Thứ Bảy, 21/09/2024 17:59 CH
Phước Tân hôm nay
Thứ Hai, 27/06/2011 09:17 SA

Phước Tân, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Hòa, giờ đây đã “thay da đổi thịt” .

 

Có lẽ hơn 10 năm rồi tôi mới có dịp trở lại Phước Tân. Với tôi, mảnh đất này dường như thay đổi một cách diệu kỳ. Đường sá nâng cấp, nhà cửa khang trang, những cánh đồng lúa, mía, sắn trải dài bạt ngàn, xanh thẳm.

 

PT110627.jpg

Cánh đồng lúa nước Khẩu Cà Boong (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) trĩu hạt  - Ảnh: H.NAM

 

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân Ma Toàn cho biết: “Trước đây do trình độ dân trí còn thấp, đường sá đi lại khó khăn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế nên đời sống của bà con chậm phát triển. Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, thông qua các chương trình 134, 135 đầu tư sửa đường, xây dựng trường học, trạm y tế, kéo điện lưới quốc gia, đưa nước sạch về làng, hỗ trợ giống, kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng nên đời sống nhân dân trong xã ngày một cải thiện. Đặc biệt, Nhà nước còn mở các lớp đào tạo cán bộ về công tác chuyên môn, về khả năng quản lý, vận động tuyên truyền nên ý thức trách nhiệm trong cộng đồng được nâng lên rõ rệt, mọi phong trào đưa ra đều được bà con đồng tình hưởng ứng”. Theo thống kê của UBND xã Phước Tân, toàn xã có trên 2.300 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Phước Tân hiện có 750ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, trên 90ha lúa nước, 100ha mía, 350ha sắn; đàn bò 1.800 con.

 

Xác định công tác xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên Đảng ủy xã Phước Tân luôn quan tâm, chú trọng. Trong năm qua, xã phát triển mới 8 đảng viên, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng số đảng viên toàn xã lên 81 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong mọi phong trào, giúp địa phương thay đổi diện mạo miền núi. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa thông qua các hội đoàn thể, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi kinh tế thành công, vừa trồng mía, sắn vừa trồng keo, có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như hộ Ma Dĩnh, Ma Dẻ (thôn Đá Bàn), Ma Màng (thôn Ma Y), Ma Vũ (thôn Gia Trụ)…

 

 Ma Thiệu, cựu chiến binh ở buôn Ma Y, là một trong những già làng có uy tín được bà con nể phục, cho hay: “Cái khổ thì thời kỳ nào cũng khổ nhưng càng khổ thì càng phải chịu khó cần cù lao động. Tôi đã có 4 con bò, còn ruộng thì cho lúa quanh năm”.

 

10 năm trôi qua, Phước Tân đã đổi thay, phát triển, đời sống nhân dân cải thiện, nhận thức mọi người cũng được nâng lên. Tình trạng con em bỏ học giữa chừng và tình hình vi phạm trật tự an toàn xã hội giảm hẳn. Cuối năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo của xã Phước Tân giảm 7% so với cùng kỳ, toàn xã có trên 87% hộ gia đình văn hóa. Trong thời gian tới, Đảng ủy xã Phước Tân tiếp tục chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế đúng hướng, chăn nuôi bò đàn, gieo trồng những loại cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao như: mía, sắn, keo… Riêng đối với công tác xây dựng Đảng, chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên “vừa hồng vừa chuyên”, đặc biệt chú ý đến việc chiêu mộ nguồn nhân lực là sinh viên trong xã đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về địa phương công tác.

 

Ngồi bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà sàn của người Chăm, nghe họ kể về ông Hội Chàm (vua Nước), vị vua cuối cùng của vương triều Chămpa với lòng thành kính sâu sắc, tôi mới biết lịch sử quê ngoại mình còn nhiều điều hay lắm. Họ kể rằng: Trong những năm 1937-1938, ở làng Chăm Piêng (tức Bầu Bèng), xã Phước Tân có phong trào chống xâu thuế do ông Săm Brăm (tức Ma Chàm) lãnh đạo. Đồng bào phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hưởng ứng rất đông. Nhiều đồn giặc bị tấn công. Pháp bắt Ma Chàm bỏ tù. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ma Chàm được trở về, ông tham gia Mặt trận Liên Việt tỉnh Phú Yên. Hiện giờ mộ của ông nằm tại buôn Ma Hóa (nay là thôn Tân Hải, xã Phước Tân), hằng năm cứ đến dịp tết đến xuân về con cháu dòng tộc xa gần đều về đây viếng mộ cụ Ma Chàm. Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, giãi bày: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc trùng tu di tích Mộ Ma Chàm và đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các lần hội họp, nhưng đến nay mộ Ma Chàm vẫn chỉ là một nấm mồ đất cũ hoang sơ - dấu vết của một chí sĩ cách mạng yêu nước chưa được các cấp quan tâm trùng tu xây dựng”.

 

Chiều về trên quê hương Ma Chàm thật êm đềm. Nhìn những cánh hoa rừng khoe sắc, những rẫy mía bạt ngàn đang vào vụ thu hoạch, lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc khó tả. Với vụ mùa thắng lợi như năm nay, thời gian đến bà con đồng bào Phước Tân sẽ tiếp tục có những vụ mùa ngọt ngào, no ấm và bình yên.

 

 

HỒNG LINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek