Thứ Bảy, 21/09/2024 18:09 CH
Công lao đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 06/07/2011 07:58 SA

Bộ Tư lệnh Quân khu V bàn với Tỉnh ủy chủ trương mở chiến dịch Đông Xuân vào ngày 23/10/1965 tấn công vào các hướng chủ yếu là Tuy Hòa 1, Tuy An. Để phối hợp nhịp nhàng với đồng bằng, đồng bào miền núi hai huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa huy động toàn dân đào hầm chông, bố trí cạm bẫy trong rừng và các đường mòn tổ chức lực lượng dân quân du kích thay nhau canh gác bảo vệ buôn làng và các cơ quan dân chính Đảng ở miền Tây, động viên thanh niên, phụ nữ dân công phục vụ bộ đội: gùi súng đạn, dẫn đường. Bám chặt những đoạn đường mà địch thường lui tới để báo tin cho bộ đội như ở đườnc số 7, 6, chi khu Phú Đức, Tuy Bình, Đồng Cam, Thành Hội… quần chúng kéo đến quận lỵ Củng Sơn đòi địch thành lập chợ Cây Đa và Ngân Điền nhằm thu hút đồng bào dân tộc từ Củng Sơn xuống Tuy Bình để trao đổi mua bán. Sau hai đợt tấn công địch ở huyện Tuy Hòa 1 và Tuy An kết thúc, trong chiến dịch Thu-Đông quân ta đánh quỵ Trung đoàn 47 và 41 ngụy. Ta diệt và bắt hàng trăm tên tề địch, phá hàng trăm khu dồn, vùng giải phóng được mở rộng, buộc quân địch nằm cố thủ trong các vị trí đóng quân. Các buôn làng dân tộc hầu hết trở về buôn làng cũ sản xuất và chống địch.

 

Thời kỳ 1959-1965, là thời kỳ lịch sử chuyển tiếp có ý nghĩa chiến lược quan trọng từ phương thức đấu tranh bí mật, thầm lặng bám dân, nhen nhóm xây dựng phong trào cách mạng chuẩn bị điều kiện khi có thời cơ ta chuyển sang thế chủ động tiến công tiêu diệt địch từng đơn vị nhỏ, tiến lên đánh địch tiêu diệt và làm tan rã hàng tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực địch, trên một địa bàn rộng lớn mở ra từng mảng dân cư. Trong đó phải nói rằng địa bàn miền núi là địa bàn chiến lược đã chịu đựng và kiên cường bám trụ chống địch suốt từ 1959-1965 vẫn không hề chùn bước.

 

Trên cơ sở đường lối, phương châm, phương pháp của Đảng ta và sự vận dụng của Tỉnh ủy vào mỗi địa phương, mỗi đơn vị cá nhân sáng tạo, linh hoạt, biết nắm thời cơ, biết vận dụng phương pháp phối hợp chặt giữa đồng bằng với miền núi, biết chủ động đối phó với mọi âm mưu của địch, làm cho kẻ địch luôn luôn bị hạn chế tác dụng và không thể khống chế được đồng bào các dân tộc miền Tây.

 

Các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên tham gia chiến đấu chống chiến tranh cục bộ (1966-1968)

 

Sau khi chiến tranh đặc biệt bị phá sản, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chế độ ngụy quyền tay sai, Mỹ thay thế bằng chiến lược chiến tranh cục bộ với phương châm “tìm diệt” và “bình định”, thực hiện hai gọng kìm nhằm tiêu diệt chủ lực ta và ổn định hậu phương của chúng. Đồng thời, Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

 

Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam một đội quân viễn chinh sừng sỏ, mở đầu bằng cuộc tiến công chiến lược mùa khô thứ nhất (cuối 1965-1966). Phú Yên phải đương đầu, đọ sức với một trong 5 “mũi tên” cực mạnh của đế quốc Mỹ phóng ra cùng một lúc trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Huyện Tuy Hòa là một trong những điểm đánh phá của chúng. Quân dân Phú Yên lần này phải đánh cả Mỹ, ngụy và bọn chư hầu.

 

Hiện tượng Mỹ chuẩn bị chiến tranh lớn để cứu Ngụy không phải Tỉnh ủy không dự kiến trước. Chỉ thị trên cho biết chiến tranh cục bộ của Mỹ nêu ra mục tiêu tìm diệt với 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1: Cứu quân ngụy khỏi thua năm 1965. Giai đoạn 2: Tiêu diệt lực lượng quân sự đối phương và bình định nông thôn miền Nam trong 6 tháng đầu năm 1966. Giai đoạn 3: Từ một năm đến một năm rưỡi tiêu diệt hết lực lượng quân sự địa phương còn sót lại trong các khu căn cứ, sau đó tiến hành làm chủ miền Nam, quân Mỹ, quân chư hầu rút về nước.

 

Đến tháng 12/1965, quân viễn chinh và chư hầu là 18 vạn, quân ngụy 52 vạn, lực lượng không quân có 2.118 chiếc máy bay các loại, 200 tàu chiến. Ở chiến trường Phú Yên có 5 tiểu đoàn Mỹ, 7 tiểu đoàn quân chư hầu gồm Nam Triều Tiên, 1 tiểu đoàn công binh Úc. Chúng ra sức xây dựng căn cứ liên hợp quân sự Đông Tác, hệ thống kho xăng dầu Vũng Rô, hà hơi tiếp sức lên dây cót cho trung đoàn ngụy 47. Quân và dân Phú Yên đứng trước thử thách khốc liệt đương đầu với kẻ địch có phương tiện chiến tranh hiện đại nhiều gấp nhiều lần.

 

Mở đầu cuộc càn quét lớn, tạo bàn đạp cuộc hành quân Van bua ren từ ngày 26 đến ngày 30/12/1965. Chúng đánh vào miền Đông Tuy Hòa, từ ngày 1 đến ngày 15/1/1966 chúng tăng thêm quân tiếp tục càn miền đông: Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh. Trận càn miền Đông Tuy Hòa là sự báo hiệu cho chúng ta biết trước để chủ động đối phó với chiến tranh cục bộ sắp diễn ra ở Phú Yên với chiến thuật 5 mũi tên. Đúng như dự kiến, sáng ngày 19/1/1966 Mỹ bắt đầu mở cuộc phản công ồ ạt đánh phá huyện Tuy Hòa. Chúng đánh phá suốt 2 tháng liền. Trước sự đánh phá ác liệt của địch, một bộ phận quần chúng bám lại địa phương, một bộ phận khác tản cư ngược lên miền núi (xã Sơn Thành, Hòn Nhọn thuộc miền Tây)

 

(Còn nữa)

VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek