Thứ Bảy, 21/09/2024 18:43 CH
Công lao đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Chủ Nhật, 26/06/2011 07:44 SA

(Tiếp theo kỳ trước)

 

Nhiều đồng chí người Kinh ở xen kẽ với đồng bào Thượng Sơn Hòa đã giữ tròn khí tiết của người cách mạng bị địch bắt thủ tiêu như anh Hoàng Nghinh, anh Trương Thúc Bảo, anh Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Mẹo, Thái Luyến, Lê Ngăn…

 

Ở xã Phú Mỡ địch bắt dồn dân, cả làng bỏ buôn vào rừng bất hợp tác với địch. Đặc biệt là xã Thồ Lồ thuộc dân tộc Na Ba từ khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết họ vẫn không hợp tác với địch, nên địch không tổ chức được chính quyền cơ sở.

 

Ngày 1/1/1957, đồng chí Cao Xuân Thiêm (Ma Pốp) Bí thư chi bộ Đảng chỉ đạo dân làng Ma Quâng, Ma Kheo diệt 2 tên ác ôn người Kinh từ quận Vân Canh (Bình Định) lên dọa dẫm, hách dịch buộc chủ làng phải thực hiện chủ trương của quận. Theo phong tục, tập quán địa phương dân làng tổ chức làm lễ ăn thề phát động toàn dân vũ trang vào rừng chống địch.

 

Chi bộ tạm thời thành lập Ủy ban đoàn kết xã do chủ làng Ma Quân làm Chủ tịch, Ma Ngoe làm Phó Chủ tịch kiêm Phó Bí thư chi bộ. Tổ chức lực lượng dân quân du kích xã thôn canh gác, bố phòng biến rừng núi Thồ Lồ thành rừng chông, cạm bẫy bảo vệ buôn làng an tâm sản xuất, đồng thời bảo vệ an toàn đường dây bí mật từ tỉnh xuống huyện và đường dây bí mật từ tỉnh ra đầu mối đường dây Khu. Xã Thồ Lồ là nơi làm chủ đầu tiên trong tỉnh.

 

Đồng bào xã Phú Mỡ được tin dân Thồ Lồ bỏ làng vào rừng, các buôn Xí Thoại, Cây Vừng, Ma Choi cũng tự động bỏ buôn chạy lên hợp tác, sống chung với đồng bào Thồ Lồ chống địch.

 

Từ khi đồng bào Thồ Lồ chạy vào rừng bất hợp tác với địch, bọn lính bảo an quận Vân Canh cùng với bọn lính bảo an quận Đồng Xuân, liên tiếp thay nhau mỗi tháng 2 đến 3 lần tổ chức hành quân lên càn quét, đánh phá, song bọn chúng sợ hầm chông, cạm bẫy tẩm thuốc độc nên không dám lùng sục sâu vào rừng mà án binh bất động một chỗ.

 

Đêm 15/11/1958, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Suyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, tổ vũ trang của ta đã diệt tên ác ôn Thống Cường, xã trưởng xã Xuân Phước, gây nên tiếng vang lớn trong tỉnh và nhân cơ hội này, đồng bào dân tộc một số buôn làng miền Tây bị địch dồn về Xuân Phước trở về buôn làng cũ làm ăn, tránh được sự kìm kẹp của địch.

 

Cuối năm 1958, có một vài buôn ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), Phước Tân, Đá Mài (Khu B) dựa vào thế núi bỏ làng chạy vào rừng sống bất hợp pháp. Mặc dù địch thường xuyên hành quân càn quét liên miên vẫn không khui ra được manh mối chỗ ở của cơ quan lãnh đạo Tỉnh ủy và đường dây liên lạc từ tỉnh ra Khu.

 

Bước vào đầu năm 1959, để hợp pháp hóa việc bắt giết cán bộ, đảng viên, những người kháng chiến và cơ sở cách mạng, Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59. Với đạo luật này, chúng lê máy chém đi khắp nơi, chúng đem lên cả vùng núi Sơn Hòa do tên quận trưởng và tên tỉnh trưởng Hồng Dụ Châu trực tiếp rêu rao tuyên truyền đe dọa, mua chuộc, đồng bào vẫn không một ai hưởng ứng.

 

Giải phóng miền Tây, mở đầu phong trào giải phóng toàn tỉnh (1959-1960)

 

Trung thành với lợi ích sống còn của nhân dân ta, thấm nhuần tư tưởng cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tháng 1/1959 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) để xác định đường lối, phương châm, phương pháp cho cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết chỉ rõ:

 

“Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.

 

Nghị quyết nhấn mạnh con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng. Trong những năm 1959-1960 con đường đó là: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc thực dân phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Ban Chấp hành Trung ương còn dự kiến “Trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh trường kỳ”. Trong tình hình đó “Cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới, đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”. Có thể nói, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đáp ứng nhu cầu bức thiết nhất của cách mạng miền Nam nói chung và Phú Yên nói riêng lúc bấy giờ, làm xoay chuyển tình thế và mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, thoát khỏi cơn nguy hiểm, vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ để giành quyền làm chủ.                     

 

(Còn nữa)

 

VĂN CÔNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hậu cần nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 18/06/2011 07:52 SA
Hậu cần nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 17/06/2011 09:00 SA
Sau Tết Mậu Thân (Tiếp theo và hết)
Thứ Tư, 15/06/2011 09:00 SA
Tiếng súng Mậu Thân (Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 13/06/2011 08:07 SA
Tiếng súng Mậu Thân (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 12/06/2011 07:47 SA
Tiếng súng Mậu Thận (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 11/06/2011 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek