Thứ Bảy, 21/09/2024 16:45 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”:
Quê hương đất Phú trong tôi
Thứ Ba, 02/08/2011 08:00 SA

Gần 35 năm, đủ để một đứa trẻ như tôi sinh ra tại Hà Nội, trưởng thành trên quê hương đất Phú hoài niệm về quá khứ. Từ một tỉnh nghèo, Phú Yên đang chuyển mình vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

cung-son110802.jpg

Một góc phố núi Củng Sơn, huyện Sơn Hòa hôm nay - Ảnh: P.NAM

HÀ NỘI – TUY HÒA TRONG TUỔI THƠ TÔI

 

Ga Hàng Cỏ xa dần rồi mất hút trong tiếng xập xình của chuyến tàu đêm ngày ấy. Mới lên 5, nhưng cũng đủ để tôi ý thức được sự nuối tiếc đến xót lòng khi phải chia tay Hà Nội, chuyển đến nơi ở mới mà không hề biết đó là đâu. Ba ngày ba đêm, hành trình vào Nam hàng nghìn cây số, đủ để tôi hoài niệm về những kỷ niệm tuổi thơ trên đất Bắc. Phải xa khu tập thể Trường Trung cấp Địa chất được xây cất bằng tranh tre, vách đất tạm bợ, trong tôi như vừa mất mát cái gì đó vô cùng lớn. Trong mớ bòng bong kỷ niệm đó, khó quên nhất là vụ cháy khu nhà tập thể cán bộ, giáo viên gây náo động cả trường, khiến anh em tôi phải chui xuống gầm giường để tránh lửa, mà thủ phạm không ai khác chính là tôi. Sau vụ cháy, cả nhà tôi phải chuyển nhà sang một khu ở mới, và sau này tiếp tục vào Nam sinh sống. Đây chính là mốc thời gian khắc ghi nhất trong đời tôi hình ảnh về Hà Nội khi đã sống gần 35 năm trên quê hương đất Phú.

 

Sau nhiều đêm ròng rã, cuối cùng cả nhà tôi cũng đến làng biển phường 6, TX Tuy Hòa (nay là cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa). Trước mắt tôi là một vùng đất hoàn toàn xa lạ, với những ngôi nhà tạm bợ, có cảm giác bị bao trùm trong tiếng sóng vỗ, tiếng gió biển rít, buồn đến thê lương. Về nhà mới, nhưng phải mấy ngày sau tôi mới biết, đây là địa điểm mới của Trường Trung cấp Địa chất II, mà trước giải phóng từng là dinh tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên, nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Thời điểm đó, xung quanh trường vẫn còn y nguyên hàng rào chắn khá kiên cố bằng lưới B40, bên dưới là những bệ bao cát chống xói lở, ngổn ngang vỏ đạn, dây kẽm gai, thùng cô nét… Trong những ngôi nhà, nơi ở của sĩ quan ngụy trước kia, còn nhiều vết đạn găm sâu trên tường.

 

Do quá khó khăn nên mẹ tôi phải tận dụng bao cát vải của Mỹ - ngụy để may quần và túi đựng sách vở cho anh em tôi đi học. Mỗi buổi chiều, anh em tôi phải gánh từng thùng phân heo đi cả cây số để tưới rau muống tại một đám đất nhỏ (giờ là khu du lịch Gió Chiều), hay câu cá ngạnh dưới chân cầu Vạn Kiếp để cải thiện bữa ăn gia đình. Nhiều hôm phải ngồi từ sáng đến chiều tối dưới gầm cầu, mong sao câu nhiều cá. Có hôm bị ngạnh cá cắt ngang tay đau nhức đến khóc, nhưng rồi cũng cảm thấy mãn nguyện khi được thưởng thức món canh chua cá ngạnh trong mâm cơm đạm bạc của gia đình.

 

Ngày ấy, biển Tuy Hòa nước trong xanh như trời biếc, rau muống biển bao trùm dải cát trắng. Dọc bờ biển, nhiều lô cốt của Mỹ - ngụy còn nguyên hiện trạng bị rau muốn biển phủ kín. Thời gian nghỉ hè, đám trẻ thường chọn những dây rau muống già đem bện lại, giăng nhiều lớp và buộc vào bốn trụ ở khu tiền sảnh của nhà làm việc Trường Trung cấp Địa chất II làm dây đài để đấu võ, hay nhặt đế vỏ đạn cối làm bánh xe giả ô tô để trượt dốc phường 6 vào mỗi buổi chiều… Phường 6 ngày ấy, đâu đâu cũng có cây bàng lá tròn ngả bóng mát. Trưa hè, đám trẻ tinh nghịch thường trốn cha mẹ trèo hái những chùm bàng chín mọng, ngọt lịm ăn đến thỏa thích mới về nhà.

 

Không như bây giờ, cuộc sống thời bao cấp vô vàn khó khăn. Tuy còn nhỏ nhưng tôi cảm nhận được điều đó, vì đã có lần tự tay cầm tem phiếu xếp hàng, chờ cả buổi để mua cho được lạng thịt tại chợ Tuy Hòa. Vì tính trẻ con nên có lần tôi đã phải sử dụng “phép” luồn dưới chân người lớn, lén đặt nửa viên gạch xí chỗ và nhích lên từng cm, mong sao sớm tiếp cận được quầy hàng để mua được miếng thịt về kịp nấu bữa cơm trưa và chiều còn đi học.

 

Gắn bó với đất biển phường 6 được hơn hai năm, đến đầu thập niên 80, Trường trung cấp Địa chất II (Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa) phải chuyển đến địa điểm mới tại phường 8 (TP Tuy Hòa). Lúc đó, xung quanh trường, xác xe Mỹ - ngụy còn chất ngổn ngang thành từng đống, bom đạn đầy rẫy còn sáng chói màu đồng… khiến tôi có cảm giác như chiến tranh mới vừa đi qua. Trong các khu dân cư, nhà cửa, lều quán còn khá thưa thớt, hoang sơ, đường làng, ngõ xóm gai xương rồng giăng kín, đến nỗi ít ai dám nghĩ cuộc sống nơi đây sẽ có ngày đổi thay.

 

Còn nhớ, mỗi khi trời chập choạng tối, cha con tôi lại gồng gánh ống trúm, bì bõm dưới ruộng sình để bẫy lươn bằng mồi cua đồng giã nát, để rồi cả đêm thao thức chờ trời sáng, mẹ đem ra chợ bán lấy tiền mua quần áo, sách vở. Những con lươn chết được nấu cháo hay kho xả ớt cải thiện bữa ăn. Mùa gặt, anh em tôi phải mót từng ghé lúa rơi, câu từng con cá rô đồng để phụ giúp gia đình… Khó khăn là vậy, song trong tôi luôn cảm thấy tự hào khi được sống những năm tháng tuổi thơ trên mảnh đất Tuy Hòa.

 

lang-bien110802.jpg

Rộn ràng làng biển phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: P.NAM

CHIA TAY BIỂN ĐỂ RỒI VỀ LẠI VỚI BIỂN

 

Quốc lộ 25 từ TX Tuy Hòa lên huyện miền núi Sơn Hòa ngày ấy heo hút, đèo dốc, hầm hố đến ngán ngẩm. Trên chiếc xe máy cà tàng, phải mất hơn hai giờ đồng hồ hai cha con tôi mới lên được thị trấn Củng Sơn để xin việc làm, gắn một quãng đời tôi với địa phương này từ đó. Cách đây 10 năm, Sơn Hòa còn nhiều khó khăn. Đường về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá hoang vắng, nhà cửa phần lớn được xây cất tạm bợ. Thu nhập của người dân chủ yếu nhờ vào cây mía, nhưng có thời điểm phải đốt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác do không mang lại hiệu quả. Thế mà giờ đây Sơn Hòa là huyện có diện tích mía đứng đầu tỉnh và hiện đang “leo” nhanh lên các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Ea Chà Rang, Suối Trai, Cà Lúi, Phước Tân... Nhờ mía được giá, đời sống của người dân từ trung tâm thị trấn Củng Sơn đến các buôn làng xa xôi được cải thiện đáng kể. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, trong đó phải kể đến cầu vượt sông Ba trên trục dọc miền Tây Phú Yên, giúp cho việc giao thương giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận được dễ dàng hơn.

 

Về lại với biển sau 10 năm gắn bó với miền sơn cước Sơn Hòa, tôi nhớ như in, làng biển nghèo phường 6 ngày nào. Thời ấy, làng biển phường 6 lác đác vài ngôi nhà xây, đường vào làng toàn cát, đi lại rất khó khăn. Thế mà giờ đây, nhà tầng mọc lên san sát, đường được bê tông hóa, xe cộ ra vào tấp nập. Phấn khởi hơn, ngày càng nhiều ngư dân đầu tư tiền của đóng tàu công suất lớn, mạnh dạn vươn khơi xa để khai thác hải sản và cùng nhau bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Và mới đây, nhiều ngư dân của phường 6 được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu, lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh bằng công nghệ hiện đại để họ yên tâm vươn ra khơi xa.

 

Gần 35 năm trôi qua, tôi chợt nhìn lại về sự chuyển mình của một thị xã mà trước kia ít người biết đến, nay được nâng cấp thành đôi thị loại ba - TP Tuy Hòa hôm nay, mới thấy hết được sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Và đểphát triển kết cấu hạtầng ven biển, tỉnh đang tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Vũng Rô thành cảng hàng hải tổng hợp có thể tiếp nhận tàu trên 3.000 tấn; đầu tư mở rộng mạng lưới giao thông nông thôn đến tất cả các xã ven biển và một số tuyến đường bộ ven biển có tính chiến lược của tỉnh…, hứa hẹn phát triển TP Tuy Hòa thành đô thị loại hai vào năm 2013 và đưa Phú Yên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek