Thứ Bảy, 21/09/2024 16:58 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 25/07/2011 07:58 SA

NGHỀ NẤU RƯỢU Ở QUY HẬU VÀ CẨM SƠN

 

Rượu có mặt trong mâm cỗ của người Việt từ lâu và trở thành thức uống không thể thiếu vào dịp lễ lạt hoặc cưới hỏi. Do nhu cầu tiêu dùng thường xuyên nên rượu được nấu, bày bán khắp nơi và nhiều làng nghề nấu rượu cũng ra đời.

 

Ở Phú Hòa, nghề nấu rượu có từ sớm và nổi tiếng là các thôn Quy Hậu, Cẩm Sơn. Thời Pháp thuộc, rượu được các công ty như Si-ca độc quyền về sản xuất và phân phối. Chính quyền thực dân cấm nhân dân nấu rượu dù cho trước đó ở làng quê người dân có thói quen nấu để dùng, những ai lén nấu mà bị phát hiện thì bị phạt rất nặng, có khi phải chịu tù đày. Tại các làng phía bắc sông Đà Rằng (thuộc tổng Hòa Bình và Hòa Tường thời kỳ trước 1945) còn lưu truyền về biệt danh “Quy Hậu tửu” – một thứ rượu ngon nổi tiếng vào những năm đầu thế kỷ XX. Một số cụ già trên 80 tuổi ở đây còn nhớ về thứ rượu ngon được sản xuất từ làng Quy Hậu khi phải nấu lén dưới những bụi tre hoặc khu rừng cấm của làng. Có nhà phải đào hầm dưới các tán tre, cho lỗ thông hơi xuyên vào giữa bụi tre để phát tán khói và mùi rượu, giảm sự chú ý của người đi đường. Ở Quy Hậu có mạch nước trong, mát ngọt ở xóm Cát, xóm Xương Rồng là nguồn nước lý tưởng để tạo ra thứ rượu ngon tuyệt hảo, có thể sánh bằng rượu của các làng nổi tiếng khu vực Trung Kỳ như Bầu Đá (Bình Định). Thời bấy giờ, do chính sách cấm nấu rượu của chính quyền thực dân nên ngoài việc phải lén nấu mà ngay chở đi tiêu thụ cũng kín đáo, phải đi vào ban đêm hoặc đi đường tắt băng qua đồng ruộng nối liền các làng với nhau.

 

Phần lớn nhân dân các làng ở tổng Hòa Bình và Hòa Tường đều sử dụng rượu nấu ở Quy Hậu và Cẩm Sơn, ít khi dùng rượu của các đại lý do Si-ca phân phối. Tuy nhiên, sau đó tiếng tăm về “Quy Hậu tửu” và việc nấu rượu ở Cẩm Sơn cũng đến tai chính quyền Pháp. Chúng cử một số tay chân trà trộn về các làng tìm ra người nấu để bắt và trừng phạt. Người dân nơi đây còn nhớ như in sự kiện dân làng Hà Bình rượt đánh thằng Tây nhà đoan (nhân viên thu thuế của Sở Thương chánh thời Pháp thuộc) vào năm 1932 khi tên này về đây bắt rượu lậu, dẫn đến vụ án nhiều người phải hầu tòa và bị phạt tù, trong đó có chánh tổng Hòa Tường là Lê Xuân Dương.

 

Sau khi xảy ra vụ án trên, chính quyền thực dân kiểm tra gắt gao việc nấu và tiêu thụ rượu, nên nghề nấu rượu ở Quy Hậu, Cẩm Sơn không còn duy trì. Kể từ đó, tiếng tăm một thời của “Quy Hậu tửu” cũng chìm vào quên lãng. Mãi đến thời kỳ 1954-1975 và sau đó trong những thập niên 80-90 của thế kỷ XX, nghề nấu rượu mới phục hồi lại ở đây. Ngày nay, trong các dịp cúng giỗ hay tiệc cưới, thỉnh thoảng một vài cụ già còn hứng khởi khi nhắc đến “Quy Hậu tửu” như là kỷ niệm hay một gợi ý về việc khôi phục, gìn giữ một thương hiệu rượu nổi tiếng của quê hương.

 

CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ, VĂN HÓA TIÊU BIỂU

 

Phú Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa gần 400 năm hình thành và phát triển. Vùng đất này đã chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc từ thời mở đất, bình Chiêm tạo dựng lãnh thổ về phương Nam đến phong trào Tây Sơn, phong trào Cần Vương và hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống lại hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Nhân dân Phú Hòa cùng với nhân dân cả tỉnh Phú Yên góp sức vào sự nghiệp chung của dân tộc, tạo nên những trang lịch sử, văn hóa hùng tráng. Từ sự nghiệp vĩ đại và oanh liệt đó, Phú Hòa đã sản sinh nhiều nhân vật có những đóng góp đặc biệt đối với lịch sử vùng đất Phú Hòa cũng như đối với tỉnh Phú Yên trên phương diện lịch sử, văn hóa.

 

NHÂN VẬT LỊCH SỬ

 

* Lương Văn Chánh:

 

Sách Đại Nam liệt truyện chép về Lương Văn Chánh như sau: “Lương Văn Chánh là người huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Tiên tổ là người Bắc Hà. Lúc trước Văn Chánh làm quan nhà Lê đến chức Thiên võ vệ Đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558), theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), Văn Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được thành Hồ...”.

 

Từ những tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn và gia tộc họ Lương đã hé mở nhiều sự kiện quan trọng về vai trò của Lương Văn Chánh đối với vùng đất Phú Hòa và Phú Yên trong tiến trình mở đất về phương nam của dân tộc ta.

 

Năm sinh, năm mất của Lương Văn Chánh hiện nay chưa rõ, chỉ biết quê hương của ông ở Thanh Hóa. Năm 1578, theo lệnh của Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh đưa lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất Phú Yên. Cũng trong năm này, ông chỉ huy việc đánh bại người Chiêm tại thành Hồ khiến họ phải chạy vào phía nam đèo Đại Lãnh sinh sống. Sau đó ông tiến hành việc di dân, khai phá đất hoang và lập làng ở Phú Yên.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek