Thứ Bảy, 21/09/2024 16:51 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 24/07/2011 08:03 SA

Đến đầu những năm 1960, cùng với sự xâm nhập nhiều loại vải, tơ lụa của các nước Âu - Mỹ, nghề dệt lụa, lãnh ở các làng nghề Đông Bình, Đông Phước, Cẩm Thạch tàn lụi dần vì không cạnh tranh nổi hàng vải của phương Tây. Song một thời kỳ dài dưới chê độ phong kiến, ảnh hưởng của nghề dệt thủ công vẫn còn rất sâu sắc ở các làng quê nông thôn Phú Hòa, chiếm vị trí xứng đáng trong đời sống thường dân. Ngày nay, nhắc đến nghề dệt lụa, lãnh tại các làng Đông Bình, Đông Phước, Cẩm Thạch như một ký ức đẹp của thời quá vãng đầy tự hào về làng nghề truyền thống của người dân nơi đây.

 

LÀNG NGHỀ BÓ CHỔI THÔN MỸ THÀNH

 

Sản phẩm từ nghề này gồm nhiều loại: chổi đót, chổi dừa, chổi chà là, nhưng sản xuất với số lượng lớn và chủ yếu là chổi đót.

 

Nghề bó chổi tại thôn Mỹ Thành xã Hòa Thắng tập trung chủ yếu khu vực xóm Cầu Ông Trớ với khoảng 20 hộ dân. Người mở đầu làng nghề này là bà Lê Thị Lủn, nay đã 86 tuổi. Vào đầu những năm 1960, nghề bó chổi được hình thành tại đây. Đầu tiên bà Lủn lên rừng chặt cây đót đem về bó chổi dùng trong gia đình, sau đó dạy lại cho con cháu trong nhà. Dần dần những người trong làng cũng được chỉ dạy và làm theo, để rồi sau đó hình thành nên làng nghề. Chổi được làm ra quanh năm, vì nhu cầu này không chỉ phục vụ ngày mùa mà còn được người dân sử dụng để quét nhà, công sở, xây dựng... Hiện nay, làng nghề này đã hình thành nhiều cơ sở bó chổi, tập trung từ 10-20 nhân công làm việc quanh năm, số lượng chổi làm ra hàng ngàn chiếc mỗi ngày. Một số cơ sở lớn của Đỗ Thị Hoa, Nguyễn Thị Xanh, Đặng Ngọc Viên, Đào Tấn Thành... thu hút nhiều lao động nông nhàn đến làm việc.

 

Do việc mở rộng quy mô sản xuất nên nguyên liệu đót tại các cánh rừng trong tỉnh Phú Yên không đủ cung cấp, các chủ cơ sở phải đặt mua tận các miền núi phía bắc.

 

Mỗi cơ sở dự trữ hàng chục tấn đót để sản xuất quanh năm. Chối đót và chổi dừa sau khi làm ra được đem tiêu thụ các chợ trong tỉnh và gởi đến các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận hoặc đem vào các tỉnh phía nam. Hiện nay nguyên liệu để bó chổi đót được khai thác trên rừng, đến một lúc nào đó việc khai thác tràn lan do mở rộng quy mô sản xuất sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thiên nhiên. Xét về lâu dài cần có quy hoạch vùng trồng cây đót để cung cấp nguyên liệu, đảm bảo cho làng nghề duy trì lâu dài, đồng thời tạo ra công ăn việc làm mới cho những người tham gia trồng cây nguyên liệu này.

 

NGHỀ LÀM BÚN THÔN ÐỊNH THÀNH

 

Nghề làm bún gắn liền với địa danh xóm Bún khá nổi tiếng từ rất lâu đời ở đây. Một số hộ làm bún truyền thống trải qua nhiều thế hệ như Ngô Hồng Tân, Ngô Vốn, Đỗ Tài, Đỗ Lớ,... cũng không biết nghề này được tổ tiên tạo dựng từ khi nào.

 

Nằm giữa vùng châu thổ sông Đà Rằng vựa lúa miền duyên hải Trung Bộ nghề làm bún hình thành và phát triển tại đây. Bún không chỉ là thức ăn không thể thiếu trong những dịp giỗ chạp, cưới hỏi, đình đám mà còn được dùng hàng ngày từ nông thôn đến thành phố. Nguyên liệu để làm ra sợi bún là gạo. Muốn bún có chất lượng, trước tiên gạo được chọn phải tốt, trắng, bột xay ra phải nhuyễn. Nước dùng để xả bún cũng phải là nước trong, không nên quá lạnh hoặc quá nóng sẽ làm sợi bún mau thiêu hoặc vón cục (điều này đòi hỏi nhiều ở kinh nghiệm tay nghề lâu năm).

 

Dụng cụ dùng để làm bún truyền thống trước đây gồm: cối xay, cối đá giã bột, hệ thống bàn đạp, khuôn nặn sợi bún, lò nấu nước. Sau khi bột gạo được đưa vào khuôn cho vào nước sôi, bún sẽ chín tạo thành sợi thì vớt ra bỏ vào nước. Sau đó dùng tay sắp sợi bún thành hàng (gọi tắt là bún). Thao tác này đòi hỏi sự công phu và khéo léo để có những sợi bún thẳng hàng, đẹp mắt. Bún có nhiều loại bún: bún lá, bún sợi, bún xả tùy theo đơn đặt hàng của người mua để tạo ra từng loại thích hợp.

 

Nghề làm bún sử dụng tất cả lao động trong gia đình: nhỏ tuổi thì xách nước, chụm lửa; lớn hơn thì xay-giã và cán bột; người lớn tuổi có kinh nghiệm thì bắt bún, sắp ra sàn. Vào những ngày mùng năm, áp tết làng nghề như rộn ràng hẳn lên. Thời gian này nhu cầu tiêu thụ bún tăng lên đòi hỏi phải làm suốt ngày đêm mới đủ cung cấp đủ số lượng của người đặt mua. Bún làm ra đem bán sỉ các chợ Tuy Hòa, Củng Sơn và các chợ lân cận như Lò Tre, Bầu Đục, Phong Niên, Núi Sầm... Một số gởi lên tiêu thụ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Ngoài ra bún cũng được đem đi bán dạo trong khắp thôn cùng ngõ hẻm từ nông thôn đến thành thị. Ở nông thôn, người mua bún để dùng vào bữa điểm tâm sáng trước khi ra đồng làm việc hoặc ăn vào thời gian nửa buổi những khi đồng áng vào ngày mùa hay cao điểm vụ gieo sạ. Ở thành thị, bún tiêu thụ mạnh vào lúc nhà có giỗ chạp, các quán chuyên bán bún, phở hay khi bị cúp điện không nấu cơm được.

 

Thời kỳ trước 1945, xóm Bún có khoảng 50 hộ dân tất cả lực lượng lao động đều chuyên nghề về làm bún, tách khỏi sản xuất nông nghiệp. Bún chỉ cung cấp các làng thuộc tổng Hòa Bình và Hòa Tường. Ngày nay, tiếp nối nghề truyền thống lâu đời, các hộ dân xóm Bún tiếp tục duy trì làng nghề, sử dụng máy móc hiện đại (máy xay bột, máy cán bột, máy vặn) để tiết kiệm công sức và thời gian. Sau khi làm ra sản phẩm còn có thời giờ nghỉ ngơi, giải trí và không còn cái cảnh tất bật suốt ngày bận bịu vào công việc như câu “dặn như làm bún” thuở ngày nào.

 

(Còn nữa)

 

KIM BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek