Thứ Bảy, 21/09/2024 16:39 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”
Gìn giữ cho muôn đời sau
Thứ Hai, 25/07/2011 18:00 CH

Phú Yên có nhiều điệu lý, câu hát ru, dân ca, hò vè và đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống… Nhưng theo thời gian, những vốn cổ quý hiếm này đang mai một dần.

 

choi-110725.jpg

Hội bài chòi được tổ chức tại Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo - Ảnh: P.C.LÊ

KÝ ỨC

 

Đã qua cái tuổi bát tuần, nhưng bà Sáu Tiệp (thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) vẫn còn minh mẫn và nhớ rất nhiều bài hát ru đặc trưng của Phú Yên. Mỗi khi giọng bà cất lên, như có một làn gió nhẹ thổi qua, một dòng sữa ngọt đang chảy: Một mai ai chớ bỏ ai/Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim… Không chỉ hát ru, bà Sáu Tiệp còn hát giao tình, hò khoan, đối đáp... Ẩn chứa trong bà là cả một kho những câu hát cổ xưa mà chỉ cần khơi gợi lại thì nó lập tức tuôn chảy như không bao giờ dứt.

 

Bà Sáu kể, hồi còn ở tuổi mười lăm, mười sáu, vào những đêm trăng thanh, gió mát, trai gái trong làng thường rủ nhau hát đối đáp, hò khoan trong lúc giã gạo, đập lúa… rất vui. Ở làng Nho Hạnh Lâm (Hòa Quang Nam) có một thanh niên đàn, hát rất hay và có biệt tài hò đối đáp nên nhiều người gọi là “thầy” hò. Nhóm hát đối nào mà có “thầy” tham gia là coi như cầm chắc phần thắng. Nghe chàng trai này hò, hát nhiều cô gái đã đem lòng nhớ thương và không ít cô mắc bệnh tương tư. Người vợ sống đến cuối đời với “thầy” là một trường hợp như thế. Cả hai chị em bà đều xinh đẹp và cùng đem lòng yêu “thầy” hò. Nhưng số phận đã sắp đặt cho người chị, nên bà quyết ở vậy không chịu lấy chồng. Sau này, khi người chị vì bạo bệnh qua đời bà mới nối tiếp… “tình chị duyên em”.

 

Tôi đã gặp ông “thầy” hò này vào năm tỉnh Phú Yên tái lập. Khi ấy đã gần 90 tuổi, mắt mờ chân yếu nhưng chiều chiều hay những lúc cao hứng, ông vẫn ngồi kéo đàn cò và hát hàng giờ liền không biết mệt. Cụ bà (trẻ so với ông hơn một giáp) vẫn chung thủy ngồi nghe ông đàn, hát mỗi ngày, nhất là những câu hát thuở nào: Gió xuân phảng phất ngọn tre/ Này anh, này chị lắng nghe tôi hò. Hoặc: Đêm trăng mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?… Theo “thầy” hò, tuy chỉ ở cách nhau một dòng sông (Đà Rằng), hay một ngọn núi (bên này với bên kia đèo) nhưng lối hát đối đáp, hò khoan cũng có những khác biệt nhất định, chỉ cần nghe qua là biết giọng nào, Nam hay Bắc. Hát ru cũng vậy. Tuy cũng “ơ… hời…”, nhưng tùy theo từng câu ca và tùy từng ngữ cảnh, tâm trạng mà người ru có sự biểu cảm, luyến láy, ru “hời” khác nhau. “Ngày trước, không có một đứa trẻ nào lớn lên mà không được mẹ hoặc bà ru ngủ bằng những câu hát ngọt ngào. Cũng không có một người con trai, con gái nào trước khi nên duyên chồng vợ mà chưa một lần được hát đối đáp, giao duyên”- “thầy” hò khẳng định. Sau đó ít năm thì ông về nơi chín suối, mang theo cả một kho câu hát đối đáp, hò khoan, dân ca… chưa kịp truyền lại cho con cháu.

 

Gần nhà bà Sáu Tiệp, phía đối diện bên kia đường có bà Bảy Lủn cũng một thời nổi tiếng về hò khoan, hát đối đáp và dân ca bài chòi… Dạo đó, khi tôi đến nhà thì bà đang bệnh nặng, nằm chèo queo trên chiếc võng trân thô ráp, hơi thở yếu ớt. Nhưng thật diệu kỳ! Mặc dù nói chẳng ra tiếng nhưng khi chúng tôi bật băng catssete, giọng của “thầy” hò phát ra được một lúc, bà liền khe khẽ hò theo hết bài này đến bài khác. Không chỉ hát, bà còn giảng giải đâu là câu của nam, đâu là câu của nữ; mới gặp nhau lần đầu thì hát chào thế nào, chia tay thì hát tạm biệt ra sao… Bà cho biết, hát đối đáp là loại hình sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân Phú Yên những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Ra đồng cày cấy hay gặt lúa thì hát rập, hát đối (hát đố). Đêm đến, đem lúa ra đập hay đem lúa ra giã thì hò giã gạo hoặc hát giao tình, hát trao duyên

 

THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG

 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược, dù khó khăn, gian khổ nhưng không vì thế mà tiếng hát, lời ca của người dân Phú Yên mất đi. Đặc biệt, trong thời kỳ chống Mỹ, mặc dù thiếu thốn trăm bề, kể cả nhân lực, vật lực, nhưng ngoài đoàn Dân ca, tỉnh còn thành lập cả đoàn Tuồng để phục vụ kháng chiến và nhu cầu bức thiết của nhân dân. Nhờ đó, đời sống tinh thần của cán bộ và nhân dân vùng giải phóng được nâng lên, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội, du kích ra trận. Cũng chính tiếng hát đã động viên tinh thần nhân dân, sớm khắc phục khó khăn, ra sức xây dựng quê hương đất nước sau khi hai miền Nam - Bắc thống nhất. Trong những năm 1980, phong trào ca hát ở tỉnh phát triển rất mạnh. Gần như xã nào cũng có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, có nơi còn thành lập đoàn, tổ chức đi lưu diễn khắp nơi, như Hòa Hiệp, Hòa Bình, Hòa Tân… của huyện Tuy Hòa (cũ). Đoàn tuồng Thống Nhất và Đoàn dân ca kịch của tỉnh Phú Khánh cũng hoạt động rất mạnh trong thời gian này.

Sau khi Phú Yên trở lại với tên gọi cũ, ngoài Đoàn ca múa nhạc Sao Biển được thành lập, trên địa bàn tỉnh mặc dù không có một đoàn nghệ thuật nào còn hoạt động để chuyển tải các giá trị của văn hóa truyền thống nhưng ở từng địa phương vẫn có những đội, nhóm câu lạc bộ hoạt động. Đặc biệt, năm 1992, ngành Văn hóa tỉnh gây tiếng vang lớn khi giành nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại Liên hoan Hát ru toàn quốc lần thứ I, được tổ chức tại TP Huế. Tiếp đó, năm 1993, cũng tại Huế, Phú Yên lại giành thêm nhiều huy chương tại Liên hoan Đàn, hát dân ca. Những làn điệu dân ca, hát ru, hát giao duyên của Phú Yên được cả nước biết đến qua liên hoan và sóng phát thanh, truyền hình.

 

Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt của nhiều loại hình giải trí, khiến thế hệ trẻ xa rời các giá trị văn hóa truyền thống. Những câu hò, điệu lý là vốn quý của cha ông cứ theo thời gian mai một dần, ít người biết đến. Nhiều bà mẹ trẻ không thuộc nổi một câu hát ru để vỗ về giấc ngủ cho con mà thay vào đó là các bài ca mới, disco, hip hop…

 

Để góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), từ năm 2006, Chi hội Sân khấu (Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên) đã thành lập các câu lạc bộ Đàn, hát dân ca - Nẫu ca, tuồng, bài chòi. Những buổi sinh hoạt miễn phí của các câu lạc bộ đã dần thu hút được người xem, người nghe trong đó có khá đông giới trẻ. Cùng với “đưa sân khấu vào học đường”, tổ chức “Đêm hội hoa đăng hướng về cội nguồn” vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, đêm thơ Nguyễn Bính, đêm thơ Văn Công…, hàng năm, vào ngày 12/8 âm lịch, bằng hình thức xã hội hóa, Chi hội Sân khấu phối hợp tổ chức Giỗ tổ Sân khấu gắn với trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng, bài chòi, cải lương… Một số nhân vật lịch sử của địa phương như Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương… được xây dựng bằng hình tượng nghệ thuật truyền thống, bước ra sân khấu, đến với quần chúng nhân dân.

 

Không chỉ ở TP Tuy Hòa, tại các địa phương, nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được tổ chức. Câu lạc bộ Tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa) tổ chức dàn dựng, biểu diễn phục vụ nhân dân tất cả các xã trong huyện vào dịp tết cổ truyền và tham gia liên hoan cấp tỉnh. Các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân tranh thủ các nguồn kinh phí khôi phục các đội, các dàn cồng chiêng, a ráp phục vụ các lễ hội truyền thống và tích cực tham gia ngày hội văn hóa ở tỉnh, khu vực… Bằng niềm đam mê cuồng nhiệt, các anh Mai Hoàng (TP Tuy Hòa), Bình Thảng (huyện Đông Hòa) đã mở nhiều lớp dạy đàn, dạy hát dân ca miễn phí cho lớp lớp thanh thiếu niên; anh Phùng Long Ẩn (huyện Tuy An) cùng các thành viên trong CLB Hội bài chòi tổ chức hàng chục lượt điểm trong và ngoài huyện phục vụ hàng ngàn người dân thưởng thức, tham gia trò chơi dân gian độc đáo này… Điều đặc biệt đáng mừng là hầu hết các hoạt động trên đều có sự tham gia, cổ vũ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị cách mạng lão thành cùng đông đảo công chúng yêu mến nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Trong những lần tham gia đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều bày tỏ sự quan tâm về việc lưu giữ và phát huy vốn quý nghệ thuật của dân tộc, địa phương, mở ra nhiều hứa hẹn và niềm tin về khôi phục, gìn giữ các bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống để truyền lại cho muôn đời sau. Một điều đáng mừng nữa là Trường Đại học Văn hóa - nghệ thuật Quân đội đang cùng với tỉnh hoàn thiện các thủ tục để mở phân hiệu tại Phú Yên, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành văn hóa nghệ thuật tại địa phương và các tỉnh lân cận, trong đó có nghệ thuật truyền thống; là cơ sở để xây dựng Trường Đại học Văn hóa - nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ tại Phú Yên trong tương lai. Cùng với cả nước, Phú Yên đang rộng cửa để đón khách quốc tế đến đầu tư, hợp tác làm ăn và giao lưu văn hóa. Chắc chắn những vị khách nước ngoài, nếu có nhu cầu họ sẽ rất thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Vì vậy, nếu tỉnh có sự đầu tư, quan tâm đúng mức thì các giá trị văn hóa truyền thống sẽ sớm được khôi phục lại, có thể đưa ra giới thiệu với khách nước ngoài nhằm thu hút đầu tư, phát triển văn hóa du lịch…

 

PHAN CHÍ LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek