Thứ Bảy, 21/09/2024 17:54 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa
Thứ Năm, 21/07/2011 08:22 SA

CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

 

Bên cạnh nghề nông với hai ngành trồng trọt và chăn nuôi đóng vai trò chủ đạo, cư dân Phú Hòa trong quá trình sinh sống đã tạo ra những ngành nghề truyền thống phù hợp với điều kiện thiên nhiên, đất đai thổ nhưỡng và nhu cầu cần thiết hàng ngày. Họ làm ra các sản phẩm phục vụ tại chỗ hoặc đem trao đổi với các địa phương khác. Những ngành nghề thủ công truyền thống theo thời gian có nơi được phát huy trở thành nghề nghiệp cơ bản của một bộ phận dân cư và ngày càng mang tính chuyên môn hóa, một số ngành nghề bị mai một trở thành ký ức của một thời quá vãng, nhưng đã làm đa dạng hóa nền kinh tế ở vùng đất Phú Hòa.

 

NGHỀ ÐAN ÐÁT Ở THÔN MỸ HÒA, THÔN ÐÔNG LỘC, THÔN VĨNH PHÚ

 

Xuất phát là khu vực đồng bằng với nhiều tre mọc, người dân các thôn Mỹ Hòa, Đông Lộc xã Hòa Thắng và thôn Vĩnh Phú xã Hòa An đã tạo ra các sản phẩm từ tre phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như rổ, giỏ, nia, thúng, sàng, dừng, bồ đựng lúa...

 

Đầu tiên nghề đan đát ở các thôn này là nghề phụ, tận dụng lao động khi nông nhàn hoặc trước vụ mùa để cần các vật dụng đựng sản phẩm nông nghiệp khi thu hoạch. Dần dần nghề đan đát phát triển thành làng chuyên nghiệp, chuyên cung cấp sản phẩm tiêu thụ ở các chợ thuộc tổng Hòa Bình trong phủ Tuy Hòa như chợ Lò Tre, chợ Núi Sầm, chợ Phong Niên, chợ quán Lê,... và mở rộng ra các địa phương khác trong tỉnh hoặc đem đi tiêu thụ ở các tỉnh xa.

 

Nguyên liệu đan đát chủ yếu là tre. Tre được trồng ở vườn, quanh nhà, vừa làm hàng rào và vừa dùng để đan đát. Cây lồ ô và dây mây cũng được dùng đan đát và khai thác từ rừng núi phía tây xã Hòa Quang, Hòa Định. Người đan thường chọn lấy những cây tre già nhằm đảm bảo độ bền và sự chắc chắn khi vận chuyển, đồng thời tránh mối mọt trong quá trình sử dụng. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng thật kỳ công, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và trình độ nhất định trong nghề mới biết được sản phẩm làm ra có độ chắc như thế nào:

 

“Tre già đan rổ đan sàng

Tre non đan gióng cho nàng đi buôn”

 

Đan đát nói chung phải trải qua 3 công đoạn để hoàn thành một sản phẩm: trước tiên là chẻ nan và vót; thứ đến là đan thành tấm mê và danh tròn để đát bốn đầu của tấm mê; cuối cùng khâu khó nhất là lận thành chiếc rổ hoặc cái sàng, cái nia, sau đó dùng mây hoặc cước nức xung quanh vành để hoàn thành sản phẩm.

 

Nghề đan đát đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân các thôn Mỹ Hòa, Đông Lộc và Vĩnh Phú. Vì vậy sản phẩm được làm ra quanh năm và trở thành nguồn lợi chính của người dân nơi đây. Dưới thời nhà Nguyễn và thuộc Pháp, phần lớn vật dụng gia đình đều làm bằng tre kể cả công cụ sản xuất, nên nghề đan đát đóng vai trò quan trọng. Số người tham gia nghề đan trong làng tăng lên, quy mô sản xuất mở rộng. Ngày nay với sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm công nghiệp với nguyên liệu nhựa, nhôm nhưng không thể thay thế hoàn toàn những vật dụng truyền thống trong gia đình nông thôn như rổ, giỏ, thúng, nia, dừng, sàng... Đó cũng là lý do để nghề đan đát tiếp tục phát triển.

 

Thôn Đông Lộc thuộc xã Hòa Thắng, nghề đan giỏ hình thành rất sớm và gắn liền với tên gọi xóm Giỏ. Theo lời kể của các bô lão tại đây: nghề đan giỏ có từ rất lâu, từ khi lưu dân người Việt vào cư trú lưu vực sông Đà Rằng hình thành nên làng xóm nơi đây. Giỏ làm ra dùng để gánh hàng, nhốt gà, vịt. Đến những năm đầu thế kỷ 20, nghề đan giỏ vẫn còn phát triển, vì phần lớn giỏ làm ra được dùng vào việc đựng rau quả, củ hoặc để đựng lá dâu nuôi tằm. Một số người khéo tay đan giỏ đẹp thời bấy giờ như Hồ Thái, Hồ Tân, Lê Tấn Ngọc. Hiện nay, xóm Giỏ vẫn còn duy trì nghề đan giỏ truyền thống với hơn 20 hộ đan chuyên nghiệp quanh năm, hàng ngày cung cấp hàng trăm chiếc giỏ bán ra thị trường (chủ yếu là giỏ dùng để nhốt gà), đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận dân cư ở đây.             

 

Ngày nay trong nhân dân còn lưu truyền câu ca dao phản ánh nghề đan đát nơi đây:   

      

Mỹ Hòa, xóm Giỏ nghề đan

Mặt hàng truyền thống của làng xưa nay

Làng gốm Phụng Nguyên.                   

 

(Còn nữa)

KIM BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek