Thứ Bảy, 21/09/2024 16:29 CH
Xanh thẳm đại ngàn
Thứ Tư, 03/08/2011 18:00 CH

Nắng chiều chầm chậm tắt. Tôi men theo con đường mới phẳng lặng lượn quanh hồ thủy điện Sông Ba Hạ và đứng trên ngọn đồi lộng gió để ngắm cảnh hùng vĩ của một công trình thủy điện lớn ở miền Trung. Tôi lục lại trong ký ức của mình những gì có được sau mỗi lần về miền sơn cước.

 

Chuyến tác nghiệp nào đến Suối Trai (huyện Sơn Hòa) cũng vậy, đêm về tôi không sao chợp mắt, cứ đau đáu với bao mảnh đời của người dân tộc thiểu số nơi đây. Suối Trai có những câu chuyện buồn, có nhiều nỗi niềm do những tập tục từ ngàn xưa của đồng bào Ê Đê… Và nơi đó, “rừng xưa đã khép!”

 

cong-chieng110803.jpg

Đồng bào Ê Đê biểu diễn cồng chiêng trong những đêm hội buôn làng - Ảnh: L.MINH

 

TỤC XƯA CÒN ĐÓ…

 

Hủ tục vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống của người dân tộc thiểu số. Tiếng khóc vĩnh biệt mẹ và chia xa bố của những đứa trẻ như dao cứa vào lòng người. Khi mẹ qua đời, những đứa trẻ không chỉ mồ côi mẹ mà còn “mất” cả cha!

 

Một ngày cuối năm 2004, tôi về xã Suối Trai và chứng kiến bao chuyện đau lòng. Vừa xong lễ bỏ mả Mí Dượt ở buôn Thống Nhất là cuộc phân ly cha con. Theo hủ tục “trở về” của đồng bào Ê Đê, Ma Sai, người cha của bốn đứa trẻ tội nghiệp phải trở về với cha mẹ, anh chị mình. Cha của Mí Dượt, Oi H’Li buồn rầu trước cảnh gia đình tan đàn xẻ nghé, chỉ biết thở dài: “Mình không còn con gái nào gả cho nó, để nó tiếp tục ở lại mà nuôi con. Nhà nó cũng trong làng này thôi, nhưng rồi mai đây cứ như không còn biết đến nhau…”.

 

Hơn 75 tuổi, Oi H’Li lại mắc bệnh lao nên ông chỉ còn da bọc xương. Mó Tía, vợ ông hàng ngày dắt bốn đứa cháu đi nhặt phân bò về để bán, kiếm cái ăn. Tài sản họ có được là ngôi nhà tôn nhỏ do Nhà nước hỗ trợ xây dựng, bên trong chỉ có hai chiếc giường cũ kỹ không manh chiếu để trải. Cuộc sống của gia đình Oi H’Li vây bủa bởi cái nghèo, cộng thêm nỗi đau do tục lệ mang lại. Hệ quả của tục lệ ấy là người gần đất xa trời còn phải còng lưng nuôi lũ cháu nhỏ. Oi H’Li đau đớn nghĩ rằng, chắc khi chết, ông nhắm mắt không yên.

 

Hai năm sau, Oi H’Li cũng đi theo con gái mình về với tổ tiên.

 

Cách nhà Mí Dượt chừng hơn cây số, 9 chị em K So H’Din cũng não ruột khi phải làm theo hủ tục của buôn làng. Sau khi mẹ mất, người bố trở về bên gia đình, 9 chị em H’Din như bầy gà con lạc lối. Lúc chia tay bố, H’Din mới 20 tuổi. Dẫu em cạn nước mắt, dẫu người cha thắt ruột thắt gan thì cũng không thay đổi được điều gì.

 

Ngày mẹ mất, đứa em út Y Tuấn mới hai tháng tuổi, cứ khóc la suốt vì nhớ sữa, nhớ hơi mẹ. H’Din nhai cháo, xin sữa đút cho em. Bữa ăn của cả nhà chỉ toàn cơm trắng với muối ớt. Nhiều hôm, H’Din không biết ngủ là gì. Nằm bên các em mà H’Din cứ khóc, khóc mãi cho đến khi mặt trời mọc là lên rẫy. Cây sắn, cây bắp cũng thấm đẫm nước mắt của người chị cả trong gia đình này.

 

Đem nỗi buồn của bà con, tôi tâm sự với Ma Lin, Bí thư Đảng ủy xã lúc ấy, nhưng ông cũng chỉ lắc đầu, xót xa: “Còn hủ tục “trở về” là nỗi đau này nối tiếp nỗi đau khác. Làm cha, ai cũng muốn nuôi nấng, dạy dỗ các con. Nhưng sau khi vợ mất, đàn ông cũng không được thực hiện điều thiêng liêng ấy”.

 

MIỀN CAO KHẮC KHOẢI

 

Ầm!... ầm!... ầm!... Tiếng nổ lớn của bom, mìn khơi lòng hồ thủy điện làm cuộc trao đổi giữa chúng tôi bị gián đoạn. Khi đó (tháng 4/2006), chủ tịch xã này là Ma Giáo. Ông ca thán với các nhà báo rằng: “Cuộc sống của dân làng ngày càng bất ổn. Công cuộc “giải phẫu” lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ bắt buộc hàng trăm hộ dân phải di dời đến nơi tái định cư và mất hàng ngàn hécta đất nông nghiệp”.

 

Sau những tiếng “ầm… ầm” ấy là nhà mới xây bị nứt; bụi tung mù mịt vào tận chén cơm, ngóc ngách trong từng nhà; người dân thì hoang mang, hoảng sợ…

 

Sau hơn 5 năm thi công, thủy điện Sông Ba Hạ phát điện, hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng trung bình 412 triệu kWh/năm. Bên niềm vui ấy là nỗi lo canh cánh, khi nhiều ngôi nhà, đất sản xuất, hoa màu của người dân nằm ngoài cao trình nước dâng 105m của lòng hồ thủy điện bị ngập. Đôi mắt, cái bụng của H’Bun, 45 tuổi ở buôn Xây Dựng và bốn đứa con thơ không chút yên ổn. Nhiều người phải dời “ông táo” ra đường nấu ăn. Tối đến họ không tròn giấc ngủ. Lũ bò thì phá chuồng, chạy đến đám đất cao mà đứng… Một lần nữa, đời sống của người dân bị xáo trộn, phải tháo dỡ, dời nhà lần thứ hai ra ở tạm bợ để chờ nâng mặt bằng…

 

Hồi ấy, mấy trăm hộ dân rời khỏi lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ cứ ngỡ cuộc sống ở nơi tái định cư sẽ ấm no hơn với những dãy nhà khang trang, vườn tược xanh ngắt màu cây trái.

 

Điều đó giờ vẫn chưa thành hiện thực, khi suốt 7 năm qua, họ đau đáu chờ cấp đất nông nghiệp để sản xuất. Tình cảnh gia đình H’Min thật bi đát. Nhận tiền đền bù, họ sắm xe và tiêu xài hết, rồi ăn nhờ ở đậu tạm bợ. Cái bụng đói thì cái tay, cái chân phải lên rẫy làm ăn. Nhưng ngặt nỗi, gia đình H’Min chẳng lấy đâu ra đất để sản xuất, đành cứ lây lất trong muôn vàn khó khăn.

 

Xưa, Suối Trai ngút ngàn rừng xanh. Nhưng khi tôi đến, rìu rựa, cưa máy đã tiến sâu vào Khu bảo tồn Krông Trai. Nghe cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa kể mà thấy xót xa. Toàn khu bảo tồn Krông Trai rộng 22.290ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 70%. Rừng đặc dụng Krông Trai là nơi có hệ sinh thái chuyển tiếp từ tây sang đông của dãy Trường Sơn, nên hệ động thực vật ở đây rất phong phú, đa dạng. Rừng có nhiều loại gỗ quý (236 loài thực vật), 50 loài thú rừng, 182 loài chim và nhiều loại động vật bò sát, trong số đó có những loài thú quý hiếm như bò bangteng, bò tót min, hươu vàng, cà toong… Nhưng giờ đây, lõi của khu bảo tồn bị khoét ra nham nhở; đồi hoang, suối nguồn khô kiệt. Gỗ quý đã cạn và đất rừng cấm bị biến thành đất… vườn nhà.

 

“Lá phổi xanh” ở Sơn Hòa không chỉ bị chọc thủng khi những vạt rừng nguyên sinh bị đốn hạ, mà phía trước là nỗi lo hiểm họa thiên tai ập đến trong mùa mưa lũ khi lá chắn phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng.

 

Không đất sản xuất, không vụ mùa thu hoạch, hàng trăm người dân đành bấm bụng kéo nhau đi phá rừng cấm quốc gia Krông Trai và họ bất đắc dĩ trở thành… lâm tặc. Bà con biết phá rừng là sai, nhưng không phá thì đói. Họ không còn sự lựa chọn nào khác để cứu mình. Ở buôn Xây Dựng, Ma Cam lãnh án 5 năm tù, bà H Trai thì bị 3 năm tù về tội phá hơn 17.000m2 rừng cấm. Còn Oi H’Mau và nhiều người nữa bị phạt tiền vì tội “tiên phong” phá rừng. Còn nhớ, mỗi khi cầm giấy báo phạt tiền, Oi H’Mau nước mắt rưng rưng: “Bò bị chết. Bà nhà thì hay bệnh đau. Mình tui phải nuôi đến 7 miệng ăn, lại không có đất trồng cây sắn, cây bắp. Đói quá nên ai cũng đi phá rừng, chứ có phải vì tôi chỉ dẫn họ đâu…”.

 

h-din110803.jpg

Mai này, khi hủ tục “trở về” của buôn làng được xóa bỏ thì những đứa trẻ như chị em nhà H’Din sẽ không phải mất cha khi mẹ qua đời - Ảnh: T.THỦY

 

SUỐI TRAI BỪNG SÁNG!

 

Lần về Suối Trai mới đây, lòng tôi cảm thấy vui khi hay tin có người đã vượt qua hủ tục “trở về”. Sau lễ bỏ mả người vợ xấu số, Oi Loa ở buôn Xây Dựng không về phía gia đình mình mà quyết tâm ở lại bên các con. Với người đàn ông này: “Làm cha phải nuôi nấng và lo cho con ăn học đến nơi, đến chốn. Mình không về thì cũng đâu có ai kiểm điểm hay trừng phạt”.

 

Vậy là hủ tục ngàn đời ở buôn làng này đã có người phá bỏ. Tôi nghĩ địa phương và các già làng, trưởng buôn ở đây mà kiên trì vận động, gắn việc xóa bỏ hủ tục vào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa thì không lâu sau, đời sống tinh thần của người dân sẽ văn minh hơn, tiến bộ hơn. Và trẻ em nơi đây chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng hơn…

 

Phú Yên quê tôi lâu nay được nhắc đến là nơi có sông dài, biển rộng. Song tôi muốn quê mình gắn thêm hai chữ rừng xanh.

 

Đã đến lúc, lãnh đạo tỉnh nhà cần tìm ra một “liều thuốc đặc trị” để bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ “lá phổi xanh”. Để một ngày không xa, Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai không chỉ là “hòn ngọc về khí hậu” mà còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của các đồng bào dân tộc ít người như lễ hội: đâm trâu, bỏ mả, hội mùa, kể khan, nghệ thuật chạm khắc tượng nhà mồ. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện vị trí thuận lợi kết hợp với văn hóa truyền thống, Suối Trai - Krông Trai sẽ thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, là điểm đến hấp dẫn ở Phú Yên, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Rừng xanh, xanh đến ngút ngàn. Đi qua mênh mông đại ngàn ấy, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự trù phú của đất đai, lâm sản và các loại động vật quý hiếm từng được ghi trong sách đỏ.

 

Hy vọng ký ức buồn trong tôi sẽ mãi mãi khép lại. Để mai này về với Suối Trai, đến với Krông Trai, tôi sẽ ngỡ ngàng trước một bức tranh mới đầy sức sống. Nơi ấy, du khách sẽ “đi lạc” trong thiên nhiên hoang dã, nghe hơi thở của núi rừng, say sưa với tiếng hót véo von, lảnh lót của các loài chim, ngắm nhìn công trình thủy điện lớn... Và bên “nàng tiên xanh” quyến rũ ấy, ngày ngày người dân bản địa với trang phục truyền thống chăm chỉ dệt vải, biểu diễn cồng chiêng đón du khách đến tham quan. Tiếng chiêng tiếng cồng, tiếng của gió ngàn, của sông suối, của đất đai… vang khắp núi rừng. Ai đó đến nơi đây cũng sẽ quên đi những mệt mỏi của cuộc sống tất bật.

 

80 cây số từ TP Tuy Hòa về Suối Trai sẽ không còn xa…

 

“Góc tối” ấy sẽ bừng sáng!

 

THU THỦY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek