Thứ Bảy, 21/09/2024 21:33 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”
Ðập Ðồng Cam
Thứ Năm, 16/06/2011 09:00 SA

Ðập Ðồng Cam, nơi ông nội bạn tôi và những người bạn thiếu thời của cụ đã góp công tạo nên con đập lớn nhất Phú Yên cũng như ở miền Trung. Sau hàng thế kỷ, con đập ấy vẫn tiếp mạch “sữa lớn” cho những cánh đồng của tỉnh, đem lại cuộc sống no đủ cho hàng ngàn người dân.

 

dongcam110616.jpg

Đồng Cam tiếp tục cung cấp nước cho hàng vạn hécta lúa Tuy Hòa. - Ảnh: AN BANG

 

Biết bao mùa nắng, biết bao mùa mưa kèm theo những cơn lũ dữ đi qua tưởng chừng cây lúa Tuy Hòa không thể nảy đòng, vậy mà vẫn xanh đấy những cây lúa vươn mình trong nắng, vẫn vàng đấy những bông lúa trổ bông. Mới đó mà ngót nghét đã gần trăm năm kể từ ngày vựa lúa Tuy Hòa (nay là các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa) được đắm mình trong dòng nước tự chảy của Đồng Cam. Trong tâm thức của mình, người dân Phú Yên luôn dành tình cảm yêu mến và trân trọng những người đã góp phần làm nên Đập Đồng Cam hôm nay.

 

Tài liệu của người xưa còn lưu giữ. Ngày đó cánh đồng Tuy Hòa là biển cả, sau này phù sa bồi dần lên thành những cánh đồng. Người tiếp người tụ tập về đây lập xóm, dựng làng, trồng tre, trồng nứa tạo thành dãy “trường thành” kiên cố. Họ khai hoang những mảnh đất cằn, sỏi đá, ngập mặn để trồng bắp, sắn. Ngày ấy người dân Tuy Hòa cơ cực lắm, vụ mùa phụ thuộc vào nước mưa là chính.

 

Theo tài liệu của tổng thanh tra kiều lộ năm 1932, ý định của nhà cầm quyền Pháp trên bán đảo Đông Dương là muốn xây dựng một công trình dẫn thủy nhập điền (đập Đồng Cam) tại tỉnh Phú Yên từ đầu năm 1899, nhưng mãi đến năm 1904 mới được xí nghiệp Faryard thi công dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Desbos. Sau đó, vì ngân sách eo hẹp nên công trình bị đình hoãn một thời gian khá dài. Việc thực hiện công trình này có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Thời gian tiền dự án từ 1904 đến 1923 do các kỹ sư trưởng M. Desbos, M. Faryard và Nordey đảm trách. Giai đoạn 2: Thực hiện từ năm 1923 đến 1932, đặt dưới quyền phụ trách của các kỹ sư trưởng Lefèvre, Chay PI, Vallette, De Beauchamp PII, De Fragues và Givards. Về phía Việt Nam, các ông Đặng Văn Khoa, Trần Văn Hàm, Hồ Văn Anh, Lê Thịnh Khanh, Phan Văn Cơ, Nguyễn Văn Bảo, Võ Trọng Hiệp, Phan Huy Giang, Trương Quang Huyền… phụ trách xây dựng nên con đập này.

 

Công trình có một đập ngăn nước sông Ba dài 680m, kênh bên phải dài 36km, kênh bên trái dài 32km. Diện tích tưới là 19.000ha, trong đó kênh bên phải tưới 13.000ha, kênh bên trái tưới 6.000ha. Ngày 7/9/1932, sau chín năm vất vả thi công, biết bao nhiêu người con Phú Yên là công nhân công trình đã ngã xuống vì bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt và tai nạn, cuối cùng công trình thủy nông Đồng Cam được toàn quyền Đông Dương Pasquier chính thức khánh thành. Trong ngày lễ khánh thành, hoàng đế Bảo Đại từ Pháp trở về Việt Nam bằng tàu thủy và đang trên vùng biển Phú Yên nên toàn quyền Pasquier bày tỏ sự cung kính của mình, nên trong đoạn cuối cùng bài diễn văn, tên con đập là Đập Bảo Đại.

 

Những ngày đầu đưa vào sử dụng, trên thượng lưu của đập, diện tích nước chứa khoảng 12 cây số vuông. Tuy nhiên, năm Mậu Dần (1938), một trận lụt lịch sử đã tàn phá hệ thống dẫn thủy. Những khuyết điểm của hệ thống đập được các kỹ sư nhanh chóng khắc phục.

 

Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Thực dân Pháp quyết tâm đánh chiếm Phú Yên. Để tiêu diệt được lực lượng Việt Minh, bọn đế quốc quyết tâm phá hoại đập Đồng Cam. Năm 1951, một trung đoàn Pháp từ Đắk Lắk tràn xuống đánh phá và cho nổ mìn tại nhiều điểm của đập, khiến con đập bị hư hỏng nặng. Lúc này, nguồn nước dẫn vào hệ thống thủy nông nội đồng trở nên khan hiếm, những cánh đồng lúa lên đòng đành “chết khát”. Nhân dân Phú Yên thiếu ăn. Đến năm 1952, máy bay Pháp thả bom trúng nút trọng điểm của hai kênh là cầu Đồng Bò bên hữu ngạn và cầu Máng bên tả ngạn khiến hệ thống đập Đồng Cam tê liệt hoàn toàn.

 

Một buổi chiều giáp Tết năm Tân Mão, khi đến thăm nhà bạn, ông nội bạn tôi hóm hỉnh hát câu thơ:

 

“Thằng trời đứng lại một bên

Để cho nông hội đứng lên làm trời”.

 

Ông nhìn xa xăm và kể cho chúng tôi về ngày ấy: “Hôm đó, Mặt trận Việt Minh kêu gọi toàn thể quân và dân, chung sức khắc phục nguy cơ thiếu nước trên đồng ruộng. Ban ngày, chúng ta lo đánh giặc. Ban đêm, ông cùng mọi người tham gia lấp sông đào mương mới để dẫn nước vào đồng ruộng dưới cái lạnh căm căm, cơn đói hành hạ thể xác. Nhưng chẳng được bao lâu, trong một trận lụt nhỏ, mọi thứ bị cuốn ra biển. Năm đó, nhân dân Phú Yên trải qua một trận đói lịch sử.

 

Năm 1954, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Phú Yên nói riêng: Pháp rút khỏi Việt Nam theo hiệp định Giơ-ne-vơ sau hàng thế kỷ xâm lược. Ngay sau đó, đập Đồng Cam được trùng tu, sửa chữa với tổng kinh phí 50 triệu đồng lúc bấy giờ. Năm 1956, việc tu sửa hệ thống dẫn thủy được hoàn thành, đích thân tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm về Phú Yên khánh thành.

 

Đập Đồng Cam được coi là con đập thủy nông tự chảy vào loại lớn nhất Việt Nam, với 5,35 triệu ngày công lao động để đào 2 triệu m3 đất, phá 385.000m3 đá, thi công hơn 20.000m3 bê tông và hàng trăm khối gỗ, hàng trăm tấm thép; đập Đồng Cam hiện lên trong màn sương chiều những ngày lạnh đẹp một cách hùng vĩ. Đập nước dài 688m, có hai con kênh dẫn nước là kênh chính Bắc và kênh chính Nam, dài 70km, cung ứng nước tưới cho gần 22.000ha lúa.

 

Sau ngày giải phóng, nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã về Phú Yên thăm đập Đồng Cam như Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, nữ tướng Nguyễn Thị Định… đặc biệt, Tổng Bí thư Đỗ Mười trực tiếp thị sát việc sửa chữa đập sau cơn lũ lịch sử năm 1993.

 

Có thể nói, đập Đồng Cam là một công trình kiến trúc có tính mỹ thuật và kỹ thuật cao, vừa có ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa lịch sử, kiến trúc. Vào ngày mồng 8 tháng Giêng hằng năm, nơi đây có lễ hội Đồng Cam do người dân địa phương tổ chức để tưởng nhớ người xưa - những con người đã đồng cam cộng khổ xây dựng nên đập. Ngày nay, không chỉ có nhân dân trong tỉnh đến tham quan cảnh đẹp đập Đồng Cam, mà nhiều du khách trong và ngoài nước cũng tụ hội về đây vui chơi giải trí, thư giãn trong ngày diễn ra hội.

 

Buổi sáng ngày mồng tám tháng Giêng, tôi trở về thăm đập Đồng Cam trong lễ hội truyền thống hàng năm, thắp nén nhang cho những người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng con đập này. Giữa hương thơm của nén nhang trầm, giữa tiếng nước chảy ầm ầm hùng vĩ, giữa con sóng văng lên nền trời tung trắng xóa, những mỏm đá nhấp nhô ẩn hiện trong làn nước mát, xa xa dòng sông Ba hiền hòa uốn lượn trải dài phía trước đến hút tầm mắt, tôi như hòa mình vào những cánh đồng lúa mơn mởn xanh tươi… Đồng Cam đấy, vẫn đang tiếp bước nhiệm vụ thiêng liêng như ước nguyện của cha ông xưa.

 

NGUYỄN AN BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek