Thứ Bảy, 21/09/2024 18:57 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”:
Nhớ lại trận đánh 40 năm trước
Thứ Ba, 14/06/2011 10:00 SA

Những ngày đầu tháng 6 năm 2011, các đồng chí trong Ban liên lạc Tiểu đoàn 13 (Tỉnh đội Phú Yên) là Trần Văn Mười (trưởng ban liên lạc), Hồ Thanh Bình, Nguyễn Châu Diên, Lưu Công Thục, Trịnh Văn Liên – nguyên là những cán bộ, chiến sĩ ở Tiểu đoàn 13 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bàn bạc, trao đổi và thống nhất một việc hệ trọng là năm nay sẽ tổ chức: “Lễ tưởng niệm 40 năm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Bắc Lý – Củng Sơn (19/6/1971-19/6/2011)”.

 

shoa110614.jpg

Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân huyện Sơn Hòa. - Ảnh: T.LIỆU

 

Các đồng chí trong Ban liên lạc Tiểu đoàn 13 đã làm việc các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Sơn Hòa được các đồng chí lãnh đạo huyện Sơn Hòa hoàn toàn nhất trí. Đồng thời Ban liên lạc Tiểu đoàn 13 cũng đã báo cáo xin ý kiến của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; trao đổi với lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh – Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, đều được sự nhất trí rất cao. Theo chương trình đã định, buổi lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức vào ngày 18 và 19/6/2011 tại thôn Bắc Lý (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) – nơi xảy ra trận đánh ác liệt cách đây tròn 40 năm, để mọi người tưởng nhớ công ơn của các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh ấy và nhằm giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Đồng chí đại tá Trần Văn Mười, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 và nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh đã hồi tưởng và kể lại khá tỉ mỉ về diễn biến trận đánh vô cùng ác liệt của tiểu đoàn mình tại thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa cách đây 40 năm.

 

… Đầu năm 1971, xung quanh vùng căn cứ địa cách mạng ở miền Tây tỉnh Phú Yên cơ bản đã được giải phóng. Ở huyện Sơn Hòa, nhiều xã đã được giải phóng, chính quyền cách mạng hoạt động khá mạnh mẽ, nhân dân vô cùng phấn khởi, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, nhưng ở thị trấn Củng Sơn có một số vùng bọn địch còn chiếm đóng như các ấp Bắc Lý, Đông Hòa, Tây Hòa… Bà con đang bị địch siết chặt vòng vây, kìm kẹp, khống chế rất dã man như cá nằm trên thớt. Đại đội biệt kích địch ở cao điểm Hòn Ngang ngày đêm lùng sục càn quét ra vùng giải phóng gây bao đau thương, tang tóc cho bà con. Trận địa pháo binh và sân bay địch ở thị trấn Củng Sơn cũng gia tăng hoạt động phục vụ cho các đợt hành quân càn quét của bọn lính biệt kích địch nống ra vùng giải phóng của ta ở Tân Sơn Định và đường số 7… Còn ở huyện Đồng Xuân có căn cứ biệt kích địch ở Đồng Tre (xã Xuân Phước) cũng tác yêu, tác quái, gây nhiều tội ác với các xã vùng giải phóng của huyện.

 

Mùa xuân năm 1971, ta chủ trương tổ chức lực lượng tấn công, vây ép địch ở các quận lỵ, chi khu. Những nơi có điều kiện thì tiến hành đánh mạnh để dành dân, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế mạnh ở chiến trường, góp phần làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị tại bàn Hội nghị Paris về Việt Nam đang diễn ra. Từ ý tưởng đó, Tỉnh ủy chỉ thị cho lực lượng vũ trang của tỉnh là khẩn trương, nghiên cứu và tổ chức đánh địch ở thị trấn Củng Sơn để mở rộng vùng giải phóng ở vùng rừng núi miền Tây, tạo thế liên hoàn của các khu căn cứ cách mạng, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến đấu tiếp theo để mở rộng vùng giải phóng xuống đồng bằng.

 

Lúc đó lực lượng của ta có Tiểu đoàn 96 bộ binh do đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 13 bộ binh do đồng chí Trần Văn Mười làm Tiểu đoàn trưởng. Cùng với hai đại đội đặc công 202 và 25 và một đại đội trợ chiến có hai khẩu cối 82 ly và hai khẩu DK275 ly. Ở huyện Sơn Hòa có hai đại đội bộ binh và đội ngũ cán bộ Dân Chính Đảng rất hùng hậu sẵn sàng tham gia chiến đấu với quyết tâm rất cao.

 

Nhiệm vụ cụ thể trong chiến đấu được Tỉnh đội giao phó cho các đơn vị như sau: Tiểu đoàn 96 bộ binh phối hợp với Đại đội đặc công 202 tập kích đại đội biệt kích địch ở cao điểm Hòn Ngang. Sau đó chốt lại, sẵn sàng đánh địch phản kích chiếm lại. Đại đội 3 của Tiểu đoàn 13 bộ binh phối hợp với Đại đội đặc công 25 tập kích quận lỵ Củng Sơn tiêu diệt đại đội lính bảo an của địch, chốt giữ và quản lý quận lỵ. Đại đội 2 cùng với đại đội bộ đội địa phương huyện Sơn Hòa tập kích tiêu diệt đại đội biệt kích địch ở dã ngoại sân bay Củng Sơn và bọn địch ở ấp Bắc Lý. Sau đó chốt giữ lại ở ấp Bắc Lý và Đông Hòa để tổ chức và phát động quần chúng nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng.

 

Lúc 13 giờ ngày 18 tháng 6 năm 1971, chấp hành mệnh lệnh của Ban chỉ huy Tỉnh đội, tất cả các lực lượng tổ chức hiệp đồng chiến đấu, giao và nhận nhiệm vụ ở Suối Phường Bà Tám (phía Bắc Ngân Điền chừng 5km). Đến 19 giờ ngày 18 tháng 6 năm 1971, các đơn vị của mặt trận hành quân chiếm hết trận địa. Lúc đó, Sở Chỉ huy tiền phương của trận đánh có các đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy; Ông Văn Bưu, Tỉnh đội trưởng; Lê Trọng Sủng, Tỉnh đội phó đóng tại Tây Nam chân núi Mò O.

 

Đến 4 giờ sáng, ngày 19 tháng 6 năm 1971, Đại đội đặc công 202 và Đại đội 3 của Tiểu đoàn 96 bộ binh nổ súng đánh tập kích vào đại đội biệt kích địch ở cứ điểm Hòn Ngang. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Bọn địch lợi dụng công sự, lô cốt, hầm ngầm chống trả đến cùng. Cán bộ và chiến sĩ ta chiến đấu vô cùng dũng cảm. Người trước ngã người sau xông lên, đánh chiếm từng lô cốt, từng thước chiến hào của địch, tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch. Gần sáng, ta đã chiếm được hơn 2/3 cứ điểm Hòn Ngang. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục giằng co, ác liệt. Lợi dụng khi trời đã sáng rõ mà ta chưa làm chủ được toàn trận địa, được hai máy bay trực thăng vũ trang đến oanh tạc dữ dội, bọn địch có điều kiện để tổ chức phản kích lại quyết liệt, nên ta phải rút quân.

 

Cùng lúc đó đại đội 2 của Tiểu đoàn 13 bộ binh và đại đội bộ đội địa phương huyện Sơn Hòa đánh chiếm ấp chiến lược Bắc Lý và sân bay Củng Sơn tiêu diệt nhiều địch, số địch còn sống sót chúng tháo chạy về quận lỵ Củng Sơn. Đại đội đặc công 25, do nước lũ ở Sông Ba tràn về quá nhiều, bộ đội không thể vượt được Sông Ba, do đó không hợp đồng được với Đại đội 3 của Tiểu đoàn 13 bộ binh để tập kích bọn địch ở quận lỵ Củng Sơn. Lúc đó, lợi dụng trời đã sáng quá rõ, địch co cụm về quận lỵ Củng Sơn tổ chức phản kích lại ta ở khu Đông Hòa, Bắc Lý. Cho đến 9 giờ ngày 19 tháng 6 năm 1971, địch điều quân từ thị xã Tuy Hòa lên bằng máy bay trực thăng, chúng nó đổ quân phía sau lưng đội hình của Tiểu đoàn 13 bộ binh; kết hợp với bọn biệt kích địch khôi phục lại Hòn Ngang, rồi từ phía Hòn Ngang phản kích xuống. Lúc này còn có 4 chiếc máy bay trực thăng vũ trang của địch ở thị xã Tuy Hòa lên, bay rất thấp, bắn tới tấp, dọc theo Suối Bùn và ven bờ Sông Ba, gây cho ta thương vong khá lớn. Ở quận lỵ Củng Sơn ta chưa tấn công, ở Hòn Ngang ta chưa làm chủ, địch lại đổ bộ bằng máy bay trực thăng bọc hậu phía sau lưng Tiểu đoàn 13 bộ binh tại đồi Đu Đủ.

 

Trận chiến đấu diễn ra vừa kéo dài, vừa ác liệt, lại không cân sức. Ta chiến đấu trong điều kiện không có công sự, địa hình thấp và trống trải nên thương vong lớn, buộc phải rút quân, địch chiếm lại trận địa nên ta không lấy được tử sĩ. Địch đã bắt nhân dân đưa số tử sĩ của ta về chôn tại một hố bom ở ấp Bắc Lý thành nấm mồ tập thể.

 

Đồng chí Đại tá Lưu Công Thục tâm sự: “Quê tôi ở tỉnh Nam Định. Tôi nhập ngũ năm 1967. Sau mấy tháng huấn luyện tân binh thì hành quân vào miền Nam chiến đấu. Đầu năm 1969, tôi được biên chế về Tiểu đoàn 13 cùng với các anh Nguyễn Quang Huy quê ở TP Hải Phòng, Phùng Văn Xóm, quê ở tỉnh Hà Tây, Nguyễn Văn Sâm, quê ở tỉnh Hà Tây… Trận đánh vào ấp Bắc Lý ngày 18 và 19/6/1971, tôi là Tiểu đội trưởng. Tất cả anh em chúng tôi đều chiến đấu kiên cường và dũng cảm, diệt được rất nhiều địch. Các anh Phùng Văn Xóm, Nguyễn Văn Sâm đều lần lượt hy sinh trên đất Sơn Hòa…”.

 

Đồng chí Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên là người quê ở huyện Sơn Hòa, từ năm 1969, ông là Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, ông có người chị ruột là Lê Thị Hạnh, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sơn Hòa đã anh dũng hy sinh trong trận đánh năm ấy, ông nói: “Trận đánh ngày 18 và 19 tháng 6 năm 1971, tuy ta không giành được thắng lợi trọn vẹn như mong muốn nhưng trận đánh đó cũng đã làm cho bọn địch bị tổn thất nặng nề. Đặc biệt trận đánh đó đã làm cho bọn địch kinh hoàng, bạt vía, hoang mang dao động trước sức mạnh to lớn và lòng căm thù giặc cao độ, cũng như hành động quyết tâm chiến đấu vô cùng dũng cảm của quân và dân huyện Sơn Hòa. Trận đánh ấy đã giúp ta kịp thời tổng kết để rút ra những bài học kinh nghiệm đáng quý để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến đấu tiếp theo đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

 

Năm nay tròn 40 năm của trận đánh năm trước, anh em trong Ban liên lạc Tiểu đoàn 13 có nguyện vọng làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ngày 18 và 19 tháng 6 năm 1971 là để thực thiện: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là nén hương lòng kính dâng lên hương hồn những người đã khuất, và cũng để những người đang sống hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống, làm cho vùng đất Sơn Hòa hôm nay, mọi người đang được sống trong một đất nước hòa bình thống nhất trọn vẹn đang không ngừng phát triển để tiến lên CNXH. Vùng đất Sơn Hòa đầy máu lửa và nước mắt trong cuộc chiến tranh cứu nước, nay đang phơi phới một màu xanh bát ngát của lúa, khoai, sắn, mía. Đồng bào các dân tộc trong huyện đoàn kết một lòng, sát cánh bên nhau, quyết tâm xây dựng quê hương. Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Hòa mãi mãi xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek