Thứ Bảy, 21/09/2024 18:00 CH
Huyện Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa
Thứ Hai, 18/07/2011 07:46 SA

PHONG TỤC, TẬP QUÁN

 

Cư dân Phú Hòa đa số là người Kinh và hoạt động sản xuất chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, do đó phong tục, tập quán rất thuần hậu, chất phác phản ánh đời sống của cư dân nền văn minh lúa nước. Những phong tục truyền thống như lễ mừng thọ, lễ cúng đình, miếu vào dịp xuân - thu, lễ tết, tang ma, cưới hỏi được tổ chức đơn giản không cầu kỳ, tốn kém. Điều này sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã nhận xét: “Dân tục chất phác thuần hậu, việc ma chay cúng tế cũng giản tiện...”.

 

Vào dịp tết Nguyên đán, ngày đoàn tụ sum họp gia đình, con cái tuy làm ăn xa cũng phải về thăm cha mẹ. Ngoài việc cầu chúc ông bà, cha mẹ trong năm mới mạnh khỏe, sống thọ, các thành viên trong gia đình còn mừng tuổi cho các bậc sinh thành bằng những bao lì xì màu đỏ. Tiền lì xì không phải là nhiều lắm nhưng biểu hiện tình cảm, lòng biết ơn của con cái dành cho các bậc bề trên, cầu mong họ sống lâu và là chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống. Trẻ con cũng được mừng tuổi nhưng với ý nghĩa mong cho mau khôn lớn, biết vâng lời cha mẹ, hiếu kính với ông bà. Trong dịp tết, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức ở một số tụ điểm đông dân cư ở các làng, xã như: hô lô tô, đá gà, trò chơi có thưởng... Đặc biệt một số địa phương ở xã Hòa Quang, Hòa Trị, Hòa An có hội đánh bài chòi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến xem.

 

Để chơi đánh bài chòi, trước tiên phải cất một số chòi (từ 9-11 chòi) và chia đều hai bên, giữa là chòi trung dành cho các chức sắc địa phương. Bài chòi là bộ bài gồm 33 lá với các tên gọi nhứt nọc, nhì nghèo, lá liễu, ông ầm,... được vẽ trên giấy và dán trên thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau. Khi vào cuộc chơi, người hô thai xốc bài, rút ra một con và xướng tên con bài. Con bài được người xướng lồng vào câu ca dao hoặc câu hát cho thêm phần hấp dẫn, kết hợp với ban nhạc cổ điệm theo (đàn cò, kèn, trống, xập xẽng). Một số câu hô thai:

 

Nửa đêm gà gáy le te

Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm

(Ông Ầm)

Lội suối trèo non

Tìm con chim nhỏ

Về treo trước ngõ

Nó gáy cúc cu

(Chín Cu)

Chầu rày đã có trăng non

Để anh lên xuống có con em bồng

(Bát Bồng)

Chòi nào trúng tên con bài do người xướng hô thì gõ mõ để được nhận con bài. Nếu trúng ba con bài thì chòi đó đã “tới”, xổ một hồi mõ dài báo hiệu. Lúc đó người thủ xướng sẽ bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho chòi trúng và cắm lá cờ đuôi nheo lên ống tre treo trước chòi đánh dấu cho một lần thắng.

 

Việc cưới hỏi tại các làng quê ở Phú Hòa được tổ chức theo sự thỏa thuận của hai họ đàng trai và gái, không thách cưới hoặc đòi lễ vật đầy quả đủ mâm như các địa phương khác. Nhìn chung là lấy việc đem lại hạnh phúc cho đôi tân lang - tân nương là mục tiêu hàng đầu của việc cưới hỏi. Những năm gần đây, lễ cưới, hỏi được giản lược các thủ tục, không còn phải tuần tự đủ các lễ như xem mặt, đi dạm, đi nói, đi hỏi, cầu giá, lễ cưới mà được gộp lại theo phương châm “ba de trút vào một hũ” (đi dạm, đi nói và đi hỏi nhập một lần), đỡ tốn kém, thực hiện nếp sống mới theo chủ trương của nhà nước.

 

Tang ma là việc hệ trọng biểu hiện tình cảm của người sống đối với kẻ khuất nên được nhiều gia đình ở Phú Hòa xem trọng, thực hiện đúng các nghi lễ tang chế của người xưa quy định. Đây cũng là thời điểm gia đình có người mất rất bối rối, nên tang lễ được cả làng, xóm xúm vào chung tay giúp từ khâu cất rạp, chọn áo quan, làm nhà mồ, đào huyệt, đội khiêng áo quan, người đưa tiễn... biểu hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, san sẻ những lúc khó khăn, buồn phiền trong cộng đồng làng xóm.

 

Về nếp sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội, cư dân Phú Hòa giao thiệp ứng xử dịu dàng, ít khi nổi giận, lấy cái khoan dung mà đối đãi. Tính hiếu khách, tính đoàn kết cộng đồng, chia bùi sẻ ngọt rất cao, rất thông cảm với nhau, đối xử chân thành, trong sáng “như thể tất cả là anh em với nhau”.

 

Người Phú Hòa xưa kia trọng văn hơn trọng võ, trọng nghĩa tình hơn tranh cãi được thua, can trường và dũng cảm trong hiểm nguy và chiến đấu. Trong gia đình, đề cao tình nghĩa vợ chồng hòa thuận chung thủy, con cháu kính hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên.

 

Ở Phú Hòa người Chăm H’roi sống tập trung ở buôn Hố Hầm xã Hòa Hội. Cộng đồng dân cư ở đây vẫn duy trì các phong tục tập quán riêng của mình như các lễ bỏ mả, lễ đâm trâu xoay cột, lễ lên nhà mới, lễ cầu mùa, lễ cúng đầu phục, lễ cúng sân, lễ đổ đầu, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng cơm mới, cúng thu hoạch...

 

Việc tổ chức lễ hội ở Phú Hòa trong những năm gần đây được cơ quan chức năng là Phòng Văn hóa Thông tin huyện phối hợp với các cơ quan văn hóa của tỉnh tổ chức lễ hội đền thờ Lương Văn Chánh vào ngày 6/2 (âm lịch), lễ hội đập Đồng Cam ngày 8 tháng Giêng lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia.

 

Trải qua thời gian, tuy có một số biến đổi về nếp sống, phong tục tập quán nhưng người dân Phú Hòa vẫn cơ bản giữ lại những truyền thống tốt đẹp của mình.

 

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG

 

Là vùng đất lưu dân người Việt định cư sớm, với đời sống tinh thần phong phú đã hình thành nên những truyền thống văn hóa đa dạng của cư dân vốn làm nghề trồng lúa nước ở đây. Nét nổi bật của truyền thống văn hóa của người dân Phú Hòa là tinh thần hiếu học.                                                              

 

(Còn nữa)

 

KIM BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek