Thứ Bảy, 21/09/2024 18:41 CH
Tiếng súng Mậu Thân
Thứ Ba, 07/06/2011 07:55 SA

1. CHUẨN BỊ KẾ HOẠCH

 

Sau thất bại thảm hại của hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966, 1966-1967 ở miền Nam và kế hoạch đánh phá miền Bắc, quân viễn chinh Mỹ và quân ngụy vẫn còn con số lến đến kỷ lục:

 

Ở Phú Yên, hàng vạn tên địch, chư hầu và binh lính ngụy với những kho vũ khí, những đường ống dẫn dầu, những sân bay phản lực... đầy ắp các phương tiện chiến tranh hiện đại, kỹ thuật tối tân kể cả B52, chất độc hóa học, pháo 155 ly, hạm đội, tàu sân bay, các đội hải thuyền thường xuyên túc trực, tuần tra, canh gác ngoài biển.

 

Mỹ sử dụng gần hết sức mạnh tổng lực cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chỉ trừ vũ khí nguyên tử thế mà vẫn không cứu vãn nổi tình thế. Cùng với quân dân cả nước, quân dân Phú Yên đã đánh bại một phần uy lực Hoa Kỳ trên phần đất của mình, tiêu biểu là các chiến sĩ Đại đội 377 của huyện Tuy Hòa I, Tiểu đoàn 30 của phân khu nam, tiểu đoàn 85 của tỉnh đội, Trung đoàn Ngô Quyền của phân khu và các đơn vị lực lượng vũ trang khác của tỉnh, huyện, xã. Các anh, các chị đã nêu lên khẩu hiệu “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Chiến sĩ giải phóng quân của ta chân đồng vai sắt, trí dũng kiên cường, mài sắc ý chí quyết chiến quyết thắng quân thù. Mỹ nhảy vào miền Nam, vào Phú Yên đã dấy lên một phong trào thi đua diệt Mỹ, chủ lực đánh Mỹ, địa phương đánh Mỹ, du kích đánh Mỹ, dân thường đánh Mỹ. Đánh Mỹ bằng đủ các loại vũ khí hiện đại, thô sơ kể cả ong kiến cũng được huy động hàng đàn bay xáp mặt kẻ thù đốt cho chúng sưng mặt, sưng mũi phải bỏ trận địa tháo chạy như ở miền Tây. Những người nông dân tay lấm chân bùn, vậy mà khi Mỹ kéo tới, lập tức bà con ra sức xây dựng cụm chiến đấu; nhà, vườn, ao hồ chiến đấu, thôn, xóm chiến đấu, bản thân cầm vũ khí chiến đấu như ở các vùng giáp ranh đồng bằng.

 

Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch cũng như nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của quân ta trong Đồng khởi, đến Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ làm sao mà kẻ địch hiểu nổi.

 

Các đơn vị sừng sỏ của Mỹ đã từng rêu rao “Bách chiến, bách thắng” như sư đoàn “Anh cả đỏ” đã từng chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh thế giới, sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đã từng tham gia chiến tranh Triều Tiên... Khi nhảy vào Việt Nam, Mỹ tổ chức ra sư đoàn “kỵ binh bay” không vận 101, toàn bộ sư đoàn trên 10.000 quân đều cưỡi máy bay “Đi mây, về gió” từ trên trời đánh xuống bất cứ địa hình nào, thời tiết xấu hay tốt, đêm hay ngày. Thế nhưng sư đoàn “tân kỳ” đó đã nếm no đòn ở Tây Nguyên, Plâycu (10/11/1965). Không biết giữ thân, cuối tháng 6/1966 hùng hùng hổ hổ mò tới Phú Yên “lên gân” cho đồng bọn. Tại mặt trận Tuy An, ở cao điểm động Bằng Chinh, Gò Dũng, Gò Thì Thùng máy bay địch vừa hạ cánh, bọn lính không vận chưa kịp mang ba lô đã bị quân ta từ các công sự mọc lên cầm súng, lựu đạn đâm lê làm chết cả trăm tên, bắn cháy hàng chục con quạ sắt. Chúng làm sao hiểu nổi nông dân Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam ở trên mảnh đất Tuy Hòa, Tuy An họ rất đỗi hiền lành, tình nghĩa thủy chung. Song đối với kẻ thù họ là thùng thuốc nổ. Mấy thằng lính Mỹ ngoan cố, hung hăng vẫn không thoát khỏi những viên đạn bắn tỉa của họ, qua hai mùa khô “ai đã tìm ai”, “ai đã diệt ai”? Thế địch thế ta đã rõ ràng ý nghĩa cơ bản của chiến lược “tìm và diệt” của Mỹ là muốn đưa chiến tranh đến tận hang ổ của kẻ địch và diệt tại chỗ. Ý đồ đó không thành trái lại quân ta một đội quân gan đồng da sắt, cơm không đủ no, áo không đủ ấm lớn lên trong lòng quần chúng đã hy sinh gian khổ, thông minh sáng tạo, trí dũng kiên cường phá chiến lược “tìm và diệt” của chúng. Chúng ta sẽ đưa chiến tranh đến tận hang ổ của chúng một ngày sắp tới, thị xã Tuy Hòa và các quận, huyện, chi khu là đầu não chỉ huy chiến tranh của bọn trùm xâm lược ở Phú Yên.

 

Về ta, các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu liên tục từ trong cuộc Chiến tranh đặc biệt, tiếp đến đánh Mỹ suốt hai mùa khô chưa được 3 năm mà đã tiêu hao quân số hơn một nửa. Lớp bị hy sinh khi chiến đấu, lớp bị phục kích khi vào xóm ấp gùi gạo, lớp đau ốm, lớp pháo bắn bị thương, bị rải thảm hủy diệt những cánh rừng dọc theo các bìa núi Tuy Hòa, Tuy An, miền Tây. Một số đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện cũng trong hoàn cảnh ấy. Lớp trước ngã xuống lớp sau tiếp tục tiến lên.

 

Tiếp theo đó là cái đói, trước khi Mỹ chưa đổ quân được ăn một ngày hai lon gạo, một ký sắn tươi, khi Mỹ bắt đầu vào ăn ngày một lon, nửa ký sắn. Hiện nay rút xuống mỗi ngày một lon hoặc nửa lon thậm chí không có lon nào, sắn bắp tự túc bị chất độc hủy hoại hết, phải ăn cả sắn nhiễm độc, rau rừng và khoai mài núi cũng chẳng còn. Nhiều lúc nấu cháo bột sắn với rau măng vóc ngốn cho đầy dạ dày, người ăn không quen nuốt chưa khỏi họng đã ọe nôn mửa ra hết. Những lúc bí quá dân không có gạo, lúa còn tươi mới gặt anh chị em phải rang khô bỏ vào ống sắt dã thành gạo mang theo để đi hành quân. Mấy năm trước, chiến tranh tuy ác liệt nhưng các vùng giáp ranh đồng bằng và vùng giải phóng cũ còn dân, kinh tế còn khá giả, bộ đội cán bộ còn dựa được dân để giải quyết cái ăn. Bây giờ dân bị địch dồn gần hết, mùa màng bị chất độc hóa học hủy diệt, đời sống nhân dân vùng căn cứ cũng chỉ bữa đói, bữa no. Anh em vừa đánh giặc, vừa sản xuất tự túc lương thực. Trước tình hình đó Tỉnh ủy quyết định tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại vùng núi Mò O (phía tây thôn Kỳ Lộ) vào ngày 3/7/1967, có anh Bảy Hữu đại diện Thường vụ Khu ủy khu 5 về truyền đạt nội dung Nghị quyết của Khu ủy để hội nghị tiếp thu ý đồ chiến lược của Trung ương “tổng công kích - tổng khởi nghĩa” đã được gợi lên từ đó, gợi lên chủ trương nhưng những vấn đề cụ thể thì rất bí mật chỉ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mới biết.

 

Tháng 5/1967, theo chỉ thị Bộ Chính trị, Trung ương cục và Khu ủy khu 5 đang bắt tay hoàn chỉnh kế hoạch hành động. Mãi đến sau này mới rõ phương hướng đó là cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Sau Hội nghị Tỉnh ủy, anh Bảy Hữu ở lại cùng Tỉnh ủy chuẩn bị kế hoạch đến cuối năm anh Bảy Hữu mới trở về khu.

 

Để tiếp thu tinh thần Nghị quyết của Trung ương và Khu ủy, trước hết cần quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân và nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới, tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng vũ trang. Động viên toàn dân tham gia đấu tranh chính trị, chuẩn bị sẵn sàng cho đại bộ phận quần chúng nông thôn và thành phố đứng lên khởi nghĩa từng phần khi có thời cơ. Kiện toàn củng cố tổ chức Đảng, tăng cường cán bộ có năng lực cho các ngành các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm anh Năm Huề - Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác chính trị Tỉnh đội, anh Sáu Công làm Trưởng ban Kinh tài và Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền phương tỉnh, anh Trác phụ trách an ninh, anh Luân phụ trách khối huyện, anh Công Minh phụ trách đấu tranh chính trị binh vận. Các huyện ủy gồm các anh: Huỳnh Là (Hai Văn) - Bí thư Tuy An; Thái Long - Bí thư Sông Cầu; Sáu San - Bí thư Tuy Hòa I; Võ Mông - Bí thư Miền Tây, anh Hiệp - Bí thư Tuy Hòa II; Dư Huy - Bí thư thị xã, anh Phùng - Bí thư Đồng Xuân.

 

(Còn nữa)

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek