Thứ Bảy, 21/09/2024 16:48 CH
Khát vọng biển
Thứ Bảy, 06/08/2011 18:00 CH

Phú Yên được biết đến như cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương của nước ta. Lúc mới có nghề, phương thức làm ăn còn giản đơn. Giờ đây, khi phương tiện có phần hiện đại, nhưng chưa bao giờ nghề câu cá ngừ đại dương lại dễ dàng. Nghề này mang lại sự giàu có nhưng cũng không ít hiểm nguy, tai nạn rình rập. Dẫu vậy với người làm nghề: “Dù có phải thế nào cũng bám biển. Điều ấy không chỉ vì cuộc sống mà còn là niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi người dân đối với Tổ quốc mình”.

 

phan-thuan110806.jpg

Lão ngư Phan Thuẫn cười rạng ngời khi nói về câu chuyện khơi xa - Ảnh: T.QUỚI

Bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) chiều hè, nắng vàng loáng cả mặt nước cửa Đà Diễn. Dăm ba thuyền khơi xa đang nằm bờ làm nước (tu sửa lại thuyền sau mùa biển) và những thuyền nhỏ đi lộng; số thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương còn lại thì đang ở ngoài khơi. Lão ngư Phan Thuẫn, Chi hội trưởng chi hội Ngư dân khu phố Bạch Đằng thuộc Hội Nông dân phường 6, Phó lạch Phú Câu, phấn khởi khoe: “Những năm trước, thời điểm này (tháng 6 âm lịch) đã hết vụ đánh bắt cá ngừ đại dương. Nhưng năm nay “trời thương”, sóng yên, biển lặng nên cánh đánh bắt khơi xa làm ăn được. Chỉ ngặt một nỗi…”. Ông Phan Thuẫn đang hào hứng bỗng chùng lại, bỏ lửng câu nói.

 

BIỂN GIÃ - PHẬN NGƯỜI

 

Người cao tuổi nhất ở lạch Phú Câu này cũng không biết nghề đi biển của lạch mình có từ bao giờ. Chỉ biết, trai lạch này lớn lên là đi biển. Biển là nguồn sống gần như duy nhất ở vạn chài. Ngày đó, đi biển chỉ quanh quẩn trong lộng, thuyền nhỏ, sức người cũng hạn chế trước biển bao la và bí hiểm. Ngư dân lúc ấy ra khơi chỉ dựa vào kinh nghiệm nhìn trời đoán mây, thuyền quá nhỏ nên hiểm nguy luôn rình rập. Ông Phan Thuẫn kể: Năm ấy có bão nhưng không biết tin nên sau khi đánh đầy thuyền cá chuồn, hai cha con ông Hồ Nhé dong thuyền chạy thẳng ra Bình Định bán. Giữa đường thì gặp bão lớn ập vào, thuyền nhỏ chòng chành rồi bị đánh úp. Sóng biển vùi cả thuyền lẫn xác hai cha con ngư dân xấu số…

 

Những năm 80 thế kỷ trước, làng biển này nghèo rớt. Đàn ông đi biển theo mùa, làm một mùa ăn cả năm. Mùa động, thuyền chỉ biết nằm bờ. Đàn ông ăn nhậu qua ngày, đàn bà tụm năm, tụm ba tiêu khiển, trẻ con thì nheo nhóc, quanh quẩn chẳng học hành gì.

 

Nghe đâu ở Bình Định có người Đài Loan sang mua cá bò gù (cá ngừ đại dương) với giá cao. Thời điểm đó, ngư dân chủ yếu đánh lưới chuồn, thỉnh thoảng vài con bò gù vô tình dính lưới. Tìm hiểu thấy đúng là nhu cầu về cá bò gù khá lớn và ổn định để xuất khẩu. Ngư dân lạch Phú Câu hạ quyết tâm: “Đổi đời”. Nghề câu cá ngừ đại dương ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

 

Năm 1992, lạch Phú Câu lần lượt xuất hiện những chiếc thuyền cỡ 90CV bắt đầu cho những chuyến biển dài.

 

Dồn hết tiền của, vay mượn anh em, hùn hạp sắm phương tiện chẳng lo. Nhưng lo nhất là đánh bắt dài ngày giữa trùng khơi chẳng may gặp bão, gặp cướp, bệnh đau phải cấp cứu thì biết bám vào đâu…? Hàng trăm câu hỏi lởn vởn trong đầu những ngư phủ và những người vợ hình dung cảnh chờ tin chồng, con từ biển khơi.

 

Hạ quyết tâm. Ngư dân Phan Thuẫn và những người bạn quyết định ra khơi, dẫu trên thuyền chỉ có một cái la bàn để chỉ đường. Những chuyến biển đánh bắt đầu tiên của ông và những người trong lạch đầu xuôi đuôi lọt. Đi về an toàn, cá bán được giá, xăng dầu thời đó còn rẻ nên ngư dân lãi lớn. Cả lạch Phú Câu đầu tư thuyền lớn chinh phục đại dương.

 

KHƠI XA VÀ TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

 

Thuyền cỡ 90CV phải chạy lên tục 4 ngày đêm mới tới ngư trường. Lần đầu tiên vươn khơi xa, những ngư dân câu cá ngừ đại dương lo lắng nhưng không khỏi tự hào khi thấy các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa yêu thương mà lâu nay chỉ nghe qua sách vở, đài, báo. Ngư dân Mai Văn Sáo (45 tuổi), thổ lộ: “Lần đầu ra khơi xa, tôi thấy mình vô cùng nhỏ bé trước biển khơi. Lênh đênh trên biển, không ít lần đối mặt với bão táp, hết lương thực, thuyền hỏng máy, bệnh đau cần cấp cứu... Những lúc như vậy không còn cách nào khác là cho thuyền trôi vào các đảo. Sau này khi có hệ thống máy bộ đàm, Icom thì phát lên sóng kêu cứu và được hướng dẫn”.

 

Lão ngư Phan Thuẫn kể về lần gặp tai nạn gần đây nhất trên thuyền do chính ông cầm lái: “Tháng 8 âm lịch năm 2009, lúc ấy thuyền vừa đến ngư trường khu vực quần đảo Trường Sa thì nghe tin bão số 9. Bão giật trên cấp 13, tốc độ di chuyển cực nhanh. Chỉ kịp phát tín hiệu cấp cứu thì thấy trời đen kịt, gió rít ào ào, những con sóng cao cứ chồm lên rồi vồ xuống chiếc thuyền bé tẹo như chiếc lá khô. Tôi siết chặt ga, các thuyền viên sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, tiến về đảo Đá Nam. Chưa kịp cập đảo thì thuyền bị bão đánh vỡ tan xác. Cũng may, bão qua nhanh, thuyền bạn và bộ đội trên đảo Đá Nam đến ứng cứu kịp thời. Từ 22g đêm trước cho đến 16g chiều hôm sau mới tìm thấy hết số thuyền viên. Chúng tôi được đưa lên đảo nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe”. Ông Thuẫn thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát hiểm chứ không phải chuyện xảy ra cách đây đã hai năm: “Trước khi về đất liền, tụi tui còn được bộ đội cho lương thực, nước uống, quần áo. May là lần ấy không có thiệt hại về người. Các anh bộ đội Trường Sa thật nghĩa tình, cứ như người trong nhà!”.

 

Cách đây hai tháng, con rể ông Thuẫn, anh Nguyễn Thanh Hiệp tiếp quản làm thuyền trưởng, không may bị hỏng “con heo dầu” (một bộ phận của máy nổ), lại ghé vào đảo Đá Nam để “tị nạn”. Trước khi ra về, các ngư dân cũng được bộ đội tặng nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh. Với những người lính đảo, thấy thuyền đánh cá của ngư dân như nhìn thấy chim hải âu (chim hải âu chỉ có ở gần bờ), như nhìn thấy đất mẹ. Còn với những ngư dân đánh bắt ở khơi xa, thấy đảo như thấy nhà, anh em chiến sĩ là người thân.

 

Tuy không có cướp biển giết người cướp của như vùng Caribe, nhưng với những ngư dân đánh bắt xa bờ, chuyện gặp cướp cũng không lạ. Ông Lê Chí Long (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) kể, năm 2009, nhóm thuyền của ông và những người trong lạch đang làm ăn thì bị một số tàu nước ngoài rượt đuổi, giành ngư trường, tranh cướp cá và ngư cụ. Điều đó càng làm cho ngư dân quyết tâm bám biển hơn, gắn thêm trách nhiệm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

 

cangu110806.jpg

Ngư dân hồ hởi trở về từ chuyến biển - Ảnh: N.CHUNG

KHÁT VỌNG BIỂN

 

Nghề câu cá ngừ đại dương đã khẳng định thương hiệu ở Phú Yên. Chính nghề này đã mang lại cuộc sống ấm no, con cái ngư dân được học hành. Nhiều người xây được nhà tầng, mua được ôtô như các ngư dân Dương Minh Hào, Trần Văn Liên, Đỗ Năm, Trần Sinh, Phan Thuẫn… Trong số này có hai người là Phan Thuẫn và Đỗ Năm được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Những ngư dân kể trên đa phần đã không còn sức ra khơi xa. Có người chuyển hẳn sang nghề nuôi trồng, nhưng đa số là truyền nghề lại cho con, cháu trong nhà. Và những ngư dân trẻ tiếp tục kế nghiệp, quyết tâm bám biển.

 

Từ năm 2000 trở lại đây, nhờ hệ thống máy móc hiện đại, việc ứng phó với bão được chủ động. Điều “ngặt” là phương tiện của ngư dân vẫn quá nhỏ so với các tàu của nước ngoài và bị họ uy hiếp.

 

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, cho biết: Bộ đội Biên phòng tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về biển đảo giúp ngư dân nắm rõ luật pháp, biên giới chủ quyền Việt Nam, đồng thời củng cố các đội tàu thuyền an toàn chuyên đánh bắt xa bờ. Các tàu liên kết lại, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Qua hệ thống liên lạc, thường xuyên giúp ngư dân ứng phó đấu tranh với tàu đánh cá nước ngoài để khẳng định chủ quyền của quốc gia”.

 

Ngư dân rất quyết tâm bám biển, như cách nói của ngư dân Nguyễn Thanh Hiệp, thì: “Đã nhiều đời làm nghề, chúng tôi quyết giữ ngư trường, không chỉ vì cuộc sống mà còn là trách nhiệm của người dân, góp phần bảo vệ biên giới của Tổ quốc”. Nhưng ước vọng sâu thẳm của những ngư dân vươn khơi xa và cả những người vợ, người mẹ miệt biển là: Mong sao không còn chuyện lấn chiếm, giành giật biên giới trên biển giữa các nước để ngư dân yên tâm làm nghề, bám biển, góp phần làm giàu cho đất nước”.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek