Thứ Bảy, 21/09/2024 16:33 CH
Quê tôi… mai này!
Thứ Bảy, 30/07/2011 14:00 CH

Địa danh Làng Cát (bao gồm các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) đã nhẹ nhàng đi vào văn học, điện ảnh như một vùng đất thép anh hùng. Tôi may mắn được sinh ra khi đất nước hòa bình. Thế hệ chúng tôi rất tự hào về những người anh hùng và những chiến tích oanh liệt ở Làng Cát, góp phần vào thắng lợi to lớn của dân tộc. Càng tự hào hơn khi trên miền quê từng là nơi cày xới của bom đạn, chỉ toàn cát trắng và gió biển, giờ đây những người dân Làng Cát vượt qua thử thách khắc nghiệt để biến những ước mơ bao đời trở thành hiện thực.

 

Rồi những khu công nghiệp đã và sẽ mọc lên; những di tích văn hóa, lịch sử gắn với cảnh quan thiên nhiên trời phú trở thành điểm đến du lịch… Một tương lai xán lạn và cũng là khát vọng của người dân Làng Cát.

 

cau-da-nong110730.jpg

Cây cầu Đà Nông nối bao niềm mơ ước cho người Làng Cát - Ảnh: T.THẢO

 

NƠI CÁT VÀ GIÓ

 

Trong ký ức tôi, nơi mình sinh ra và lớn lên là một làng quê nghèo, đầy tiếng côn trùng trong đêm với ánh đèn dầu. Nhà tôi, phía trước mặt là rừng dương suốt ngày hun hút gió, sau lưng là cát nóng bỏng. Chỉ có những ngày mưa là bọn trẻ chúng tôi mới thấy vui vì có thể xây lâu đài cát, làm đám cưới giả. Tối đến, đàn đom đóm cứ đua nhau lập lòe. Các anh tôi rủ nhau bắt đom đóm bỏ vào hũ chai để làm đèn. Quanh những hũ đèn ấy, chúng tôi được các chú, các bác kể về những trận càn ác liệt, những chiến công oanh liệt của các anh hùng Làng Cát trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Những người mẹ anh hùng Làng Cát đã sinh ra những anh hùng. “Lương Tấn Thịnh, Lê Trung Kiên, Trần Kiệt, sống mãi trong lòng người dân quê hương Phú Yên” (lời hát Bài ca Phú Yên - Văn Chừng).

 

Ba tôi kể: Năm 1978, khi lâm trường trồng rừng Phú Yên cấp đất cho công nhân của lâm trường về Hòa Hiệp định cư, chỉ thấy cát bay, cát nhảy tứ phía. Cát chạy dài bất tận, không biết bao giờ mới thành làng. Năm năm sau, có thêm vài chục ngôi nhà tranh vách liếp liêu xiêu. Bà con quanh năm lam lũ với đồng ruộng, với nghề đi “xiết” bắt con tôm, con cá ở ven sông Bàn Thạch. Những đứa trẻ Làng Cát thì gầy nhom, đen đúa, “con gái Làng Cát” nói chuyện khô như cát…

 

Cát và gió như vậy nên những ngày đầu cuộc sống khó khăn vô cùng. Trên cát trắng thì không canh tác được cây gì, chỉ có cây dương và cây điều, nhưng cả hai đều không mang lại nguồn lợi kinh tế. Xuống ven sông làm lúa, hoa màu thì nước mặn ngập lên mắt cá chân. Một thời gian dài, những người dân vùng này chỉ biết lượm phân bò bán kiếm sống qua ngày.

 

LÀNG CÁT CHUYỂN MÌNH

 

Không thể cơ cực mãi, không để đói nghèo “đàn áp” con người. Năm xưa cha ông đánh Pháp, đuổi Mỹ khiến kẻ thù phải khiếp sợ, không lý nào thời bình mình lại chịu thua đói, nghèo. Phải “bắt sóng dữ cúi đầu, bắt sông sâu thành đồng tôm”. Đó là suy nghĩ của những người nông dân Làng Cát quyết tâm bám làng làm giàu. Bằng sức người và ý chí, những người dân đã biến cửa sông, cửa biển thành hồ, ngăn sông Đà Nông thành ruộng rồi bắt từng con tôm trong tự nhiên về thả nuôi thử nghiệm. Đó là những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người dân Làng Cát đổ xuống, kết quả là con tôm sú phát triển nhanh và có giá trị kinh tế. Không chỉ ở Hòa Hiệp Nam (nơi gần cửa sông Đà Nông) mà người dân xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung cũng xuống hạ lưu sông Bàn Thạch để nuôi tôm sú. Người dân các xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Tâm cũng ồ ạt kéo ra sông Bàn Thạch nuôi tôm. Suốt thập niên 1990, vùng hạ lưu sông Bàn Thạch được mệnh danh là “dòng sông Dream” - dòng sông của giấc mơ! Từ con tôm sú, hàng trăm hộ dân đã mua được xe Dream, xây được nhà lầu, biệt thự (chứ không phải lâu đài trên cát như lũ trẻ chúng tôi).

 

Lần lượt, Làng Cát quê tôi xuất hiện những tỉ phú Năm Dô, Năm Rùm… Con đường về xã Hòa Hiệp Nam lúc nào cũng nườm nượp ô tô tải. Hai bên đường là những ngôi nhà tầng khang trang. Một bộ mặt nông thôn mới mà không dễ nơi nào có được.

 

Nhưng cũng từ đây, một chuyện buồn xảy đến vì cung cách làm ăn của những người nông dân chỉ thấy cái lợi trước mắt. Lợi nhuận quá lớn từ con tôm sú khiến nhà nhà, người người ồ ạt phá bỏ tất cả ruộng lúa để làm ao thả tôm. Do những hành xử thô bạo với môi trường, “dòng sông Dream” trước đây giờ thành sông bạc (bạc bẽo). Liên tục những năm sau (từ 2001-2004) từ những tỉ phú, họ trở thành những con nợ. Những ngôi biệt thự trở thành nhà hoang, chủ nhân phải tha phương vì nợ.

 

Trong khó khăn, người dân Làng Cát lại thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên. Là người con vào sinh ra tử với Làng Cát, ông Năm Rùm, một cựu chiến binh xã Hòa Hiệp Nam, đã tự mày mò tìm lối thoát cho người dân quê mình. Năm 2004, ông đưa về giống tôm thẻ chân trắng. Nhiều người lo sợ và khuyên ông không nên liều. Nhưng ông Năm Rùm đã thắng! Tôm thẻ chân trắng tuy lợi nhuận không cao, đầu tư lớn nhưng được cái kháng bệnh tốt, gần như ăn chắc. Năng suất tôm trong vụ đầu của ông lên đến 25 tấn/ha, lập kỷ lục ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Ông Năm Rùm trở thành tỉ phú làng cát Hòa Hiệp nhờ con tôm chân trắng. “Phải làm giàu từ đồng đất quê hương” – ông Năm Rùm tâm niệm. Có được thành công, tỉ phú Năm Rùm đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi cho những người trong làng. Cuối vụ nuôi, có lãi thì chia đôi, còn thua lỗ thì vợ chồng ông gánh phần nhiều. Nhờ cách làm của ông Năm Rùm mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

 

Năm 2005, tôi đang học đại học năm cuối ở TP Hồ Chí Minh. Trăm thứ đều cần tiền, số tiền ít ỏi từ việc làm thêm của tôi chẳng thấm vào đâu. Một ngày cuối tuần, tôi nhận điện thoại nhà. Chợt thấy lòng nhẹ tên như chiếc lá khi qua ống nghe, ba tôi bảo: “Làng mình sống lại rồi. Vụ tôm này nhà mình cũng trúng”.

 

Câu chuyện có hậu với người nuôi tôm Làng Cát.

 

Nhờ những con tôm và sự dãi dầu nắng, mưa, nhiều người con Làng Cát đã học hành nên người.

 

boi-thu3110730.jpg

Người dân Làng Cát bội thu với những mùa tôm chân trắng - Ảnh: T.THẢO

 

LÀNG CÁT MAI NÀY

 

Những ngày làm luận văn tốt nghiệp, má tôi gửi vào một ít “tôm gộc” (loại tôm còn sót lại trong ao qua nhiều vụ nuôi) để con gái bồi dưỡng, cũng là để mừng thành quả sau nhiều năm nuôi tôm thất bại. Cả hạ lưu sông Bàn Thạch, nhiều vùng nuôi tôm nhưng riêng khúc sông ở làng tôi (đoạn gần cửa sông Đà Nông), con tôm mới ngọt và ngon. Chỉ cần hấp hoặc rang với muối thôi mà ăn vào ngọt đến “đớ cả lưỡi”. Ngọt ngào hơn là vì nó gắn với cuộc sống, cái cơ cực của quê nhà.

 

Tốt nghiệp đại học, tôi về quê đi một vòng để ôn lại hình ảnh quê hương. Thật kỳ lạ, chỉ sau 4 năm thôi mà quê tôi đổi thay quá lớn. Một bức tranh đầy tươi mới. Vùng đất cát Hòa Hiệp trở nên có giá trị khi tỉnh đầu tư xây dựng nhiều khu công nghiệp rộng hàng trăm héc ta. Buổi chiều, từng tốp công nhân tan ca tỏa về các ngả đường quê trong không khí huyên náo, trên nét mặt rạng ngời tin tưởng. Nhiều vùng cát trắng ở Hòa Hiệp Bắc đã trở thành vùng chuyên canh rau màu quanh năm. Những con đường liên thôn, liên xã trước đây chỉ toàn cát, xe đạp đi không nổi, nay đã được bê tông. Làng xóm cũng theo đó mà hình thành tạo nên bức tranh sinh động cho Làng Cát.

 

Ngôi trường đầy cát ngày trước chúng tôi học, Trường Tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung, giờ đây thành trường học xanh kiểu mẫu. Cô Lê Thị Hưởng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung là người đã biến bãi cát trắng đến nhức mắt thành một công viên cây xanh - nơi sẽ ươm mầm hy vọng cho thế hệ tương lai như mơ ước giản dị của cô giáo Hưởng: “Ước mơ ươm mầm xanh cho trẻ em vùng gió cát”.

 

Nói chuyện với những người dân nuôi tôm, ai cũng mong muốn Nhà nước có quy hoạch về vùng nuôi, có những chế tài cần thiết, có phương pháp nuôi tôm thân thiện với môi trường để có được con tôm sạch và là nguồn sống lâu dài. Ông Trần Ngãi, người trải qua bao bĩ cực với con tôm, tâm sự: “Qua những biến cố, tụi tôi mong muốn sẽ hình thành một làng tôm sạch. Ở đó mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường nuôi con tôm, cũng là giữ gìn môi trường sống, nguồn sống của con, cháu mình”.

 

Làng Cát hôm nay, không chỉ gắn với vẻ đẹp của những con người thật thà, chất phác, gan dạ một thời mà còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh thơ mộng. Nhắc đến Làng Cát, người ta nghĩ ngay đến bờ biển cát trắng phau chạy dài bên chân sóng bạc đầu và nước biển biếc. Những bãi Gốc, bãi Dài chạy thẳng tắp nối với cụm danh thắng cấp quốc gia bãi Môn - Mũi Điện, đèo Cả - núi Đá Bia, Vũng Rô - Tàu Không số… sẽ là thắng địa tuyệt vời để trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Một ngày không xa, Làng Cát sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch của Phú Yên và cả nước. Không lâu nữa, từ TP Tuy Hòa băng qua cầu Hùng Vương, trên trục đường động lực kinh tế ven biển băng qua Làng Cát đến thẳng cảng Vũng Rô, một bức tranh công nghiệp hóa đang hình thành ngay trên quê hương mà trước đây chỉ toàn cát và gió.

 

Buổi chiều, gió lồng lộng thổi vào tôi nghe có vị mặn mà của biển. Tôi nghe trong tiếng gió rì rào có những lời ca về tương lai xán lạn và tôi cảm nhận sự thay da đổi thịt từng ngày của Làng Cát quê mình.

 

 

PHẠM THÙY THẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek