Thứ Bảy, 21/09/2024 17:43 CH
Công lao đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 05/07/2011 07:51 SA

Bước vào xuân hè 1965, quân dân toàn miền Nam liên tục tấn công địch trên khắp các chiến trường, chiến tranh đặc biệt do Mỹ phát động bị phá sản. Tỉnh Phú Yên lúc này là một trong những tỉnh có vùng giải phóng rộng nhất. 3/4 diện tích đất đai, 2/3 dân số thuộc chính quyền cách mạng quản lý. Bọn địch chỉ còn giữ được các chi khu, quận lỵ, một vài cứ điểm và thị xã Tuy Hòa. Chúng ngày đêm lo phòng thủ, sợ Việt cộng tấn công bất ngờ, không dám đi lùng càn như trước nữa.

 

Phía ta, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, du kích xã đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Số thanh niên rút ra được tỉnh chi viện một số cho tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và Quân khu. Có sự chi viện của miền Bắc nên vũ khí đạn dược được trang bị khá đầy đủ. Các chi bộ Đảng, các đoàn thể quần chúng, lực lượng tự vệ được củng cố và phát triển. Miền Tây lúc bấy giờ ngoài việc chuẩn bị đánh địch và đề phòng địch càn quét thì công việc sản xuất tự túc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Chủ trương của tỉnh là biến miền Tây thành một kho sắn, ở đâu có dân, có cơ quan, đơn vị ở đó phải trồng sắn. Một số cơ quan phải lên miền Tây xây dựng và ở lâu dài như bệnh viện, bệnh xá Dân Chính Đảng tỉnh, bệnh viện trạm xá quân đội, trại tù hàng binh, trại thương bệnh binh, các kho tàng, các cơ sở may trang phục cho lực lượng, các cửa hàng thương nghiệp, các điểm sản xuất… cùng với dân địa phương ra sức xây dựng và phát triển. Từ đó, về mặt trận sản xuất thì từ Suối Phẫn, Lạc Đạo, Hà Roi, Cà Lúi, Phước Tân, Ma Zú, Thồ Lồ… đều trở thành những kho dự trữ lương thực đề phòng địch càn quét đánh phá.

 

Cao trào giải phóng đồng bằng phát triển mạnh mẽ từ cuối năm 1964 đến cuối 1965 đã tạo thêm thế, thêm lực cho Phú Yên. Thời gian tương đối thuận lợi gần một năm, Phú Yên có nhiệm vụ phải chi viện một phần cho Khánh Hòa, một phần cho Đắk Lắk.

 

Con đường từ Hòa Thịnh (Tuy Hòa), Sông Hinh đi dốc Mõ, dốc Chanh, Hốc Chìm… mang vác hàng trăm tấn gạo và nhu yếu phẩm lần lượt ngày đêm chi viện cho tỉnh bạn ở Bắc Khánh. Đồng thời còn có trách nhiệm chi viện cho chiến trường đông Tây Nguyên.

 

Để chi viện cho chiến trường Đắk Lắk, Phú Yên vừa lo cho bản thân mình, đồng thời phải lo một phần cho bạn. Phú Yên phải huy động hàng ngàn dân công khắp các vùng giải phóng ở đồng bằng và các xã miền núi để vận chuyển gạo, muối lên chiến trường đông Tây Nguyên suốt hai tháng liền (tháng 3 và tháng 4 năm 1965). Xuất phát từ Vân Hòa (Sơn Long) lên đến làng Êanu (Cheo Reo), xã Bầu Bèng lúc bấy giờ là địa bàn hành quân của dân công cả người lẫn ngựa. Chiến dịch Thuận Mẫn kết thúc, Trung đoàn chủ lực số 10 (Trung đoàn Ngô Quyền) sau khi tham gia đánh địch ở Đắk Lắk, được Quân khu điều động xuống Phú Yên, đứng chân tại vùng núi miền Tây và Sơn Hòa. Trung đoàn trưởng là đồng chí Cự; Trung đoàn phó là đồng chí Lâm, đồng chí Vinh là chính trị viên. Lực lượng của Trung đoàn hơn một ngàn tay súng. Vậy là trên địa bàn Phú Yên có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Ngoài Trung đoàn chủ lực Ngô Quyền, còn có Tiểu đoàn 40 vào Phú Yên từ đầu 1961. Trung đoàn chủ lực đứng chân ở vùng miền Tây và Sơn Hòa. Bọn địch ngửi hơi nắm tin, chúng biết chủ lực “Bắc Việt tràn vào Phú Yên dày đặc” chúng kháo nhau “kiểu này chắc không có đất dung thân.Việt cộng có thể đánh tới thị xã… phải cảnh giác vùng giáp ranh và miền Tây Phú Yên”.

 

Trung tuần tháng 7 năm 1965, Thường vụ Tỉnh ủy họp có đồng chí Hồng Châu, Bí thư liên tỉnh 3, đồng chí Năm Huề - Bí thư Tỉnh ủy và đại diện phân khu nam về dự. Đây là cuộc hội nghị mở rộng gồm các bí thư huyện, thủ trưởng một số ban, ngành trong tỉnh được mời tham gia góp ý kiến. Nội dung cuộc họp nhằm đánh giá, nhận định tình hình địch, ta trên chiến trường, đồng thời, bàn kế hoạch tổ chức chiến dịch thu đông 1965-1966.

 

Mục tiêu chiến dịch là đánh bại Trung đoàn chủ lực 47 ngụy giải phóng hầu hết nông thôn, đồng bằng, cô lập các thị trấn, thị xã, chi khu. Phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kèm, giành quyền làm chủ tại hang ổ địch. Ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt. Động viên nhân tài vật lực. Thực hiện chính sách chia ruộng cho dân nghèo, giảm tô, tịch thu tài sản bọn ác ôn, ác bá. Trong không khí vui mừng, phấn khởi, trước thắng lợi của quân dân tỉnh nhà, Thường vụ Khu ủy cử đồng chí Phụng Minh về làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Nam Huề (làm Phó Bí thư).       

 

(Còn nữa)

VĂN CÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek