Thứ Bảy, 21/09/2024 18:56 CH
Hậu cần nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 17/06/2011 09:00 SA

Từ căn cứ miền Tây xuống vùng giải phóng giáp ranh đồng bằng, ở đâu có đất, có dân thì ở đó có sắn. Cơ quan ở đâu phải trồng sắn ở đó. Quy định chỉ tiêu sản xuất cụ thể cho từng cơ quan đơn vị và cá nhân.

 

Dân mỗi người 3.000 bụi, cán bộ công nhân viên ở miền núi trồng 1.500 bụi, ở vùng giáp ranh trồng 1.000 bụi, bộ đội trồng 300 bụi, khách nằm chờ công tác ở các trạm giao liên tùy theo khả năng. Anh chị em công tác phía sau sản xuất thế cho những người đi công tác phía trước, anh chị em công tác phía trước khi trở về căn cứ phải gùi muối, gạo chi viện cho anh em phía sau. Mỗi năm mỗi cán bộ chiến sĩ tự túc lương thực ba tháng. Có sản xuất mới có nguồn thu. Ngoài sản xuất tự túc tranh thủ động viên nhân tài vật lực vùng sâu, thu tập trung từng đợt kết hợp thu rỉ rả góp gió thành bão. Thời kháng chiến chống Pháp, Phú Yên là tỉnh tự do, việc huy động nhân tài vật lực bằng nghĩa vụ, bằng chính sách chế độ, đóng góp theo chỉ tiêu được phân bổ định mức. Nhân dân phải vận chuyển đến kho, cân đong hẳn hoi, có sổ sách ghi chép rõ ràng. Người nào giao nạp chưa đủ theo chỉ tiêu thì lần sau tiếp tục giao nạp. Người nào khá giả mà tránh né, kéo dài dây dưa thì có pháp luật. Còn bây giờ tình hình khác trước. Ta chưa có chính quyền, đại bộ phận dân chúng còn trong thế kìm kẹp của địch. Những vùng giải phóng cũ (vùng giáp ranh) địch thường càn đi quét lại, sản xuất đình đốn, ruộng đồng bỏ hoang hóa vì thiếu lao động và sức kéo. Vùng mới giải phóng như: An Lĩnh, An Nghiệp, An Định, Hòa Quang, Hòa Kiến, Hòa Định, Xuân Quang, Xuân Sơn và một số xã ở Tuy Hòa 1 như: Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Phong… là những vùng nhiều thóc gạo, nhiều nhân lực nhưng ở cài răng lược, xen kẻ giữa vùng địch với vùng ta giống như tấm da báo. Ta, địch giành giật nhau từng tấc đất, từng người dân. Hôm nay thuộc về ta quản lý, ngày mai có thể lọt vào tay địch và ngược lại, cứ thế diễn đi diễn lại hết năm này đến năm khác, người dân không ổn định làm ăn. Số quần chúng ở vùng sâu, gần thị trấn, thị xã, gần các cứ điểm đóng quân của địch thì ta chưa với tới.

 

Do đó, việc huy động tài vật lực cần có một hệ thống cơ sở làm kinh tế hợp pháp trong từng thôn xóm, nắm chắc từng đối tượng giàu nghèo, động viên tinh thần tự nguyện, tự giác, không bắt buộc, cưỡng ép dân. Có nhiều hình thức tạo nguồn thu: thu động viên đóng góp lúa gạo, tiền, vàng, thu mua tiền mặt, mua chịu hoặc vay mượn viết phiếu biên nhận trả sau. Ngoài hình thức huy động bằng hiện vật, cần động viên, giáo dục quần chúng khi bộ đội về làng hoạt động có kế hoạch phân bổ từng gia đình góp gạo hoặc nấu cơm tiếp tế cho bộ đội, cán bộ ăn cũng được tính vào chỉ tiêu huy động được ghi vào sổ vàng của địa phương.

 

Tạo ra nguồn thu đã khó, nhưng khó nhất là khâu vận chuyển, bảo quản. Thời kỳ Đồng khởi dựa vào miền Tây và huyện Đồng Xuân, cuối quý I năm 1962, khi “chiến tranh đặc biệt” xảy ra, nguồn lương thực của Đồng Xuân và Sông Cầu giao cho huyện thu tự trang trải cho lực lượng của địa phương mình. Lương thực Tuy Hòa 1 dành một phần đảm bảo nhu cầu cho địa phương, một phần cung cấp cho Tiểu đoàn chủ lực số 14. Bộ Tư lệnh phân khu, liên tỉnh 3, lương thực còn lại giao trách nhiệm Ban Kinh tài huyện làm kho dự trữ. Cần thiết lắm tỉnh mới sử dụng vì phải qua sông Ba, qua đường số 7 khó khăn vận chuyển.

 

Lực lượng quân, dân chính Đảng tỉnh đứng chân tại Sơn Long (Sơn Hòa) vừa cơ động, vừa dựa vào nguồn lương thực, thực phẩm của Tuy An và huyện Tuy Hòa 2. Đầu năm 1966, “Chiến tranh cục bộ” xảy ra. Tuy An bị địch càn quét đánh phá, tỉnh chỉ dựa một phần ở Tuy An để thu mua các nhu yếu phẩm, lúa gạo phải dựa vào huyện Tuy Hòa 2 để huy động và thu mua.

 

Huy động, thu mua đi đôi với cấp phát, vận chuyển. Cấp phát tính theo tiêu chuẩn đầu người từng cơ quan đơn vị. Mỗi tháng cấp 7 cân gạo, 9 cân màu. Nếu lương thực nhiều thì cấp một lần 8 tháng hoặc 6 tháng, lương thực thiếu thì cấp 1 đến 3 tháng. Khi bí quá không đủ cung cấp bằng thực chất có thể tạm ứng tiền cho bộ phận quản trị của từng cơ quan và hậu cần tỉnh đội tự đi mua về cấp phát cho đơn vị mình. Cán bộ dân chính Đảng huyện, tỉnh cũng như bộ đội công tác, hoạt động vùng giải phóng hoặc vùng sâu được dân nuôi, quản trị cơ quan và hậu cần quân đội theo dõi thống kê, sau khấu trừ tiêu chuẩn cấp phát, coi như một nguồn thu ngân sách.

 

Thu đến đâu giao nhận, vận chuyển, cất giấu, bảo quản đến đó. Lực lượng vận chuyển cơ quan nào cơ quan ấy tự lo. Riêng phần lương thực dự trữ phục vụ chiến dịch và những trường hợp đột xuất thì Ban Kinh tài tự giải quyết.

 

Một cuộc chiến tranh không phân vùng phân tuyến, việc huy động dân công làm kho dự trữ lương thực là tối kỵ mà cán bộ nhân viên từng cơ quan phải trực tiếp làm để bảo đảm bí mật. Từ chọn hướng, chọn địa điểm, kỹ thuật xây dựng các loại kho nổi, kho ngầm, kho cấp phát hàng ngày, kho dự trữ không để thú phá, bom đạn cày xới và địch đốt phá.

 

Nhu cầu đời sống của lực lượng cách mạng và nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng đâu phải chỉ cần lúa gạo mà thôi, cần rất nhiều thứ: vải mặc, muối, nông cụ, thuốc chữa bệnh, dầu thắp sáng, giấy, đồ dùng kim khí… Muốn tạo được nguồn hàng trước hết nhiệm vụ ngành thương nghiệp, mậu dịch phải đẩy mạnh phong trào đấu tranh kinh tế với địch. Xây dựng và phát triển mối quan hệ giao lưu giữa vùng ta với vùng địch, giữa đồng bằng với miền núi, giữa nông thôn với thị xã, thị trấn.    

 

(Còn nữa)

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek