Thứ Bảy, 21/09/2024 18:08 CH
Công lao đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 08/07/2011 08:00 SA

Anh em lực lượng bộ đội tỉnh, bộ đội địa phương huyện động viên nhau: Tình thế này “tự lực cánh sinh không trông chờ chủ lực” dân mình đất mình, địa phương mình, mình phải tự giải quyết, tự lo liệu, nếu trông chờ ỷ lại thì sẽ thụ động.

 

Trong lúc bọn địch có sẵn phương tiện cơ động như máy bay các loại, bọn Mỹ chẳng ngại qua sông, qua suối mặc dù mùa mưa đã tới. Cuộc hành quân “A đam” của chúng bắt đầu sáng 26/10/1966. Từng đoàn máy bay chiến đấu, hàng chục tiểu đoàn gồm lực lượng hỗn hợp: Lữ đoàn dù 101 Mỹ, Sư đoàn 4 Mỹ mang quân hiệu “Tia chớp nhiệt đới”; sư đoàn bạch mã Nam Triều Tiên… tập trung hỏa lực đổ quân xuống các xã Sơn Định, Sơn Long, An Lĩnh, Phước Tân, Sơn Hội, Cà Lúi (miền Tây). Đại bản doanh cuộc hành quân của chúng đóng tại Vân Hòa, Suối Phèn (Sơn Long). Mặc dù đất cát lầy lội, chúng vẫn nằm lỳ hơn nửa tháng trời. Máy bay trực thăng chở cả xe jeep đổ xuống để cho bọn chỉ huy chỉ đạo cuộc hành quân. Chúng bắn phá, càn quét khắp nơi. Bên cạnh bọn lính Mỹ còn có bọn lính Nam Triều Tiên chuyên lùng sục càn quét cướp bóc, hãm hiếp, mỗi tên cầm một cây sắt nhọn đầu thọc xuống đất hết chỗ này đến chỗ khác để phát hiện kho ngầm và chỗ ở của cán bộ, chúng lật từng tảng đá, đào từng gốc cây, phá từng bụi rậm để phát hiện nơi ăn ở của cán bộ và bộ đội ta.

 

Cơ quan tỉnh, huyện nằm sát chân Hòn Lúp, Suối Phèn, Giếng Nghị, Trại Cháy, Vân Hòa (Sơn Long). Anh em cán bộ, bộ đội vẫn bám trụ suốt ngày đêm. Chúng hành quân đến bất cứ nơi nào, chúng ta đều đoán trước được. Địch lùng càn lối này ta lánh đi lối khác. Miền đất Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa và miền Tây, có thể nói là cái túi chứa bom đạn. Đối với miền Tây quân địch ít lùng càn, không dám thọc sâu vào rừng, chỉ dùng bom đạn dội xuống buôn làng, rừng rẫy suốt ngày không sót một chỗ nào. Trong cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ 2 (1966-1967), chúng tiếp tục thực hiện chính sách “tam quang”: cướp sạch, đốt sạch, phá sạch. Chúng dồn hết dân vùng giáp ranh đồng bằng vào các ấp chiến lược, vào vùng ven thị trấn, thị xã. Đối với miền núi chúng dồn vào các ấp Phước Lãnh, Đồng Tre, Ba Bảng, Tịnh Sơn, Mả Vôi, Sơn Hà… chúng biến vùng giải phóng và miền Tây thành vùng trắng để thử nghiệm các loại vũ khí tối tân.

 

Đầu tháng 3 năm 1967, địch mở cuộc hành quân mang tên Đống Đa, hướng càn quét vẫn là Tuy An, Sơn Hòa, miền Tây và phía tây Tuy Hòa 2. Đợt càn này ngoài lực lượng Mỹ và Nam Triều Tiên, địch tăng cường thêm Trung đoàn 47 ngụy. Chúng đi đến đâu đốt phá, bắn giết dã man đến đó. Những vùng xa xôi, hẻo lánh không hành quân bộ được thì chúng dùng trực thăng đổ quân trên các đồi cao hoặc dùng phi pháo ồ ạt trút bom đạn xuống nhiều nơi như vùng Thồ Lồ, Ma Dú, Phước Tân, Hòn Nhọn, Cà Lúi.

 

Cuối tháng 3/1967, cuộc hành quân Đống Đa của địch kết thúc, dân các vùng giải phóng bị địch xúc tát đưa vào ấp chiến lược gần hết, nhất là đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc ở các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Sơn Phước, Đá Mài… Tháng 4/1967, Lữ đoàn 173 của Mỹ đổ quân đóng ở phía nam Hòn Lúp tổ chức càn quét, lùng sục, đánh phá suốt 45 ngày đêm. Từ đó đến tháng 7/1967 địch không sử dụng lực lượng lớn mà đổ quân có tính chất lẻ tẻ từ 1 đến 2 tiểu đoàn, chủ yếu là sử dụng pháo binh. Lữ đoàn 173 Mỹ rút đi thì bọn lính Nam Triều Tiên đến thế chân. Bọn lính Nam Triều Tiên rút về cứ điểm thì bọn lính ngụy thay thế đánh phá vùng giải phóng suốt ngày đêm. Song song với hành động đánh phá bằng quân sự, kẻ địch còn dùng chính sách chiêu hồi, phát triển gián điệp, đánh đòn chiến tranh “tâm lý” nhằm làm cho quần chúng hoang mang dao động mất ổn định cuộc sống, giảm lòng tin đối với cách mạng, nhất là thủ đoạn gây chia rẽ mất đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh. Những âm mưu thủ đoạn thâm độc của chúng, không phải là không đạt được kết quả vì cuộc sống quá gian khổ ác liệt nên một số ít quần chúng nhẹ dạ, chịu đựng không nổi bom đạn phải vào ấp chiến lược.

 

Về phía ta, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, trên cơ sở lực lượng tại chỗ biết sử dụng tối đa ba thứ quân, kết hợp đấu tranh chính trị với binh vận, cán bộ ta bám sát dân, phát động quần chúng đấu tranh buộc địch phải nhượng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, tạo nguồn lương thực tại chỗ, tạo thế đứng chân cho lực lượng vũ trang và du kích, đồng thời tìm cách vận động bà con bị địch dồn vào ấp chiến lược trở về làng cũ. Đối với đồng bào miền núi lúc này điều kiện thuận lợi hơn đồng bào Kinh là dựa vào núi rừng, nương rẫy để trú ẩn lánh địch, để chống địch và phục vụ bộ đội. Một số dân sau khi địch giảm bớt cường độ càn quét, đánh phá đã tìm cách trở về buôn làng cũ. Số đồng bào các vùng Cà Lúi, Sơn Phước, Suối Trai, Hòn Nhọn bị địch tập trung vào khu vực Củng Sơn, hai bên đường số 7, khu căn cứ Đồng Tre, Cầu Cháy, Mả Vôi, Phú Đức… ta đã tìm mọi cách liên lạc được với cơ sở cách mạng ở trong ấp, tổ chức đấu tranh trực diện với địch, buộc chúng nới lỏng kìm kẹp cho đồng bào về làng cũ thăm dòng họ, bà con, nhờ vậy mà thoát khỏi ách kìm kẹp của địch trong ấp.                                                  

 

(Còn nữa)

 

VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek