Thứ Bảy, 21/09/2024 16:26 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 02/08/2011 07:57 SA

Ngoài vai trò là nhà giáo thời kỳ trước 1945, Lê Cụ còn tham gia hoạt động cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Tháng 5/1944, ông tham gia tổ chức yêu nước “Thanh niên Phan Anh” rồi được giác ngộ cách mạng, cảm tình Đảng. Khi tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại TP Tuy Hòa, được bầu vào Ủy ban Việt Minh.

 

Tháng 1/1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1946 - 1947 ông giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Qui Khánh, rồi xã Hòa Trị. Từ cuối năm 1948 đến năm 1953, ông được cấp trên điều về công tác tại huyện Tuy Hòa lần lượt đảm nhận các vị trí Chủ tịch Liên Việt huyện Tuy Hòa, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Tuy Hòa, phó Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa. Đầu năm 1954, thực dân Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh vào Phú Yên, ông được phân công phụ trách chiến trường Chiến khu 2 (phía bắc sông Ba) cùng với quân dân ở đây chặn đánh làm thất bại nhiều cuộc tấn công của quân Pháp. Sau khi hiệp định Giơnevơ ký kết tháng 7/1954, ông được phân công ở lại hoạt động hợp pháp, nhưng sau đó bị lộ và bị địch bắt tra tấn giam cầm nhưng ông không khai báo, tiết lộ bí mật của tổ chức. Đầu năm 1955, ông được điều động ra miền Bắc công tác tại thành phố Hải Phòng phụ trách ngành thương nghiệp khu Hồng Quảng, trạm gia công dệt vải Thủy Nguyên. Ngày 28/1/1960, ông mất tại bệnh viện TP Hải Phòng sau thời gian bệnh nặng và được an táng tại nghĩa trang Lạch Tray. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2 và nhiều bằng khen và giấy khen khác.

 

* Nhà giáo ưu tú Lê Thông

 

Sinh năm 1913 tại làng Đại Bình, tổng Hòa Tường, phủ Tuy Hòa (nay là thôn Đại Bình, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) trong một gia đình Nho giáo. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, đến năm 14 tuổi học sơ học Pháp - Việt. Bước đường tham gia ngành giáo dục của ông khá sớm: năm 20 tuổi mở lớp dạy tại nhà, sau đó dạy các trường công ở Long Phước, Phú Lương, Bàn Thạch, Phong Niên. Sau Cách mạng Tháng Tám, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Thông cùng với một số trí thức cách mạng ở Phú Yên mở lớp bình dân học vụ và xây dựng nền giáo dục mới, chọn trường kiểu mẫu để xây dựng theo quy mô trường học nhân dân cách mạng mới thời bấy giờ. Từ các liên trường kiểu mẫu thành công, ông đã được Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ và Bộ Giáo dục khen thưởng, và đại diện cho phong trào thi đua giáo dục tham gia Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quốc khối Công-nông-binh lần thứ I (1952) tại Việt Bắc và được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 

Năm 1948, Lê Thông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đến cuối năm 1951 được bầu vào ban chấp hành Đảng ủy Sở Giáo dục Liên khu V và làm cán bộ kiêm huấn Khu giáo dục Liên khu V.

 

Năm 1954, Lê Thông tập kết ra Bắc và nhận công tác ở Bộ Giáo dục và được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên phân công về Trường sư phạm miền núi Trung ương. Sau đó ông được điều sang làm công tác thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975). Trong thời gian công tác tại ban thi đua Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông cùng các đồng nghiệp xuống từng địa phương, tháo gỡ những tồn tại ở cơ sở, nắm việc thực hiện chính sách lao động và tiền lương để tham gia ý kiến với Công đoàn Bộ Giáo dục.

 

(Còn nữa)

KIM BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek