Thứ Bảy, 21/09/2024 17:55 CH
Công lao đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 11/07/2011 07:56 SA

Thời kỳ đầu tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ - ngụy là hai lực lượng chiến lược quan trọng, sang đến đầu năm 1969, tổng quân Mỹ ở miền Nam tăng lên 60 vạn quân chư hầu và hơn nửa triệu quân ngụy là công cụ chủ yếu để thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Nội dung Việt Nam hóa chiến tranh nhằm 3 mục tiêu: “Chiến tranh giành dân, chiến tranh hủy diệt, chiến tranh bóp nghẹt”. Chúng tìm cách “bình định” cho được nông thôn, thiết lập hệ thống vũ trang cơ sở, đào tạo tổ chức cho chính quyền phản động, tạo cơ sở xã hội vững chắc, chúng chủ trương bỏ tiền mua lại ruộng đất của địa chủ, đem bán cho một gia đình nông thôn khá giả, đưa kỹ thuật canh tác mới vào đồng ruộng, tạo ra năng suất cao. Làm như vậy chúng vừa có điều kiện thu lãi tiền bán máy móc, phân bón, sử dụng máy móc và phương tiện mới đều phải luôn luôn phụ thuộc vào Mỹ, trở thành cơ sở xã hội của chủ nghĩa thực dân mới. Chúng còn thực hiện chính sách tư sản hóa một số đông sĩ quan ngụy, phản động hóa lực lượng thanh niên nhằm đẩy họ vào con đường tội lỗi, chống phá cách mạng.

 

Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” chúng đánh phá ta về quân sự, chính trị lẫn kinh tế. Mức độ phá hoại cao hơn cả những chiến dịch tố cộng, diệt cộng thời Ngô Đình Diệm. Để thực hiện chiến lược phản động trên, chúng dùng nhiều hình thức chiến thuật, chia ra nhiều giai đoạn bằng nhiều phương pháp khác nhau như: “Bình định cấp tốc”, “Bình định đặc biệt”, “Bình định nước rút”. Chúng đánh ta có trọng điểm, trọng tâm. Các đoàn “bình định” được trang bị nhiều loại vũ khí gọn nhẹ, tinh xảo, nhằm rình mò, phát hiện, xây dựng điệp ngầm theo dõi lực lượng ta và gia đình có con em tham gia kháng chiến. Địch tuy lắm mưu thâm kế độc, nhưng ta cũng có cách để loại trừ. Với tinh thần chính nghĩa lòng dân và với tinh thần cảnh giác ta nhất định sẽ đánh bại bọn chúng.

 

Để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới, từ ngày 5 đến ngày 11/12/1968, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ 3 tại rừng “Bốn chống” có đồng chí Công Tâm, Thường vụ Khu ủy Khu 5 về dự. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu: Giành dân là cái trục toàn bộ vấn đề. Tập trung sức phát động quần chúng đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, làm trong sạch nội bộ quần chúng, nội bộ cán bộ cơ sở, trong sạch địa bàn… Đại hội bàn biện pháp cương quyết chống sự khống chế về tư tưởng của địch đối với nhân dân, kiện toàn tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, ra sức xây dựng 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) nhằm đủ sức đánh bại âm mưu thủ đoạn mới của địch, nâng cao lập trường cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh phức tạp này, đề phòng viên đạn bọc đường của địch.

 

Ngày 3/2/1969, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên, tỉnh Phú Yên tổ chức Đại hội chính trị hiệp thương bầu Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh gồm 7 thành viên, do đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch, đồng chí Cao Xuân Thiêm và đồng chí Bá Nam Trung (người dân tộc) làm Phó Chủ tịch. Suốt cả năm 1969, lực lượng địch trên chiến trường toàn tỉnh còn đông, bọn lính Nam Triều Tiên giữ vai trò xung kích, Lữ đoàn dù Mỹ 173 vẫn thường xuyên lai vãng tại căn cứ Đông Tác. Bọn lính ngụy liên tiếp tổ chức các cuộc lùng càn, khắp các vùng nông thôn và ven thị trấn, thị xã. Bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên thì tổ chức càn lùng bên ngoài. Các trận địa pháo chúng bố trí ở thị xã, Phú Tân, Hảo Sơn, Đồng Tre, La Hai. Pháo địch thường hướng về các xã miền Tây vì chúng nghi có lực lượng bộ đội ta nên chúng thay nhau bắn phá suốt ngày đêm. Mặt khác, chúng ra sức dồn dân bắt lính, chúng thúc ép thanh niên vùng chúng kiểm soát tập luyện quân sự, truy tróc những gia đình bị tình nghi, tiếp tục xúc bắt dân, triệt hạ xóm làng, đốt phá vơ vét tài sản, kêu gọi chiêu hồi. Chúng gài mìn nổ chậm và phục kích khắp vùng giáp ranh giữa đồng bằng với miền núi để ngăn chặn cán bộ, bộ đội xuống mua hàng hóa, lương thực…

 

Tháng 1/1970, bọn lính Nam Triều Tiên tổ chức đổ bộ càn quét nhiều buôn làng ở Sơn Hòa và miền Tây. Chúng thảm sát nhiều buôn làng nhất là ngày 2/10/1970, địch xả súng thảm sát 72 đồng bào dân tộc buôn Ma Tảng tại hòn núi Lỡ, xã Phước Tân. Để trả thù cho đồng bào, lực lượng miền Tây và Sơn Hòa phối hợp dội lửa vào quận lỵ Củng Sơn, ta diệt 2 đại đội bảo an, phá 2 khẩu pháo 105 ly, đánh thiệt hại nặng một trung đội bảo vệ sân bay, diệt gọn bọn địch chốt giữ ở đồn Cà Lúi (xã Krôngpa), đưa đại bộ phận quần chúng bị địch dồn về làng cũ.

 

Tháng 2/1970, Đại hội Đảng bộ huyện miền Tây được tổ chức tại buôn Ma Lố, xã Phước Tân. Tại đại hội, đồng chí Ma Noa được bầu làm Bí thư Huyện ủy, thay cho đồng chí Bá Nam Trung được cấp trên cho ra Bắc chữa bệnh.

 

(Còn nữa)

VĂN CÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek