Thứ Bảy, 21/09/2024 16:43 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”:
Thương lắm xứ dừa
Thứ Năm, 28/07/2011 18:00 CH

Đất Sông Cầu bạt ngàn màu xanh: xanh dừa, xanh biển, xanh núi, xanh thẳm hàng dương… Tất cả tạo nên một vẻ rất riêng, khiến ai một lần đến đây cũng lưu luyến khó quên. Sông Cầu còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái với phong cảnh hữu tình, tài nguyên phong phú. Những người con của Sông Cầu khi đi xa luôn tự hào về mảnh đất xinh đẹp quê hương mình.

 

Song-Cau110728.jpg

Rừng dừa Sông Cầu bên vịnh Xuân Đài - Ảnh: P.V

XỨ SỞ CỦA MÀU XANH

 

Trong ký ức của một người con xa quê, Sông Cầu quê tôi bát ngát một màu xanh. Xanh biển, xanh trời, xanh núi non, xanh của những hàng dừa trải dài thăm thẳm. Từ đỉnh dốc Găng nhìn xuống, trung tâm TX Sông Cầu hiện ra xanh mướt. Mặt biển vịnh Xuân Đài những ngày nắng đẹp luôn trong xanh với hai gam màu cách biệt, chia đôi dòng nước, phân định đoạn nước sâu - cạn. Những người làm nghề biển ở quê tôi có thói quen nhìn màu nước để đoán định được độ sâu của lòng biển. Đó là kinh nghiệm của những con người gắn bó suốt đời với biển. Bầu trời Sông Cầu ngày nắng đẹp xanh biêng biếc, cao lồng lộng. Có lần ba tôi nói: “Cứ mỗi khi trời xanh trong, nắng lên cao là ngày đó mặt biển cũng rất xanh, rất đẹp, báo hiệu một ngày đánh cá thuận lợi. Con hãy học cách nhìn trời, xem hướng gió để ra khơi”.

 

Xa xa, những dãy núi xanh thăm thẳm ôm trọn mặt biển hiền hòa. Trong lòng vịnh, những con tàu nằm nghỉ ngơi sau một đêm miệt mài đánh cá. Len lỏi khắp nơi là những hàng dừa xanh nghiêng mình trong nắng, bất chấp thời tiết của một vùng đất cát với cái nắng gay gắt, khắc nghiệt.

 

Sông Cầu không chỉ được biết đến như một nơi có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, độc đáo với các vịnh, đầm phong cảnh hữu tình mà còn là một vùng đất của dừa. Không biết từ bao giờ, cái tên xứ dừa đã gắn liền với mảnh đất này. Ở Sông Cầu, dừa là một trong năm loại cây kinh tế chủ lực, với tổng diện tích trồng ước đạt 1.094 ha, sản lượng đạt hơn 12.192 tấn/năm (số liệu thống kê năm 2010). Trên mảnh đất “kén” cây trồng này, dừa có mặt khắp nơi, gắn bó mật thiết với đời sống con người. Dừa là một loài cây dễ trồng, không kén đất, không đòi hỏi công chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, cây dừa lại hợp với thổ nhưỡng của mảnh đất này nên nó có sức sống mãnh liệt. Ông Nguyễn Đình Cầm viết trong sách địa dư Phú Yên: “Thổ nghi hạp đến nỗi quăng nghiêng thế nào dừa cũng mọc, cũng tốt. Cây nào cây nấy trái trĩu cả cây. Người ta bán non bán già mà trên cây dừa khi nào cũng có trái. Ở đây họ ít chăm cây dừa lắm: mỗi năm làm cỏ một lần, chết cây này, điền cây khác, cây chết dùng để lấy gỗ làm nhà…”.

 

Khi tôi còn nhỏ, mọi sinh hoạt của gia đình đều gắn liền với hàng dừa trước ngõ. Những buổi trưa hè nóng bức, mẹ mắc võng giữa hai cây dừa, ru tôi tròn giấc ngủ tuổi thơ. Ở tuổi lên 9 lên 10, lũ trẻ nghịch ngợm chúng tôi chơi trò cưỡi ngựa bằng tàu dừa, thi leo dừa, hái dừa… suốt ngày không biết chán. Khi lớn khôn, dưới gốc dừa, những đứa con gái e thẹn trong tà áo dài tinh khôi, thì thầm tâm sự về những tình cảm đầu đời hay ôn bài thi cuối cấp, đám con trai nghịch ngợm nấp sau những gốc dừa chọc ghẹo, trêu đùa. Tuổi thơ chúng tôi lớn lên bên những hàng dừa xanh, uống những trái dừa thơm lừng, ngọt ngậy.

 

Dừa là một loài cây khá đặc biệt, không chỉ ở sức sống mạnh mẽ, diệu kỳ, mà còn ở khả năng phục vụ đến tận cùng đối với đời sống của con người. Thật không ngoa khi nói cây dừa là cây của cuộc sống với hàng trăm công dụng. Không có loài cây nào có thể sử dụng triệt để như cây dừa. Bóng dừa che mát trong những trưa hè, nước dừa uống mát lạnh, cơm dừa để ăn, làm bánh, kẹo, làm kem, chế biến hàng chục loại thức ăn khác nhau, các mặt hàng than gáo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy, mứt dừa, dầu dừa, rượu dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa: giỏ dừa, thảm xơ dừa, chổi dừa, nệm dừa… và nhiều sản phẩm độc đáo khác. Có thể thấy, cây dừa cho con người việc làm, nuôi sống biết bao thế hệ ở mảnh đất này. Tôi nhớ có lần ba chỉ cho tôi hai cây dừa trước ngõ rồi nói: “Hai cây dừa này là do ông nội trồng khi bà mới sinh ba”. Đến nay mái tóc ba đã bạc, tôi đã khôn lớn trưởng thành nhưng hai cây dừa vẫn căng đầy sức sống, dõi theo từng bước trưởng thành của anh em chúng tôi và chứng kiến mọi sự đổi mới trên mảnh đất quê hương.

 

THIÊN NHIÊN ƯU ĐÃI

 

Không chỉ có dừa xanh, vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều với các sản vật như tôm, cua, cá, ghẹ, ốc, cá ngựa… Người dân của mảnh đất thanh bình, đẹp như tranh này qua bao đời sống bám vào biển, đầm, vịnh, thừa hưởng những sản vật phong phú nên con người luôn phóng khoáng, hiền hòa, chân chất. Khách đến Sông Cầu luôn ấn tượng với những cô gái hiền lành, thật thà; những chàng trai chân chất với đôi tay săn chắc, nồng nồng vị mặn của biển.

 

dua-110728.jpg

Cây dừa mang lại việc làm cho nhiều người dân Sông Cầu, đặc biệt là chị em phụ nữ - Ảnh: N.XUÂN

Sông Cầu quê tôi có nhiều tài nguyên. Mỗi năm người dân thu về hàng chục nghìn tấn tôm, cá các loại từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nơi đây có vịnh Xuân Đài rộng 13.000ha, là một thắng cảnh nổi tiếng. Cửa vịnh Xuân Đài rộng khoảng 4,4km, độ sâu vịnh từ 7-18m, bờ vịnh dài 50km chạy qua nhiều vùng địa hình khác nhau với những tên gọi gần gũi, thân thương: gành Đỏ, Vũng Lắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào, Bãi Ôm, Bãi Từ Nham, Hòn Móm, gành Bà, Bãi Tràm, Bãi Nồm… Dưới biển có nhiều loại hải sản, san hô và rong biển có giá trị cao. Nơi đây còn chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại như cuộc thủy chiến giữa quân Tây Sơn với nhà Nguyễn (1775 - 1801); tàu hải quân của quân đội Nhật Hoàng bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh Xuân Đài trong thế chiến thứ hai... Đến nay, dân gian vẫn lưu truyền hai câu ca dao:

 

“Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài

Thấy hai ông súng nằm dài trong truông”

 

Đầm Cù Mông rộng 2.655ha, trong đó có vô số loại hải sản nổi tiếng. Khách đến quê tôi thưởng thức hải sản luôn xuýt xoa vì vị thơm, ngọt ngậy của ghẹ, tôm, cá. Ghẹ Sông Cầu luôn được thực khách đánh giá cao vì thịt ghẹ rất tươi, chắc thịt, ngọt ngậy, thơm lừng. Bên cạnh đó, người Sông Cầu làm muối chấm hải sản thì không đâu ngon bằng. Muối chấm luôn phải có sự kết hợp tài tình giữa vị mặn của muối, vị ngọt của đường, cay của ớt, chua chua của chanh, vị béo của sữa, tạo nên một hỗn hợp nước chấm hải sản tuyệt vời. Ở đây còn có một đặc sản mà bất cứ quý ông nào cũng quan tâm, đó là cá ngựa. Cá ngựa Sông Cầu ngâm với rượu Bầu Đá hay rượu Quán Đế là một đặc sản đã theo du khách đi khắp mọi miền đất nước.

 

Đến Sông Cầu vào các buổi chiều hè, tới các quán ăn ven biển hay những quán nổi dọc đầm Cù Mông thưởng thức hải sản là một thú vui của người địa phương và du khách. Một người bạn từ TP Hồ Chí Minh trong một lần ra thăm Sông Cầu đã thốt lên: “Cuộc sống nơi đây thật tuyệt! Phong cảnh đẹp, thức ăn ngon, thời tiết ôn hòa, con người hiền hòa, phóng khoáng”.

 

Tuy vậy, người dân Sông Cầu quê tôi cũng còn nhiều nhọc nhằn. Khó khăn của người dân làng chài suốt đời phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, đôi khi còn đánh đổi cả tính mạng của mình. Khó khăn của người nông dân “đánh vật” với những cánh đồng nhiễm mặn, của những diêm dân một nắng hai sương quanh năm vất vả với ruộng muối mà chỉ cần một trận mưa là công lao bao ngày lao động đành bỏ bể… Khó khăn còn nhiều lắm, nhưng người dân quê tôi vẫn lạc quan và tin tưởng đến một ngày gần nhất, Sông Cầu sẽ lột xác, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một điểm đến của du khách… Vừa qua, vịnh Xuân Đài được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và được bầu chọn là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Tự hào thay quê hương Sông Cầu!

 

TRỌNG ĐÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek