Thứ Bảy, 21/09/2024 17:44 CH
Công lao đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 28/06/2011 08:13 SA

Trước khi Đại hội diễn ra hai ngày, bỗng có một đại đội bảo an từ La Hai kéo lên đóng tại Khẩu Hà Đang, Thồ Lồ; 1 đại đội khác từ Vân Canh kéo lên nhưng chỉ đóng quân 1 tuần rồi rút. Riêng đại đội đóng ở Khẩu Hà Đang chúng đóng quân hơn 1 tháng. Trước tình hình đó, Chi bộ Thồ Lồ và Khu B đề nghị Tỉnh ủy dời địa điểm tổ chức Đại hội vì rất gần chỗ đóng quân của địch, chỉ cách nhau một hòn núi (khoảng 1 cây số theo đường chim bay). Cuối cùng Thường trực Tỉnh ủy quyết định vẫn giữ nguyên địa điểm đã chọn, vì ở đâu cũng có quân địch, Chi bộ Thồ Lồ phải chuẩn bị lực lượng bố phòng canh gác và chuẩn bị địa điểm mới để di dời nếu bị địch phát hiện.

 

Về dự Đại hội có 68 đại biểu các huyện và các ngành cấp tỉnh, có những đồng chí ở lại từ năm 1954, có đồng chí mới trưởng thành qua cuộc đấu tranh, có những đồng chí tập kết từ miền Bắc về. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, do đồng chí Mai Dương (Hai Xuân) làm Bí thư, đồng chí Trần Suyền làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội cũng ra nghị quyết phải đẩy mạnh hoạt động để giải phóng các xã miền Tây và thành lập Ban cán sự miền Tây do đồng chí Võ Mông phụ trách.

 

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, để rút kinh nghiệm cho phong trào giải phóng miền Tây, Tỉnh ủy chủ trương giải phóng ấp Phú Giang. Ấp Phú Giang có khoảng hơn 1 ngàn dân, cả đồng bào Kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số, do tên xã trưởng người Kinh vô cùng gian ác đứng đầu, có một trung đội dân vệ cả người Kinh lẫn người dân tộc thiểu số, được trang bị vũ khí. Chính bọn này là tai mắt của bọn bảo an lên đánh phá vùng Thồ Lồ và khống chế, ngăn cản sự đi lại làm ăn của đồng bào 2 xã Phú Mỡ và Đá Mài.

 

Triển khai chủ trương cấp trên, Ban cán sự miền Tây thành lập tạm thời đội vũ trang công tác để phá ấp chiến lược Phú Giang gồm có đồng chí Ma Noa, Ma Cử, Ma Xong (Văn Công), Nguyễn Hữu Ái, do đồng chí Ma Tam (Võ Mông) Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ huy. Lực lượng phá ấp có khoảng 20 dân quân du kích của 2 xã Thồ Lồ và Phú Mỡ được trang bị bằng tên ná, dao, rựa, dây thừng, chặt một số cây chuối bao vải ngụy trang giả làm súng. Khoảng 9 giờ đêm ngày 20/9/1960, gặp lúc trời mưa to, nước sông Cái tràn ngập, anh em nắm tay nhau vượt sông đến nơi quy định, phân công nhau đồng loạt tấn công. Chỉ trong 15 phút ta đã làm chủ hoàn toàn, tên Hưng xã trưởng chạy qua sông bị nước cuốn trôi, tên xã phó bị đâm chết tại chỗ, bọn dân vệ đầu hàng, giao nộp vũ khí, bọn chúng hoang mang hỗn loạn. Giải phóng xong ấp Phú Giang mở ra một loạt vùng lớn phía tây bắc Phú Yên giáp giới với huyện Đắk-Bớt (tỉnh Gia Lai) và huyện Vân Canh (Bình Định). Từ đó bọn địch ở Vân Canh và La Hai không dám hành quân bộ lên đánh phá nữa.

 

Sau khi giải phóng ấp Phú Giang thắng lợi, Ban cán sự miền Tây chủ trương giải phóng các buôn làng miền Tây trong tháng 11/1960. Vì nếu không giải phóng sớm miền Tây thì cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào, thanh niên nam, nữ từ đồng bằng lên sẽ không có chỗ đứng chân. Từ nhận thức đó, Ban cán sự miền Tây phối hợp với lực lượng địa phương Sơn Hòa và lực lượng của Tỉnh đội mở đợt hoạt động dọc đường số 7 giải phóng Quang Hiển (thuộc tỉnh Đắk Lắk) giáp ranh giới xã Phước Tân, Tân Vinh, Phước Thuận, Trà Kê để hỗ trợ cho các đội công tác vũ trang địa phương đồng loạt nổi dậy.

 

Đồng bào các dân tộc miền Tây đã nhận rõ bộ mặt thật của Mỹ - Diệm, hiểu rõ chủ nghĩa thực dân kiểu mới của chúng, nên khi có sự kêu gọi của cán bộ cách mạng là đồng loạt nổi dậy giải phóng buôn làng. Chỉ trong 2 ngày đêm (ngày 1 và ngày 2/11/1960), ngọn lửa rừng phừng bốc cao khắp miền Tây. Từ xã Phú Mỡ đến xã Đá Mài, Bầu Bèng, Cà Lúi, Suối Trai, Hòn Nhọn… chính quyền tự quản của nhân dân được thành lập, hình thành nên vùng căn cứ địa cách mạng liên hoàn nối liền giữa miền Tây với các huyện đồng bằng trong tỉnh và vùng giáp ranh các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, đảm bảo hành lang chiến lược của Trung ương từ Nam ra Bắc.

 

Miền Tây được giải phóng mở ra một vùng rộng lớn, chiếm nửa diện tích đất đai toàn tỉnh, nối liền với các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định. Miền Tây là ngọn cờ giải phóng đầu tiên của tỉnh, là lưng dựa của các huyện nông thôn đồng bằng, giải phóng miền Tây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, đã làm đảo lộn thế của địch trong tỉnh, vì chúng bị mất một địa bàn chiến lược trọng yếu nối liền đồng bằng duyên hải với Tây Nguyên.

 

Sau khi miền Tây được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, chính quyền thôn, xã được hình thành, lực lượng dân quân, du kích được xây dựng và không ngừng phát triển. Từ đó, đồng bào các dân tộc miền Tây dấy lên phong trào chống giặc, giữ làng, tập trung sản xuất, giải quyết đời sống, tiếp tế nuôi quân ủng hộ bộ đội.

 

Suốt 6 năm (1954-1960) đấu tranh thầm lặng cho đến khi tiến hành đấu tranh chính trị có lực lượng vũ trang hỗ trợ để giải phóng miền Tây, cao điểm của cuộc đấu tranh giữ đất, giữ dân, bảo toàn thực lực cách mạng. Đó là bài học đồng thời cũng là kinh nghiệm mở đầu cho cao trào Đồng khởi toàn tỉnh đạt được những thắng lợi lớn hơn.

 

(Còn nữa)

 

VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek