Thứ Bảy, 21/09/2024 15:23 CH
Từ đường 7 đến quốc lộ 25
Thứ Ba, 09/08/2011 08:00 SA

Quốc lộ 25 do người Pháp mở từ những năm 20 của thế kỷ XX trong hệ thống đường đông - tây nối liền duyên hải với tây nguyên. Đường có tên là Liên tỉnh lộ 7, xuất phát từ tuy hòa (Phú Yên) và kết thúc tại quốc lộ 14 thuộc huyện chư Sê (tỉnh gia Lai).

TT-Phu-Hoa110809.gif

Thị trấn Phú Hòa nằm trên QL 25 - Ảnh: N.TRƯỜNG

Tôi lớn lên từ một vùng đất nằm giữa sông Ba và con đường này, đó là thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong ký ức tuổi thơ tôi, những năm 1961- 1963 thỉnh thoảng được cha mẹ dẫn về Tuy An thăm nội, ngoại, được đi ôtô đường dài là điều thú vị thật lớn đối với cậu bé mới lên bảy - tám tuổi. Sau đó, đường này bị phong tỏa từ Tuy Hòa đến Phú Túc của tỉnh Gia Lai và do chính quyền cách mạng kiểm soát. Còn nhớ những năm 1967-1974, vào mùa khô có vài chủ xe đò ở Tuy Hòa tổ chức chuyến đi Sơn Hòa theo lộ trình Tuy Hòa - Bình Định - Pleiku - Phú Bổn - Sơn Hòa, mỗi chuyến đi từ ba đến năm ngày, nhờ đó tôi có dịp ngắm nhìn con đường này, và là bạn đồng hành với sông Ba chạy xuyên qua những cánh rừng nên thơ hùng vĩ. Đoạn từ Phú Túc đến Sơn Hòa, đoàn xe thường gặp và tiếp xúc với cách mạng, nhưng không trở ngại gì cho chuyến đi. Mặt khác, cũng vào những năm trước giải phóng, tỉnh Phú Yên mỗi năm tổ chức một vài lần tiếp tế cho Sơn Hòa (thường gọi là mở đoàn công voa) với 30-50 xe vận tải quân sự do quân đội đảm nhiệm, nhưng mỗi lần như nậy đều bị tổn thất lớn do bị mìn phong tỏa hoặc hai bên giao tranh trực tiếp.

Sau ngày giải phóng, người dân hồi cư bắt đầu xây dựng làng xóm ven đường và tổ chức lại cuộc sống mới, mặc dù đất nước được hòa bình, nhưng đời sống còn quá nhiều khó khăn. Thời ấy, chúng tôi là những thanh niên mới bước vào đời sung sức và đầy nhiệt huyết nên đi công tác về các xã nằm trên trục đường như Krông Pa, Suối Trai… Chúng tôi đi bộ cả ngày trên đường 7 mà vẫn thấy bình thường, chỉ hơi chút ớn lạnh khi gần hết ngày mà còn đi qua những đoạn đường dài không có nhà dân, hai bên là rừng già, thỉnh thoảng còn lại vài xác xe cùng với dấu tích của cuộc tháo chạy lính ngụy vào mùa xuân năm 1975.

Trong suy nghĩ non trẻ chúng tôi lúc bấy giờ, đường 7 là một con đường thật đẹp. Những lúc ngồi nghỉ chân dưới tán cây cao ven đường, chúng tôi thường mơ ước đến một ngày nào đó đất nước mình phát triển, con đường này sẽ sánh vai với quốc lộ 19 (Quy Nhơn - Pleiku) và quốc lộ 21 (Ninh Hòa - Buôn Ma Thuột). Lúc ấy người dân trên đường này sẽ hưởng được lợi ích từ sự giao thương giữa vùng đồng bằng với miền núi, để đời sống bà con các dân tộc đỡ khó khăn và miền núi dần tiến kịp miền xuôi.

Sau bao năm Nhà nước cùng nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đường 7 ngày nào và quốc lộ 25 hôm nay đã thay đổi nhiều. Mặt đường quốc lộ 25 đã được nâng cấp và mở rộng, hệ thống cầu trên đường được xây dựng, tạo điều kiện giao thương thông suốt. Người dân đã áp dụng phương châm “nhất cận thị, nhị cận lộ” thay cho cận giang ngày xưa, bởi cận giang thì đã có sẵn rồi, dòng sông Ba luôn song hành với quốc lộ 25. Thật vậy, một số khu vực dân cư, thị trấn, thị tứ vùng cao dọc theo quốc lộ này, như Đồng Cam (huyện Phú Hòa), Ngân Điền, Suối Bạc, Krông Pa (huyện Sơn Hòa) thuộc tỉnh Phú Yên; thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), Phú Bổn (huyện Ayun Pa) thuộc tỉnh Gia Lai… đều rất thuận tiện công việc mua bán, đời sống người dân những nơi này phát triển rất nhanh. Nếu ví quốc lộ 25 là xương sống thì những đường xương cá rẽ vào các thôn, buôn nằm sâu bên trong để tỏa đi trăm ngả, từ đó hình thành những điểm bán lẻ gọi là chợ lưu động bằng xe máy len lỏi đến tận các buôn làng heo hút.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực, quốc lộ 25 có chiến lược quan trọng, là tuyến nối liền biển xanh với đại ngàn, giữa cảng Vũng Rô của Phú Yên với Tây Nguyên và sang hạ Lào, mở ra sự giao thoa văn hóa và giao thương kinh tế giữa Phú Yên nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung với các nước bạn. Phương châm “cận lộ” đã thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, điểm trung chuyển hàng hóa, cùng với những công trình có tính mỹ thuật được Nhà nước đầu tư đã đang và sẽ góp phần tăng thêm giá trị, khơi dậy tiềm năng của một con đường một thời bị lãng quên, nhưng lại là chứng tích lịch sử của công cuộc giải phóng dân tộc.

Con đường 25 là một trong những quốc lộ huyết mạch trong tuyến đông - tây, không chỉ tỏa hào quang quá khứ của hai cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, mà quan trọng hơn đây là trục giao thông trọng yếu trong phát triển kinh tế, xã hội thời hội nhập.

LƯU PHÚC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek