Thứ Bảy, 21/09/2024 16:53 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 27/07/2011 07:51 SA

Gia nhập quân ngũ dưới triều Gia Long năm Bính Dần (1806), đến năm 1816 ông được đề bạt chức vụ Đội trưởng. Con đường binh nghiệp của Dương Văn Khoa thăng tiến dần theo sự nỗ lực của bản thân ông qua từng nhiệm vụ được giao.

 

Đến năm 1827, ông được phân công làm Đội trưởng Hậu vệ ba đội dinh Long Vũ rồi chức Hầu dinh Long Vũ. Năm 1832, ông được thăng Thuận Tráng kỳ Phó quản kỳ trong lực lượng binh lực tỉnh Bình Thuận. Đầu năm 1833, do quản lý không chặt chẽ binh sĩ dưới quyền là Nguyễn Văn Thị chở lén nha phiến nên ông bị phạt giáng một cấp lưu tại nhiệm sở. Nhưng đến tháng 8/1933 ông lại được phục chức với công trạng “giết giặc cướp trên biển Đồ Ba, cứu nhiều dân”. Năm 1834, Dương Văn Khoa được giao chức Thuận Nghĩa tả kỳ thống lãnh nội kỳ các đội với nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ - một nhiệm vụ mà vua Minh Mạng rất quan tâm để chỉnh đốn quân đội, sẵn sàng đối phó nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Do làm tốt nhiệm vụ được giao, đến tháng 3/1835 ông được thăng chức Minh Nghĩa Đô úy Thuận Nghĩa tả kỳ quản với hàm truật Tứ phẩm. Cũng trong năm 1835 triều đình điều động ông vào Nam Kỳ chỉ huy việc tiễu trừ thổ phỉ và các dư đảng của cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi. Trong nhiệm vụ này, Dương Văn Khoa cũng hoàn thành xuất sắc nên được thăng nha Vệ úy hàm truật Tam phẩm với chức vụ Phó Lãnh binh tỉnh Bình Thuận. Trong cương vị là người chỉ huy cao nhất về quân đội tỉnh Bình Thuận, ông tiến hành việc chỉnh đốn quân đội, cải thiện đời sống binh lính, sắm sửa vũ khí gia tăng sức mạnh quân đội. Trong sắc phong thưởng của vua Minh Mạng ngày 21/3/1835 theo đề nghị của Tuần vũ tỉnh Thuận - Khánh, ông được gia phong hàm Nhị phẩm với thành tích: “Đốc sức binh lính dũng cảm tiến tới nơi nguy hiểm giữa sào huyệt của bọn giặc, phá hủy doanh trại, hàng rào, đốt cháy lương thực, giết chết và bắt sống nhiều tên giặc, thu nhiều gậy gộc, vũ khí các loại, những nhiệm vụ này thật đáng khen” (Sắc phong ngày 21/3/1835 của vua Minh Mạng).

 

Không rõ Dương Văn Khoa mất vào năm nào. Theo lời truyền trong tộc họ Dương, thì ông mất khi còn tại vị ở Bình Thuận, thi hài được đem về an táng ở một gò đất giữa đồng, giáp ranh 2 làng Phú Ân và Quy Hậu (cánh đồng ấy được nhân dân gọi là đồng Tướng Trấn - có ông Tướng (Lãnh binh) trấn giữ). Mộ phần của ông hiện nay vẫn như xưa, chỉ là ngôi mộ đất nằm giữa đồng lúa xanh ngát, bên cạnh đường liên huyện từ khu sinh thái Thuận Thảo đi qua xã Hòa Trị, Hòa Quang Bắc. Trên mộ một tấm bia do con cháu tộc họ Dương dựng lên ghi chép vắn tắt tiểu sử, sự nghiệp của ông và câu đối:

 

“Kháng chiến kỷ niệm di tích bảo tồn lưu hậu thế

Hòa bình hưng thịnh tôn tạo lịch sử vạn tiền nhân”.

 

* Đặng Đức Vĩ:

 

Sinh năm 1835 tại làng Đông Bình, tổng Hòa Bình huyện Tuy Hòa (nay là thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa). Theo gia phả họ Đặng cho biết: tổ tiên là người Thanh Hóa đã từng theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh trong cuộc Nam tiến lập nhiều công lớn trong việc khai phá vùng đất Phú Hòa trong những ngày đầu mở cõi ở thế kỷ XVII. Ông Vĩ đã từng giữ một chức quan võ dưới triều Tự Đức, nhưng vì chán cảnh vua quan bất tài, chỉ lo vun vén quyền lợi cá nhân, không đếm xỉa đến lợi ích chung của dân tộc, từng bước đầu hàng giặc nên ông đã từ quan về nhà quy ẩn.

 

Năm 1885, khi có hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đã cùng với Trần Đôn - người làng Quy Hậu và các thân hào, nhân sĩ trong tổng Hòa Bình ứng nghĩa chiêu tập lực lượng Thứ xá, xây dựng căn cứ tại Núi Sầm. Đặng Đức Vĩ được nghĩa quân suy tôn chức Đề đốc phụ trách khu vực phía bắc sông Đà Rằng.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đặng Đức Vĩ, quân thứ tổng Hòa Bình đã tham gia đắc lực vào trận đánh thành An Thổ, trung tâm của chính quyền tay sai thân Pháp ở Phú Yên vào tháng 9/1885. Trong trận vây ráp huyện thành Tuy Hòa tháng 10/1885, lực lượng nghĩa quân tại căn cứ Núi Sầm đóng vai trò chủ đạo trong việc bao vây, cô lập, triệt đường tiếp tế tiến tới tấn công tiêu diệt cứ điểm cố thủ cuối cùng của chính quyền thân Pháp, giải phóng hoàn toàn Phú Yên, đưa phong trào Cần Vương đạt đỉnh cao.

 

Giữa tháng 2/1887, quân Pháp và Trần Bá Lộc đánh vào phía nam Phú Yên. Đặng Đức Vĩ chỉ huy quân thứ Hòa Bình chiến đấu ngăn cản bước tiến của giặc trong các trận đánh ở đèo Ngọc Phong, chợ Phước Hậu và phủ lỵ Tuy Hòa. Biến vùng tả ngạn sông Đà Rằng thành chiến địa chôn thây quân thù, đồng thời bảo vệ lực lượng nam Phú Yên rút về các căn cứ sơn phòng Vân Hòa, Tân Lương, Tổng Binh tiến hành kháng chiến lâu dài. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, Đặng Đức Vĩ đã khước từ mọi cám dỗ của kẻ thù về vinh hoa phú quý và chấp nhận tù đày để giữ tròn khí tiết của người sĩ phu khi sự nghiệp chưa thành. Sau khi ra tù, ông Vĩ trở về đưa vợ con lên xứ Đồng Găng, thôn Lạc Giang (nay thuộc xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) vỡ đất, khai hoang sinh sống, bất hợp tác với chính quyền thực dân và nuôi chí về công cuộc cứu nước còn đang dang dở. Ông mất khoảng năm 1896 tại quê nhà.

 

Trong gia phả họ Đặng còn ghi lại bài thơ đề cập đến tiểu sử Đặng Đức Vĩ, trong đó có những câu:

“Phái nhất Đặng tộc có ông

Đức Đặng Đức Vĩ dày công dùi mài

Văn hay, võ giỏi nhiều tài

Chức Chánh Đề đốc gươm dài lệnh ban

Tiền hô, hậu ủng huy hoàng

Quân canh lính gác dinh quan Chánh đề

Trần Đôn - Quy Hậu phó đề

Núi Sầm trú sở luận bề việc chung

Đến khi Pháp chiếm miền Trung

Từ quan ông bước sang cùng Văn Thân”...

 

(Còn nữa)

 

KIM BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek