Thứ Bảy, 21/09/2024 18:55 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”:
Có một nỗi đau như thế
Thứ Sáu, 24/06/2011 10:00 SA

Có một nỗi đau tôi chưa từng biết đến để gọi tên đó là “Nỗi đau da cam/dioxin” cho đến khi tôi được nhờ xem lại bản dịch tiếng Anh quyển sách “Chất độc da cam/dioxin, nỗi đau của nhiều thế hệ” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Yên xuất bản vào tháng 5/2009.

 

noi-dau110624.jpg
Lật từng trang và xem từng trang, những thông tin, số liệu thống kê và hình ảnh minh họa của quyển sách đã làm tôi đôi lần phải bật khóc. Ai đó sẽ hỏi “Vậy nỗi đau da cam/dioxin là gì?”. Đó là 80 triệu lít chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam vào những năm 1961-1971. Thứ chất độc được cả thế giới công nhận là chất độc độc hại nhất mà con người có thể tổng hợp được. Ở Việt Nam, 4,8 triệu người đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với sự biến đổi bộ gien di truyền qua nhiều thế hệ làm cho mọi thứ trên cơ thể trở thành dị dạng và mang vào mình những bệnh nan y quái ác. Riêng trên quê hương Phú Yên, theo thống kê chưa đầy đủ đã có trên 9.700 người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.

 

Tôi chưa từng lý giải và trả lời đầy đủ câu hỏi của những người bạn tình nguyện viên quốc tế trong chương trình trẻ em của Tổ chức Mạng lưới tình nguyện toàn cầu (GVN) tại Tuy Hòa, nơi tôi làm việc như một điều phối viên. Câu hỏi được đặt ra cho tôi khi chúng tôi làm việc trực tiếp với các em ở Trường Niềm Vui, ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh và tham gia những chương trình làm việc tương tự ở các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Quảng Nam. Các bạn tình nguyện viên đã hỏi tôi: “Tại sao ở Việt Nam có quá nhiều trẻ em tật nguyền đến như thế? Những trẻ em bị down, bại liệt, câm điếc, úng thủy não, chậm phát triển trí tuệ…” Bây giờ tôi đã biết câu trả lời nằm ở đâu. Câu trả lời nằm trong nỗi đau da cam/dioxin - nỗi đau của dân tộc tôi do chính quân đội Mỹ gây ra, nhưng chưa thừa nhận việc họ đã làm. Nếu một ngày rảnh rỗi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng ta sẽ nhìn thấy những hình ảnh thương tâm của các em nhỏ sống đời thực vật nơi đây, những em nhỏ bị bại liệt, úng thủy não, chậm phát triển trí tuệ… Mỗi khi lên cơn động kinh, cơ thể rúng động, co quắp và các em khóc không thành tiếng. Đến Trường Niềm Vui, chúng ta sẽ gặp nhiều trẻ em thiểu năng trí tuệ, down, câm điếc, tự kỷ…

 

Biết đến nỗi đau da cam là tôi biết được mình thật sự may mắn và diễm phúc khi có một cuộc sống bình thường bởi ba mẹ tôi từng là những chiến sĩ cách mạng, từng bị chất độc chết người da cam/ dioxin rải xuống đầu họ, từng ăn những củ sắn, củ khoai cứu đói ngấm đầy chất độc ấy vào người. Lần lượt những người bạn chiến đấu của ba mẹ tôi và ngay cả ba tôi đã ra đi vì những căn bệnh không thể chữa trị nhưng thế hệ sau của ba mẹ tôi là chính tôi và anh chị em tôi may mắn có cơ thể khỏe mạnh, lành lặn. Và biết đến nỗi đau da cam, tôi biết thế hệ mình phải làm gì để xoa dịu, chia sẻ nỗi đau đó. Tôi vui mừng vì đã làm những gì mình nghĩ là cần làm cho ngày hôm nay. Tôi sẽ tiếp tục công việc mình đang làm với các em kém may mắn để mang lại cho các em tình yêu thương, chia sẻ, niềm vui, nguồn động viên vượt qua nỗi đau thể xác mà các em đang phải chịu đựng hàng ngày để yêu mến cuộc sống.

 

Những trang cuối cùng của quyển sách “Nỗi đau da cam/dioxin” là những trang đầy nhân bản khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên và người dân trong cũng như ngoài tỉnh; những nhà hảo tâm từ khắp mọi miền của Tổ quốc và thế giới đã đến vì một tấm lòng dành cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, niềm mong mỏi của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Phú Yên và Việt Nam là cần được công nhận họ là những nạn nhân bình đẳng với nạn nhân của chính nước Mỹ, nước đã sử dụng loại chất độc này trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sự lên tiếng và đòi quyền bình đẳng của những nạn nhân, của dân tộc và của nhân dân tiến bộ vẫn còn dai dẳng. Chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng, nỗi đau da cam/dioxin sẽ được chính phủ Mỹ công nhận và đền bù một cách thỏa đáng để phần nào xoa dịu bao thiệt thòi, mất mát của những con người bất hạnh dù đã hơn một phần ba thế kỷ kể từ khi cuộc chiến đi qua…

 

HẠNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hậu cần nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 18/06/2011 07:52 SA
Hậu cần nhân dân (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 17/06/2011 09:00 SA
Sau Tết Mậu Thân (Tiếp theo và hết)
Thứ Tư, 15/06/2011 09:00 SA
Tiếng súng Mậu Thân (Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 13/06/2011 08:07 SA
Tiếng súng Mậu Thân (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 12/06/2011 07:47 SA
Tiếng súng Mậu Thận (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 11/06/2011 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek