một số đặc điểm từ dấu tích vật chất của các ngôi mộ như kiểu dáng kiến trúc, cách thức trang trí, vật liệu xây dựng,... và những điều kiện địa lý lịch sử ở vùng phụ cận, chỉ có thể đoán định đây là những khu mộ táng của những lớp cư dân người Việt vào thời kỳ đầu của quá trình định cư, khai khẩn, xây dựng vùng đất Phú Yên khoảng thế kỷ XVII-XVIII.

mo-da150807.jpg

Những ngôi mộ đá ở thôn Phú Hạnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An - TRẦN THANH HƯNG

Cả ba khu mộ cổ nói trên đều nằm trong những khu vực cư trú lâu đời của người Việt. Nếu như khu mộ cổ ở núi A Mang và khu mộ cổ ở Bình Thạnh nằm trong vùng hạ lưu sông Cái, nơi giữ vai trò là trung tâm thủ phủ của Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, thì khu mộ cổ ở Chánh Nam nằm bên bờ vịnh Xuân Đài, bên cạnh Vũng Lắm là thương cảng lớn ở Phú Yên trong lịch sử. Cả hai khu vực nói trên đều thu hút sự tập trung dân cư đông đúc. Trong đó, bao gồm nhiều thành phần xã hội, từ tầng lớp quan lại cho đến những gia đình khá giả và tầng lớp bình dân. Điều này thể hiện qua di tích mộ táng, với những sự khác biệt về quy mô kiến trúc mộ, kiểu thức xây dựng mộ và cách trang trí.

Ở những khu mộ có chung một đặc điểm là các bia mộ đều bị đục phá hoặc không làm bia mộ. Lý giải về điều này có ý kiến cho rằng vì ở giai đoạn các thế kỷ XVII, XVIII, vùng đất Phú Yên có nhiều biến động, chiến tranh xảy ra liên miên nên khi xây mộ phần người ta không tạo bia hoặc nếu có tạo bia thì sau đó cũng đục phá để tránh tình trạng trả thù bằng hình thức quật mồ mả của người quá cố.

Cách thức xây dựng mộ ngoài việc biểu hiện địa vị xã hội, còn phản ánh những quan niệm về tâm linh của người quá cố. Ví như kiểu mộ hình búp sen và yên ngựa được lý giải như sau: “Đó là lòng tôn kính và sùng đạo Phật của người dân Phú Yên. Hoa sen tượng trưng cho sự trong trắng, còn cái yên ngựa hẳn là để gợi lại hình ảnh vật cưỡi của người truyền bá đạo Phật. Những người trung thành với đạo Phật chọn hình yên ngựa võng lưng đặt trên ngôi mộ của mình”.(*)

Về loại hợp chất xây đắp mộ táng, người xưa thường dùng hợp chất vôi cát có trộn lẫn với các phụ liệu như mật mía, sáp ong, mủ cây bàn chải (một loại xương rồng),... Những vật liệu trên nếu được pha trộn đúng tỉ lệ sẽ tạo thành khối kết dính rất bền chắc. Tùy đặc điểm địa hình của những nơi xây mộ mà vật liệu đá có mặt trong công trình xây dựng nhiều hay ít. Chẳng hạn như khu mộ tại núi A Mang nơi sẵn có đá tự nhiên dồi dào nên vật liệu đá chiếm tỉ lệ lớn, còn vôi cát chỉ được sử dụng để làm mạch kết dính và trát phủ lên bề mặt. Trái lại, các khu mộ ở Bình Thạnh và Chánh Nam được xây dựng trên những vùng cát ven sông và ven biển nơi có nguồn nguyên liệu cát và nguyên liệu để tạo thành vôi xây rất dồi dào nên thành phần hợp chất này chiếm tỉ lệ lớn trong các di tích mộ táng (có mộ đắp toàn bằng vôi cát), vật liệu đá cũng được sử dụng nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ.

Từ lâu nay đã có rất nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa đến tham quan ba khu mộ cổ nói trên. Tuy nhiên việc tìm lời giải cho những ngôi mộ đá cổ này vẫn là một bí ẩn cần nhiều thời gian để nghiên cứu, khám phá.

(*) UBND tỉnh Phú Yên, Địa chí Phú Yên, NXB Chính trị quốc gia, 2003, trang 49

Nguyễn Hoài Sơn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek