Thứ Bảy, 21/09/2024 16:59 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Phú Yên quyến rũ
Thứ Năm, 04/08/2011 09:00 SA

Trải qua bao thăng trầm dâu bể kể từ khi tiền nhân mở cõi, khát vọng về một vùng đất giàu đẹp và bình yên sẽ không còn xa vời với người dân Phú Yên khi giao thông phát triển, du lịch khởi sắc. Mảnh đất hai mùa mưa nắng này ngày càng được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, lưu luyến mỗi khi dừng chân.

 

Nui-Thom110804.jpg

Được đầu tư gần 200 tỉ đồng, Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa) không chỉ có tiện nghi cao cấp mà còn rất thơ mộng, trữ tình. - Ảnh: M.NGUYỆT

NGÀY ĐÓ CHƯA XA…

 

Một người trong đoàn xoay lưng lại, huơ tay và hát: “Vẫy tay vẫy tay chào nhau/Một lần đầu và một lần cuối/Vẫy tay vẫy tay chào nhau/Chẳng bao giờ về lại chốn này...”.

 

Mặt tôi nóng ran, lòng trĩu nặng. Không thể trách được khi một du khách không muốn quay lại hải đăng Mũi Điện. Chuyện đã 15 năm. Đoàn nhà báo từ các tỉnh về Phú Yên dự hội thảo. Hôm ấy trời u ám, mây trùm xuống đỉnh Đá Bia. Những cơn sóng lớn thi nhau đập ầm ầm trên mặt biển khiến đoàn không thể đi thuyền mà vòng theo đường bộ qua nhiều dốc núi và suối để đến Mũi Điện. Mệt phờ, không ít người nản chí quay về, bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh non xanh nước biếc nên thơ, nơi có ngọn hải đăng do người Pháp xây dựng năm 1890, cao 115m so với mặt nước biển.

 

Ngoài Mũi Điện, Phú Yên có những danh thắng luôn gợi cho du khách sự tò mò, khát khao được đặt chân đến như gành Đá Dĩa ở huyện Tuy An. Nhưng khi đến nơi, không ít người tỏ ra không hài lòng vì chưa có bất kỳ dịch vụ nào được tổ chức ở đây. Đất Phú trời Yên có nhiều cảnh đẹp nhưng việc khai thác, đầu tư du lịch vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Điều ấy canh cánh trong lòng tiến sĩ Trình Quang Phú, người con của xã An Chấn (huyện Tuy An), từng học tập và công tác tại miền Bắc khi đất nước còn chia cắt, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1992, ông Trình Quang Phú vận động một tỉ phú người Ba Lan cư trú tại Pháp về Phú Yên để tìm hiểu đầu tư. Vị khách hăm hở đi, đến Tuy Hòa, ông nghỉ tại khách sạn H. Chỉ đến sáng hôm sau, vị khách nằng nặc đòi về: “Tôi không sao ngủ được, nhà vệ sinh có quá nhiều gián, thằn lằn...”. Hồi đó chưa có đường bay đến Phú Yên; ông Tây cao to lại thêm cái bụng phệ, ngồi ôtô đi từ TP Hồ Chí Minh ra Phú Yên. Đường xa và xóc khiến ông ngán ngẩm.

 

Hạ tầng giao thông chưa phát triển, dịch vụ lưu trú yếu kém là hai trở ngại lớn khi Phú Yên muốn đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Trong khi công nghệ du lịch nở rộ khắp nơi thì dường như Phú Yên vẫn “ngủ quên” trên tiềm năng dồi dào của mình.

 

KẾT NỐI TỪ NHỮNG CON ĐƯỜNG

 

Hồi nhỏ, tôi theo ngoại đi thăm mợ sinh em bé ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), chỉ hơn 20km mà thấy xa thật xa. “Ổ voi”, “ổ gà” sập sữ khắp các đoạn đường; mùa nắng bụi tung mù trời, mưa đến lầy lội nhão nhoét. Hai bà cháu ngồi sau xe máy mà phập phồng lo sợ vì bánh xe cứ sìa qua, trượt lại như làm xiếc. Người nhợt nhạt, quần áo đầy bụi, ngoại thở dài: “Đường sá thiệt tệ!”. Cậu bảo: “Mùa mưa, đường này chỉ có lội bộ”.

 

Đó là chuyện quá vãng. Giờ đây, đường về tận các thôn xóm đã được bê tông hóa. Hơn 80 tuổi mà ngoại vẫn thường xuyên đi thăm con cháu ở TX Sông Cầu, huyện Sông Hinh... bằng xe buýt. Cuối tuần, các dì, cậu thường đưa cả nhà về TP Tuy Hòa, đi mua sắm ở siêu thị Thuận Thanh, Co.opMart và thư giãn ở các điểm vui chơi. Nếu như trước đây, lúc ốm đau, người dân ở các huyện khó lòng đến Tuy Hòa thì giờ đây, xe buýt đưa họ đến tận cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chữa bệnh. Điều cứ tưởng rất xa vời, giờ đã trở thành hiện thực với người dân Phú Yên.

 

Từ năm 2003, cả nước biết đến đoàn xe chất lượng cao với phong cách phục vụ “hàng không mặt đất” của Công ty cổ phần Thuận Thảo, đưa hành khách đi - đến Phú Yên trên nhiều tuyến đường. Sau Thuận Thảo, Cúc Tư, Bình Phương... góp phần làm cho đội xe chất lượng cao ở Phú Yên trở nên hùng hậu. Cầu Bình Phú phóng từ quốc lộ 1 sang bên kia đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), giúp đoạn đường từ Phú Yên ra Bình Định tiện và giảm hơn 10km. Trục đường miền Tây nối Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk (đi qua các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh) hoàn thiện, góp phần thay đổi bao mảnh đời trên những vùng đất mà nó đi qua, tạo nên diện mạo mới cho miền núi Phú Yên. Các tuyến đường ven biển mở ra, “kết nối” những di tích, thắng cảnh nổi tiếng trong vùng và làm cho bức tranh thiên nhiên thêm sống động. Tại TP Tuy Hòa, cầu Hùng Vương nối trung tâm hành chính tỉnh lỵ với phường Phú Lâm và sân bay Tuy Hòa. Con đường Bạch Đằng lượn theo sông Chùa là một điểm nhấn trong bức tranh hiện đại mà vẫn giữ được vẻ yên bình, hài hòa với thiên nhiên... Người dân Phú Yên biết đó biết đây, mở rộng tầm nhìn nhờ những tuyến đường và các chuyến xe.

 

Ngoài đường bộ và đường sắt, Phú Yên giờ đây còn có đường hàng không, tạo thêm cơ hội để tỉnh nhà “cất cánh”. Tuyến bay Hà Nội - Tuy Hòa, TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa và ngược lại đưa Phú Yên xích lại gần hơn với hai điểm đầu đất nước. Không chỉ du khách trong nước, bạn bè quốc tế cũng đã biết đến Phú Yên nhiều hơn.

 

San-bay-110804.jpg

Việc mở đường bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước đến với Phú Yên. - Ảnh: H.TRUNG

NGÀY MỚI TRÊN MẢNH ĐẤT 400 NĂM

 

Có quá nhiều đổi thay trên mảnh đất mà Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đã đưa lưu dân vào khai khẩn cách đây hơn 400 năm. Giao thông phát triển, chuyện làm du lịch ở Phú Yên trở nên lạc quan hơn. Năm 2009, khách sạn 5 sao CenDeluxe vươn cao với 17 tầng, là điểm nhấn trên một quần thể rộng hơn 10ha ở phía tây TP Tuy Hòa, với nào là siêu thị, nhà hát, phòng họp quốc tế, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhà hàng Âu - Á, vũ trường, karaoke... cùng nhiều dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân địa phương. Công ty cổ phần Thuận Thảo đã tiên phong, dốc sức làm nên điều kỳ diệu này. Còn bên bờ biển biếc, khu resort Thuận Thảo làm thay đổi hẳn diện mạo dải bờ biển của TP Tuy Hòa. Về sự xuất hiện đầy ấn tượng của các công trình phục vụ du khách, bà Võ Thị Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuận Thảo, thổ lộ: “Tôi muốn làm giàu không chỉ cho riêng mình mà còn làm giàu cho mảnh đất quê hương”.

 

Đau đáu nhớ quê và luôn trăn trở làm sao để Phú Yên thoát nghèo, tiến sĩ Trình Quang Phú cùng vợ là thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương đã đưa rất nhiều nhà đầu tư đến Phú Yên, với hy vọng họ sẽ góp phần đánh thức tiềm năng của vùng đất này. Thế nhưng, hầu hết các nhà đầu tư chưa mặn mà vì cơ sở hạ tầng ở đây còn yếu. Vợ chồng ông Phú bàn nhau: “Mình sẽ làm một khu du lịch nho nhỏ, coi như phát pháo mở màn”. Và rồi, sau 6 năm với biết bao mồ hôi công sức, họ đã biến ngọn núi Thơm cằn cỗi nơi cửa ngõ phía bắc TP Tuy Hòa thành khu du lịch sinh thái quy mô, hoành tráng, với ý tưởng táo bạo và lãng mạn “sáng tắm biển, tối ngủ dưới tán rừng”. 22 biệt thự với hơn 80 phòng tiêu chuẩn 4-5 sao, phòng họp quốc tế, nhà hàng, cà phê bar, hồ bơi, thác nước nhân tạo..., Sao Việt làm hài lòng nhiều du khách khó tính, những người muốn hòa mình với thiên nhiên mà nghe sương rơi trên tán lá, nghe gió reo, dạo bước trong thoang thoảng hương hoa và ngắm các loài thú ung dung đùa nghịch. Sau Khu du lịch sinh thái Núi Thơm với những biệt thự xinh đẹp và trang nhã, Sao Việt đang tiếp tục xây dựng khu du lịch Bãi Xép ở xã An Chấn (huyện Tuy An). Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khi đến thăm Sao Việt đã nói: “Núi Thơm đứng đó từ bao đời không rõ, nhưng chỉ khi có những người con hiếu thảo đầy tâm huyết, sáng tạo của quê hương, ngọn núi đã vươn mình đứng dậy, duyên dáng nhìn ra biển, hướng vào TP Tuy Hòa đang “thay da đổi thịt” từng ngày”.

 

PHÚ YÊN MAI NÀY…

 

Người khách ái ngại với hành trình gian nan lên Mũi Điện năm nào, lần đến Phú Yên mới đây đã hăm hở leo lên đỉnh khỏe re nhờ con đường mới được xây dựng. Khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô cũng đã được xây dựng tại Bãi Chùa với tượng đài uy nghi, là điểm đến thú vị đối với những du khách muốn tìm hiểu về một chặng đường của Phú Yên trong những năm tháng khói lửa chiến tranh.

 

Quê hương tôi như chiếc cầu nối hai đầu đất nước và là “cửa ngõ” hướng ra biển Đông. Tỉnh sẽ tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên. Phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của cư dân miền biển Phú Yên và các dân tộc anh em, với 18 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận là danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia, rồi đây Phú Yên sẽ có các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù, mang lại những trải nghiệm thú vị mà du khách không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Du khách cũng sẽ được đi trên tàu cánh ngầm, tàu lặn, tàu cao tốc đến đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô... để cảm nhận trữ lượng văn hóa dồi dào hai bên bờ sông nước Phú Yên. Các sản phẩm từ các làng nghề là món quà cho du khách và là cơ hội làm giàu của người dân đất Phú.

 

Từ việc hãng hàng không tăng tần suất, tuyến bay đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tôi tin rồi sẽ có ngày, từ sân bay Tuy Hòa, người dân quê tôi và du khách bước lên máy bay để đi Đà Lạt, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Vinh... Rồi sẽ có ngày, những chiếc Airbus, Boing hiện đại đưa du khách từ bốn bể năm châu đến với Phú Yên thơ mộng và hiện đại. Ước vọng đó có thể trở thành hiện thực, vì sân bay Tuy Hòa với đường băng 3,2km, có thể trở thành sân bay quốc tế.

 

Rồi sẽ có một ngày, Phú Yên “cất cánh” bay cao. Quê hương tôi sẽ “phú” và “yên”, như khát vọng từ bao đời.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek