Thứ Bảy, 21/09/2024 21:27 CH
Hòa Thịnh quê tôi
Thứ Hai, 28/03/2011 10:00 SA

Theo lời kể của mẹ, vào những năm 1965, 1966 lúc tôi vừa 2, 3 tuổi, Hòa Thịnh quê tôi đã bị địch chủ trương biến thành vùng đất trắng. Những trận càn quét đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp của địch xảy ra thường xuyên. Chỉ riêng trận càn ngày 23/2/1966 chúng đã tàn sát một lúc tới 63 đồng bào Hòa Thịnh. Những năm ấy, cả làng tôi phải chạy giặc. Cha và anh trai tôi ở lại căn cứ, mẹ con tôi và một số phụ nữ già yếu khác tản cư về thị xã Tuy Hòa. Tôi lớn lên trong cảnh tha hương nên chỉ biết mường tượng quê hương mình qua lời kể của mẹ.

 

hoa-thinh-110328.jpg

Học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh trong giờ học. - Ảnh: T.HẰNG

 

Đất nước giải phóng. Gia đình tôi được đoàn tụ. Thật khó tả hết được niềm vui, niềm hạnh phúc trên đôi mắt của cha mẹ  tôi. Trở về làng sau những năm tháng tản cư là sự bắt đầu lại của người lớn. Khai vỡ ruộng hoang, sửa sang vườn tược, xây dựng nhà cửa. Còn lũ trẻ chúng tôi, sáng đi học chiều chăn trâu, bò, đêm sinh hoạt thanh thiếu niên ở sân lẫm, trụ sở thôn để nghe các anh chị múa hát. Trường học chưa xây nên chúng tôi học tạm trên các phòng làm việc của UBND xã. Phòng học mái tranh vách đất, bàn ghế được ghép vội bằng những mảnh gỗ gòn và thanh tre. Thầy Nguyễn Phước làm hiệu trưởng trường. Những buổi chào cờ, thầy thường kể những câu chuyện về quá khứ hào hùng của thế hệ cha anh đi trước, những câu chuyện giống như mẹ tôi kể trước kia, nhưng bây giờ thì thú vị hơn vì có những nhân chứng sống như bác Lê Thạnh, Phạm Chủng. Chúng tôi còn được tham quan những căn cứ địa nổi tiếng một thời như: Đồng Tàu, Đá Chồng, Suối Lạnh, Cỏ Ống, Suối Cùng, Sát Cẩu tử. Những câu chuyện “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi” đã giúp tôi hiểu quá khứ không phải là những gì đã quá xa xăm, xưa cũ, mà tất cả là điểm tựa, là hành trang, là những bài học quý giá để tôi lấy đó làm lẽ sống.

 

Trong ký ức tuổi thơ, quê tôi quanh năm nghèo khó. Mùa hè thì ruộng đất nứt nẻ, lúa héo rũ. Mùa đông thì mưa dầm dề nhiều ngày nên thường gây lũ lụt. Có những năm lũ về sớm, khi đồng ruộng còn xanh ngắt, lúa bắt đầu trổ bông, khiến cả cánh đồng ngập tràn trong biển nước. Cha tôi đứng nhìn lặng im không nói gì. Ông không thể khóc nhưng ẩn sâu trong lòng là một nỗi buồn và lo lắng. Tôi cũng buồn theo nhưng nỗi buồn của tôi qua đi nhanh chóng - vì tôi thích mùa lũ. Với tôi, mùa lũ là một thứ gì đó vừa bí ẩn vừa thú vị. Trường ngập nước, đường ngập nước, tôi được nghỉ học, tha hồ mà giỡn nước, thường thì tôi chặt vài cây chuối, kết bè bơi ngay trên sân hoặc vườn nhà mình. Dứt những đợt lũ, thường khoảng tháng chạp, cả làng tôi, già trẻ trai gái cùng nhau mang rìu, rựa, quang gánh, cuốc xẻng ra ngăn con sông Trong để đắp đập An Sang lấy nước về đồng. Mỗi hộ dân góp một cây gỗ lớn và một bó bổi. Đàn ông bơi ra giữa sông hè nhau đóng cọc xuống giữa dòng rồi dùng dây chằng kỹ. Phụ nữ xúm nhau gánh cát, đất chuẩn bị đắp đập. Bọn trẻ nhỏ chúng tôi chặt cây mè ré về làm bổi. Sau đó, mọi người đồng loạt thả phên tre xuống cản nước rồi đổ đất xuống. Phải mất ba bốn ngày đêm chống chọi, con đập mới hình thành. Ngăn sông đắp đập là một “kỳ tích” trong sản xuất của người dân quê tôi năm ấy. Điều ấy thể hiện sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể chung sức chung lòng.

 

Với phương châm đổi đất lấy công trình, ngày nay, làng tôi đã từng bước “thay da đổi thịt”. Đầu tiên phải kể đến là con đập An Sang, đập Cảnh Tịnh, trạm bom Phú Hữu được xây dựng kiên cố. Nhờ hệ thống thủy lợi này mà Hòa Thịnh từ một vùng đất đồng chiêm trũng xen với núi đồi thành một xã thâm canh hai vụ. Song song với phát triển các hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện – đường – trường – trạm cũng hoàn thiện dần. Đường giao thông bằng đất với những chiếc cầu khỉ cheo leo, mùa mưa sình lầy, trơn trợt dần dần chỉ còn lại trong ký ức của người dân. Đi qua những con đường làng đã thảm bê tông, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bao thay đổi của một làng quê anh hùng. Mới ngày nào mùa mưa lũ, đi học quần dài vắt vai, đến tận cổng trường mới thay áo quần vào lớp; cả làng chỉ có mấy mái nhà ngói, còn lại hầu hết là nhà tranh vách đất. Vậy mà hôm nay, nhà nào cũng khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ đời sống. Trẻ em được học trong những ngôi trường mới, xây dựng theo quy mô đạt chuẩn quốc gia. Đối diện với  trụ sở Đảng ủy – UBND xã là nhà truyền thống, nơi lưu giữ những chiến công oanh liệt của xã anh hùng. Người dân quê tôi tự hào vì hằng năm vào ngày 22/12 nơi đây tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Đồng Khởi, đã thu hút đông đảo cán bộ và người dân trong tỉnh về tham dự. Vào những ngày kỷ niệm ấy, cả làng tôi như sống lại thời chiến tranh, hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng… Tất cả người già, phụ nữ, trẻ em trong làng đều tham gia. Với tôi, khí thế hào hùng ngày ấy không thể nào quên, nó như vừa mới xảy ra hôm qua. Thế hệ cha anh đi trước đã khơi dậy niềm tự hào, giúp cho thế hệ trẻ chúng tôi biết rõ quê mình có một vết son chói ngời được lưu danh trong lịch sử không chỉ của xã, huyện, tỉnh mà còn của cả nước - đó là phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh.

 

Quả thật đất không bao giờ phụ người. Đất đai dẫu cằn cỗi bao nhiêu nhưng có hơi ấm bàn tay, có sự thông minh sáng tạo của con người thì nơi ấy sẽ đơm hoa kết trái. Làng tôi dần dần xuất hiện nhiều nhân tố biết làm giàu từ cây lúa. Ông Trương Nhựt ở thôn Mỹ Hòa, sau khi được chia lại ruộng, đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa. Ban đầu khó khăn nhưng giờ gia đình ông đã có 1 máy gặt đập liên hợp, 4 máy gặt cải tiến, hai máy cày trung, 4 máy cày tiểu, 3 máy bom nước phục vụ cho gia đình và người dân xung quanh. Có thể nói gia đình ông là một trong những hộ có nguồn thu nhập lớn từ cây lúa. Còn hộ Nguyễn Công Sự ở thôn Mỹ Cảnh đã mạnh dạn khai hoang 3ha đất đồi trọc phát triển kinh tế rừng. Sau gần 10 năm, đến nay ông Sự đã trồng được gần 2.000 gốc cây xà cừ, 4.000 gốc keo lá tràm. Cùng với trồng rừng, ông Sự còn phát triển chăn nuôi trang trại, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.

 

Với lợi thế đất và rừng bình quân trên đầu người cao nhất huyện nhưng người dân Hòa Thịnh lại thu nhập thấp là do nguồn nước. Hòa Thịnh không được hưởng thủy lợi đập đồng cam. Vì vậy cần phải xây dựng kiên cố hệ thống thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu. Hồ chứa nước Mỹ Lâm là một dự án tốt.

 

Xây dựng hồ song song với việc bảo vệ cánh rừng tự nhiên, tương lai sẽ đem lại một nguồn lợi to lớn về môi sinh và cảnh quan du lịch sinh thái, hạn chế lũ lụt. Có hồ nước, người dân sẽ chủ động được nguồn nước tưới, diện tích canh tác sẽ được nâng cao, chắc chắn nông, lâm nghiệp Hòa Thịnh sẽ ngày càng phát triển vượt bậc.

 

Ngày nay, dẫu đi xa đến đâu, tôi cũng không quên được quê hương mình, không quên được hương vị bánh ít lá gai và cơn mưa dầm Đồng Cọ, cũng không thể quên được tình làng nghĩa xóm. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Cái mối dây ràng buộc giữa hồn người và quê hương là gì? Là văn hóa? Văn hóa là một cái gì đó vừa cụ thể, nhưng cũng vừa trừu tượng, vừa bền vững song cũng rất mong manh. Để gìn giữ, không chỉ bằng phép nước, lệ làng mà còn bằng cả sự trong sạch, gương mẫu của các thế hệ đi trước, các cán bộ đương thời và sự giác ngộ của toàn dân.

 

ĐỖ NHẤT TRÍ

(Trường THCS Đồng Khởi - Tây Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek