Thứ Bảy, 21/09/2024 18:51 CH
Sau Tết Mậu Thân (Tiếp theo và hết)
Thứ Tư, 15/06/2011 09:00 SA

Ở tỉnh, lễ truy điệu Bác kết thúc, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy được phân công xuống huyện trực tiếp tổ chức lễ tang Bác. Các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân ở địa bàn nào làm lễ tại địa bàn đó. Sáu Công được phân công lên miền Tây tổ chức hai địa điểm ở xã Suối Ché và ở Phước Tân.

 

Vào thời điểm này các đoàn cán bộ Bắc Triều Tiên vào tỉnh tham quan vùng giải phóng cũng được mời đến dự lễ. Giữa vùng rừng núi thâm u, đồng bào các dân tộc trèo đèo lội suối đến đông nghịt. Vì thương nhớ Bác mà con mắt của mọi người đều rưng lệ, gặp nhau ấp úng nói không ra lời.

 

Nhìn lên lễ đài khói hương nghi ngút, với hàng trăm bó hoa rừng thơm ngát và cả hai vòng hoa của mấy người bạn Bắc Triều Tiên kết bằng giấy bạc cũng nghiêng mình trước lễ đài mặc niệm hương hồn Bác, một vĩ nhân kiệt xuất của thời đại.

 

Sau ngày làm lễ chịu tang Bác, cán bộ chiến sĩ xuống đường tiếp tục đẩy mạnh cuộc tiến công phá các khu đồn và ấp chiến lược, Sáu Công được tỉnh phân công chỉ đạo phía Tuy Hòa II. Chiến dịch kết thúc, trên đường về cơ quan Sáu Công và anh Bảy Tính, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy bị pháo bắn, đưa vào Bệnh xá Sơn Hòa “ở Trại Cháy” điều trị một tháng. Bệnh xá của huyện miền núi đã đầy ắp thương bệnh binh. Thiếu gạo, thiếu thuốc, bệnh nhân sống nhờ đôi vai và bàn tay của y, bác sĩ, y tá, hộ lý, cứu thương, họa hoằn lắm mới ăn được bữa cơm không độn sắn, bắp. Trong giai đoạn này còn nhiều trạm xá huyện, trạm xá xã kể cả bệnh viện tỉnh cũng chung hoàn cảnh ấy. Anh chị em cán bộ công nhân viên bệnh xá, bệnh viện thì khỏi phải nói; có những lúc bệnh nhân quá đông, anh chị em cán bộ công nhân phải ăn rau, ăn sắn dành tiêu chuẩn gạo của mình cho bệnh nhân, cái khổ cái đói đã thành thói quen ngay đến cả cái chết cũng luôn luôn rình rập hù dọa một bên mà cán bộ y tế họ cũng coi thường. Trạm xá nằm giữa rún căn cứ địa, Lữ đoàn 173 Mỹ, bọn sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, Trung đoàn 47 ngụy. Chúng lạ gì vùng này, chúng thuộc lòng bàn tay, mỗi tháng diễn ra hàng chục trận càn quét đổ quân lùng sục đánh phá. Nhưng trạm xá Sơn Hòa ở “Trại Cháy” hàng chục năm mà chúng chẳng làm gì được. Khi ra viện tôi xuống thăm Trạm xá huyện Tuy An, Đồng Xuân, hàng trăm bệnh nhân cột võng nằm dưới rừng cây rợp bóng hoặc nằm trên tấm sạp đan bằng mò o sát miệng hầm công sự, có nylông làm tấm lợp che mưa che nắng. Cái đầu luôn luôn căng thẳng vì tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ của các cỗ pháo tầm xa dội tới mà trạm xá vẫn bám tại chỗ từ phong trào “Đồng khởi” cho đến “Việt Nam hóa chiến tranh”. Qua mỗi cái tết trên một miền đất hủy diệt càng thấy cuộc sống thắm đậm tình người, tình đồng chí, tình ruột thịt, mọi sinh vật cùng bám trụ với mình.

 

Tháng 2/1970, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh tại Suối Ché (xã Phước Tân). Về dự đại hội có đủ các đồng chí Bí thư Huyện ủy, thủ trưởng các ban, ngành, giới, các chiến sĩ thi đua được chọn từ cơ sở, gồm các lĩnh vực: Đấu tranh chính trị, quân sự, sản xuất phục vụ chiến đấu… đặc biệt là phong trào du kích chiến tranh.

 

Đây là đại hội thi đua đầu tiên trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đã xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu, đại diện cho các phong trào đó là các anh chiến sĩ giải phóng quân của Trung đoàn Ngô Quyền, Tiểu đoàn 85, Tiểu đoàn 14, Đại đội 377 và nhiều đơn vị lực lượng vũ trang khác; đó là các tổ nữ biệt động quân bám sâu trong lòng địch hóa trang diệt ác ôn giữa ban ngày; đó là phong trào du kích mà ông già Bông quê xã An Lĩnh là người tiêu biểu từ đầu cuộc kháng chiến cả gia đình ông vẫn bám làng, xung phong vào đội du kích, tự tạo ra vũ khí để diệt địch; đó là các cháu Căn trong đội thiếu niên xã An Dân, cháu Huệ xã An Thạch… Vì căm thù mà các cháu dùng mưu mẹo nhử địch, quyết đánh hỏng một đoàn xe ủi đất, gài lựu đạn tại quán Cây Keo, gần cầu Phường Lụa giết gọn một tóp lính công binh của địch. Đó là bà má Cọt quê ở Suối Phèn xã Sơn Long, chồng con đã hy sinh, chỉ còn mình mẹ tuy tuổi già sức yếu vẫn bám trụ làm chỗ dựa cho du kích và các cơ quan của tỉnh đóng xung quanh nhà mẹ. Mẹ vừa sản xuất để nuôi sống mình, vừa dành phần lương thực ủng hộ cách mạng, vừa canh gác khi địch đổ quân càn quét, mẹ bám địch theo dõi hành động của chúng báo cho cơ quan, bộ đội.

 

Biết bao cán bộ, công nhân viên các ngành các cấp như kinh tài, y tế, giao bưu… kể sao cho hết những con người có tên tuổi và không tên tuổi nhưng rất đỗi anh hùng đã tạo nên vườn hoa đầy hương sắc mở đầu cho phong trào thi đua tiếp nối giết giặc lập công.

 

Khi tầm mắt của mọi người gần như tỏa sáng vươn lên bao trùm sông núi thì con người ta càng có thêm muôn ngàn lý do để tin yêu và chiến thắng. Thù nhà, hận nước càng lớn và sâu thêm phát ra ngọn lửa bình dị và dữ dội, sự hy sinh chịu đựng của mỗi cá nhân có thấm là bao so với sức chịu đựng của xóm làng, quê hương, đất nước; có thấm là bao so với nước mắt và máu, so với nhân dân hai miền thầm lặng chắt chiu, vật lộn với quân thù hôm nay để mở ra một tiền đồ sáng lạng cho mai sau.

 

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek