Thứ Bảy, 21/09/2024 16:44 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 29/07/2011 08:11 SA

Ghi nhận công lao và vai trò của Trần Hào đối với phong trào cách mạng ở Phú Yên, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xã Hòa Quang được chính quyền lúc bấy giờ đặt tên là xã Trần Hào. Và hiện nay, một trường trung học cơ sở xã Hòa Quang được vinh dự mang tên Trần Hào - một cán bộ xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của nhân dân Phú Yên.

 

* TRẦN SUYỀN:

 

Sinh tháng 1/1922 tại thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Ông tham gia hoạt động Cách mạng khá sớm ngay từ ngày là sinh viên trường Đại học Canh nông Hà Nội năm 1944. Năm 1945, ông tham gia lãnh đạo cướp chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Tuy Hòa và sau đó được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên. Đến tháng 11/1946 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trong cuộc đời tham gia cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Trần Suyền đã đảm nhận các chức vụ quan trọng của Đảng, chính quyền tại Phú Yên, khu V và có những đóng góp lớn lao. Năm 1947 là Tỉnh ủy viên, chính trị viên Tỉnh đội, kiêm phó chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh; năm 1948 làm Bí thư Nông hội khu V; sau 1954 ông ở lại Phú Yên và giữ chức phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; từ năm 1961-1963 và 1966-1973 là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; năm 1979 là đại biểu Quốc hội khóa VII. Tháng 10/1995, ông nghỉ hưu và mất ngày 12/4/1998.

 

Từ những đóng góp lớn lao của ông trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Trần Suyền được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và một ngôi trường phổ thông trung học trên địa bàn Phú Hòa được mang tên ông.

 

* LÊ THỨ:

 

Sinh ngày 6/11/1918 tại thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa. Là một trí thức tân học ông tham gia tích cực các hoạt động yêu nước tại địa phương trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Năm 1944, ông tập hợp một số tráng đinh trong làng phản đối việc bắt xâu của bọn lý hương, vận động các điền chủ ở Phú Sen xin hoãn thuế điền bất chấp sự dọa nạt của tổng, lý địa phương. Cuối năm 1944, ông vào làm sở mía Nhà máy Đường Đồng Bò đảm nhận việc coi ngó đồn điền mía ở Cẩm Thạch. Tại đây ông được các đảng viên cộng sản giác ngộ cách mạng và trở thành một cán bộ hoạt động tích cực trong phong trào công nhân khu Đồng Bò. Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra và ông tham gia trong Ủy ban Việt Minh khu Đồng Bò, sau đó giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời làng Phú Sen. Tháng 1/1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 12/1946, ông cùng một số đảng viên ưu tú thành lập chi bộ đầu tiên xã Cẩm Phú (gồm 2 làng Phú Sen và Cẩm Thạch) và được bầu làm Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Sự ra đời của Chi bộ xã Cẩm Phú đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở đây, góp phần cùng với phong trào cả huyện Tuy Hòa bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám vừa mới giành được. Từ năm 1948-1953, ông được cử vào Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa, rồi Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên từ 12/1951-6/1953.

 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết tháng 7/1954. Lê Thứ được sự phân công của cấp trên ra miền Bắc tập kết và ông tham gia vào đoàn cải cách ruộng đất ở Việt Bắc và tỉnh Hà Tĩnh trong những năm 1954-1955. Những năm công tác tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Lê Thứ đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau. Từ năm 1958-1959 là Tỉnh ủy viên tỉnh Hải Dương, Bí thư Đảng ủy nông trường Chí Linh (Hải Dương). Từ năm 1961-1963 là phó bí thư, quyền Chủ tịch tỉnh Hải Dương.

 

Từ cuối năm 1963 ông chuyển vào chiến trường miền Nam hoạt động tại Văn phòng Trung ương cục miền Nam cho đến năm 1967. Từ năm 1968-1972, ông giữ chức vụ Bí thư tỉnh Bình Thuận và Khu ủy viên khu VI. Trong những năm 1973-1976 ông đảm nhận nhiều công việc quan trọng tại Khu VI như Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Khu VI, Thường vụ Khu ủy VI, Khu ủy viên phụ trách kinh tế, kế hoạch. Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông được Đảng, Nhà nước điều động lên công tác tại tỉnh Lâm Đồng từ tháng 3/1976 đến năm 1983 và giữ các chức vụ Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Lâm Đồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Năm 1983, qua nhiều năm công tác, chiến đấu sức khỏe suy yếu ông xin nghỉ hưu tại tỉnh Lâm Đồng. Năm 1989 ông mất sau một cơn đau nặng.

 

Trải qua những năm tháng công tác, chiến đấu trên các chiến trường từ nam chí bắc, Lê Thứ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 2, Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Quyết thắng hạng 1, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 1. Ngày 27/5/1999 Hội đồng Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Huân chương Hồ Chí Minh cho ông.

 

(Còn nữa)

 

KIM BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek