Thứ Bảy, 21/09/2024 21:33 CH
Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975 (Tiếp theo kỳ trước)
Giải phóng miền Tây (11/1960) rút kinh nghiệm để giải phóng đồng bằng
Thứ Ba, 29/03/2011 07:56 SA

Phá ấp Phú Giang thắng lợi. Ban cán sự miền Tây họp rút kinh nghiệm, bàn kế hoạch giải phóng toàn bộ miền Tây dứt điểm trong tháng 11/1960. Không thể chần chừ do dự, phải căng địch ra mà đánh khắp nơi. Nếu chần chừ chúng sẽ tập trung quân càn quét, bốc hốt hết dân thì sau này khó hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Tây.

 

Mặt khác, nếu không giải phóng miền Tây sớm thì cán bộ, bộ đội miền Bắc vào, thanh niên đồng bằng lên sẽ không có chỗ đứng chân. Từ nhận thức đó, Ban cán sự Đảng miền Tây phối hợp với lực lượng vũ trang Sơn Hòa mở đợt hoạt động dọc đường Số 7, giải phóng vùng Quang Hiển (phần đất của tỉnh Đắk Lắk) giáp ranh với xã Phước Tân, Tân Vinh, Phước Thuận, Trà Kê (khu vực đồng bào Kinh) hỗ trợ cho các đội vũ trang công tác ở địa phương phát động quần chúng nổi dậy đồng loạt giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Bộ mặt Mỹ - Diệm đã lộ rõ, đồng bào các dân tộc đã hiểu chúng từ lâu rồi. Chủ nghĩa thực dân kiểu mới nó sinh ra mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc. Chế độ quốc gia giả hiệu của bọn thống trị tay sai Mỹ nhìn đồng bào các dân tộc ít người bằng con mắt vị chủng. Chúng bày ra đủ trò, gọi đồng bào Thượng là “sắc tộc” chia rẽ khối đoàn kết, phân biệt đối xử, gây ra căm phẫn có tính chất toàn dân. Vì lẽ đó mà cả Tây Nguyên và miền Tây Phú Yên đã nổi dậy cực kỳ sâu sắc. Dưới mái rừng Trường Sơn ở đâu cũng vùng lên giành quyền làm chủ.

 

Trước kia đồng bào các dân tộc đánh thắng giặc Pháp, bây giờ nhân dân các dân tộc đoàn kết nhất định sẽ đánh thắng Mỹ - Ngụy.

 

Cả tỉnh bước vào cuộc đấu tranh mới với khí thế của người chiến thắng. Có ai ngờ tới là năm 1957-1958 cũng ở miền rừng núi miền Tây này, địch xô hàng đại đội tiểu đoàn hòng “làm cỏ miền Tây nhưng ở đó có hàng chục buôn như: Cây Vùng, Ma Dú, Ma Choi… đã vũ trang toàn dân chống giặc tạo lên cả một khu căn cứ vững chắc. Địch cậy quân đông, vũ khí nhiều mà chúng cũng đành bó tay. Huống gì hôm nay cả miền Nam, cả Tây Nguyên phong trào cách mạng của ta như gió cuốn. Chúng ta không thể chần chừ, giải tán ngay Ngụy quyền, ngụy quân cơ sở. Du kích với vũ khí thô sơ đứng dậy, mỗi góc núi, mỗi bờ suối, mỗi khúc sông trở thành một làng chiến đấu.

 

Nghe theo lời của cách mạng thì chỉ trong hai ngày, hai đêm ngọn lửa rừng phừng phực bốc lên ngút trời.

 

Các xã: Phú Mỡ, Đá Mài, Bầu Bèng (Phước Tân), Cà Lúi, Suối Trai, Hòn Nhọn chính quyền tự quản đã được thành lập, hình thành vùng căn cứ địa liên hoàn nối liền các huyện đồng bằng với miền núi và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định đảm bảo hành lang chiến lược của Trung ương và của các tỉnh từ Nam ra Bắc.

 

Hơn một nửa diện tích tự nhiên với hơn mười nghìn dân thuộc về ta quản lý. Đến tháng 12/1960 địch chỉ còn đóng tại thôn Ngân Điền, Hòa Nguyên, Phong Cao, Vân Hòa, Củng Sơn (phần đất Sơn Hòa).

 

Miền Tây giải phóng ít đổ máu, ít tốn đạn, không kéo dài, nhiều vùng không có lực lượng vũ trang tỉnh, huyện hỗ trợ mà tự thân quần chúng nổi dậy sắp đặt lại trật tự quản lý buôn làng.

 

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền tự quản thôn xã được sớm hình thành, lực lượng dân quân du kích không ngừng phát triển. Toàn dân dấy lên phong trào chống giặc, giữ làng, sản xuất giải quyết đời sống, ủng hộ bộ đội, tiếp tế nuôi quân.

 

Sự nghiệp giải phóng miền Tây là sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Qua việc giải phóng toàn bộ miền Tây càng thấy rõ vai trò quần chúng quyết định vận mệnh đất nước, quê hương mình, từ thực tế ấy, theo sự suy nghĩ của chúng tôi, xây dựng căn cứ địa cách mạng rừng núi là yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng quan trọng bậc nhất là “căn cứ lòng dân”. Suốt sáu năm (1954-1960) giai đoạn đấu tranh thầm lặng cho đến khi tiến hành đấu tranh chính trị có lực lượng vũ trang hỗ trợ để giải phóng miền Tây cao điểm cuộc đấu tranh để giữ đất, giữ dân mà ta vẫn bảo tồn được thực lực cách mạng ít tổn thất đã là bài học đồng thời cũng là kinh nghiệm mở đầu cho cao trào đồng khởi toàn tỉnh đạt được sau nhiều thắng lợi lớn hơn.

 

Sau khi giải phóng xong miền Tây, tôi không còn công tác miền núi nữa. Tỉnh quyết định đưa tôi về xuôi phụ trách khối kinh - tài phục vụ chiến trường từ năm 1961-1970. Tôi làm bài thơ xuống núi đã gửi đăng báo Thống Nhất Trung ương.

 

XUỐNG NÚI

 

Trường Sơn cao chót vót

Thấp thoáng bóng mây trời

Qua mấy lớp cổng trời

Vượt bao con sông suối

 

Ta chia tay xuống núi

Ta chẳng phải vô tình

Ta vẫn ở bên mình

Tuy xa nhưng gần lắm

 

Nhớ nước bầu cơm nắm

Nhớ con cá con chim

Nhớ mí lại nhớ em

Nhớ tiếng chày bếp lửa

 

Giặc lùng càn bắt bớ

Ấp chiến lược dồn dân

Dương cánh ná thiên thần

Đạn bom nào xuyên thủng

 

Anh sẽ là khẩu súng

Em hóa thành con dao

Đi bất cứ nơi nào

Đất trời này ta giữ

 

Miền Tây ơi bất tử

Miền Tây của niềm tin

Miền Tây có tầm nhìn

Miền Tây nơi xuất phát

                                

 (Còn nữa)

Hồi ký VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek