Thứ Bảy, 21/09/2024 17:47 CH
Phú Hòa - những dấu ấn văn hóa 400 năm
Thứ Bảy, 16/07/2011 07:44 SA

 

 

Dấu ấn Thời mở đất, hình thành làng mạc

 

Năm 1578, Lương Văn Chánh chỉ huy lực lượng đánh chiếm thành Hồ của người Chiêm Thành tại An Nghiệp, mở ra một thời kỳ lịch sử trên vùng đất Phú Hòa cũng như cả tỉnh Phú Yên - thời kỳ mở đất, hình thành làng mạc thôn ấp của người Việt trên vùng đất mới.

 

Sự kiện Lương Văn Chánh đánh bại quân Chiêm tại thành Hồ chấm dứt thời kỳ Phú Hòa nằm trong vương quốc Hoa Anh trở thành vùng đệm của 2 quốc gia Đại Việt và Champa. Đồng thời đập tan mưu đồ của người Chiêm muốn thu phục lại những vùng đất đã mất vào tay người Việt về phía bắc đèo Cù Mông. Sự kiện này được xem là chiến công đầu tiên và hiển hách của lưu dân Việt trong cuộc chiến chinh phục vùng đất mới.

 

Trận chiến thành Hồ là một thắng lợi lớn của quân dân Đại Việt trong cuộc chiến tranh với Champa nhưng sử sách ghi lại khá mờ nhạt. Trong sách Đại Nam liệt truyện phần viết về Lương Văn Chánh ghi vắn tắt về nguyên nhân và diễn biến thắng lợi trận đánh thành Hồ: “Năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến cướp, Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn (sông Đà Rằng), đánh lấy được thành Hồ”.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí do Tổng tài Cao Xuân Dục chỉ đạo biên soạn đầu thế kỷ XX cũng chỉ chép vài hàng rất sơ lược về chiến công này: “Năm Mậu Dần (1578) đời Thái Tôn bản triều, quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành này (thành Hồ), nay vẫn còn nền cũ”.

 

Năm 1965, khi viết sách Non nước Phú Yên tác giả Nguyễn Đình Tư đoạn mô tả về thành Hồ cũng điểm qua trận đánh thành Hồ của Lương Văn Chánh: “Thành có mở hai cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh là cửa dùng cho quân lính ra vào hàng ngày, không có gì nguy hiểm, nhưng lại được canh gác cẩn thận. Trái lại, cửa tử là cửa để cho quân địch vào, và lẽ tất nhiên, sẽ bị những bẫy đã được bố trí sẵn làm thiệt mạng. Cửa này canh gác sơ sài, cố ý đánh lừa địch quân... Khi ông Lương Văn Chánh vào đánh Chiêm Thành, cứ điểm kháng cự cuối cùng của địch quân là thành Hồ, tướng tiên phong của ông là Cao Các đến công kích thành, thấy có cửa kém đề phòng, thúc quân vào liền ngộ nạn tử trận. Do cái chết đó, người ta khám phá ra cửa tử và cửa sinh. Ông Lương Văn Chánh liền thúc quân đánh phá các cửa sinh và hạ được thành”.

 

Cũng theo Nguyễn Đình Tư, trong trận đánh chiếm thành Hồ năm 1578, tướng Cao Các đã hy sinh anh dũng. Để tưởng nhớ người anh hùng đã bỏ mình trong công cuộc khai phá, giành giật vùng đất mới, nhân dân Phú Hòa đã lập đền thờ Cao Các phía trên thành Hồ gần quốc lộ 25 mà nhân dân địa phương kính cẩn gọi là Dinh Ông. Trong quá trình tồn tại, Dinh Ông trở thành di tích lịch sử của huyện Phú Hòa và đi vào ca dao với những lời thắm thiết:

 

“Nhìn lên trên núi Dinh Ông

Thiên hạ xào xáo em không thấy chàng!

Tóc dài bỏ xõa rối ngang,

Tay luồn lược gỗ miệng ngồi than bóng đền.

Than rằng:

Con vịt đua dưới nước

Con cá lội bàu sen

Hồi này không thấy bóng bạn quen đi đàng.

Ngậm ngùi thương phụng nhớ loan

Gửi thư cho gió gió mang về trời

Đêm nằm ruột rã gan rời

Thức thời thương nhớ ngủ thời chiêm bao

Đặt mình xuống tấm ván sao

Giật mình trở dậy nước mắt trào như mưa!

Trông trời ổng sáng hay chưa,

Bước ra đàng cái đón đưa bộ hành.

Trồng cây cũng muốn cây xanh,

Gá duyên với bạn cũng muốn thành phu thê”.

 

Sau khi thành Hồ bị chiếm, người Chiêm Thành vẫn chưa khuất phục, nhiều lần nổi dậy. Do đó Lương Văn Chánh bên cạnh chiêu dân lập làng xóm thôn ấp, ông còn phải thiết lập hệ thống đồn trại nằm rải rác khắp nơi để đương đầu với người Chiêm nổi loạn, bảo vệ đời sống nhân dân. Ở thôn Phước Khánh xã Hòa Trị, ông cho lập đồn binh ở Gò Lớn mà người dân trong vùng gọi là gò Kiến Điểm. Tại đây còn lưu truyền trận đánh do ông chỉ huy với 15 quân lính đi hộ vệ đã đánh lui quân Chiêm Thành bao vây trong một chuyến tuần thú.

 

Bên cạnh việc dùng sức mạnh quân sự để giành chiến thắng, Lương Văn Chánh còn dùng mưu chước để thu phục người Chiêm Thành. Trong dân gian Phú Yên còn truyền tụng câu chuyện ông thách đố người Chiêm Thành xây tháp để chiếm lĩnh hoàn toàn vùng đất Phú Yên. Với tài trí hơn người, lưu dân người Việt dưới sự lãnh đạo của Lương Văn Chánh đã giành thắng lợi trong cuộc đọ sức bằng trí tuệ với người Chiêm. Từ đó người Chiêm Thành nể phục và cho rằng Lương Văn Chánh là người có nhiều tài phép, kính cẩn gọi là ông Phù Già.

 

Việc lập làng xóm thôn ấp trong buổi đầu của lưu dân người Việt trên vùng đất mới Phú Hòa cũng là cuộc chiến chống lại rừng thiêng nước độc, thú dữ, thời tiết khắc nghiệt. Công việc này đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các lưu dân khi mới đến.

 

Gia phả họ Đào xã Hòa Thắng còn ghi lại bước đường gian truân của vị thủy tổ Đào Tấn Tuấn cùng các bậc tiền nhân buổi đầu lập nghiệp, định cư vùng đất mới:

 

“Khi ấy, này chú, này anh, này cô, này bác

Rủ nhau cơm gói muối đùm

Dò tới rừng vàng biển bạc

Mưa nắng trải bao phen lặn lội

Gập ghềnh bước thấp bước cao

Non sông chung một gánh nặng, lần lượt đàn sau, đàn trước

Bỏ quê nhà đến miền đất khách

Từ Thanh Hóa lần vào Bình Định đến Tuy Hòa.

Gội biết bao mưa, trải biết bao gió

Cậy gân xương mong can sức trời già

Cày đâu cũng ruộng, cuốc đâu cũng vườn, chống chọi với thuyền xuôi gió ngược

Công đức thế, gian lao cũng thế...”

Để tập hợp sức lực trong việc khai hoang, lưu dân di cư vào Phú Hòa thường đi theo dòng họ và sau đó định cư thành xóm, làng. Do đó nhiều làng xóm mang tên của các dòng họ đã ra đời và quan hệ huyết tộc đóng vai trò quan trọng chi phối các quan hệ xã hội ở đây.                                        

 

(Còn nữa)

 

KIM BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek